Chủ động điều khiển 'Ngựa đầu tư' trong 'cỗ xe tam mã' để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong 3 'ngựa kéo' cỗ xe kinh tế năm 2024, các nhà quản lý có thể chủ động cao nhất trong điều khiển 'ngựa đầu tư' để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm. Vì vậy, cần linh hoạt hơn trong thu hút các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế chứ không chỉ dựa vào nguồn vốn nhà nước để cùng thời điểm có thể thực hiện nhiều dự án thành phần của các dự án lớn tầm cỡ.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Phóng viên: Ông có đánh giá thế nào về những kết quả đạt được của “cỗ xe tam mã” - động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 9 tháng qua?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Năm 2024, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dựa vào "cỗ xe tam mã", cũng là ba động lực tăng trưởng: Xuất khẩu hàng hóa trong bối cảnh tổng cầu thế giới dần gia tăng; Giải ngân vốn đầu tư công, giữ vững ổn định vĩ mô tạo niềm tin và động lực cho các nhà đầu tư nước ngoài giải ngân vốn FDI; Tiêu dùng cuối cùng trong nước.

Thứ nhất, về xuất khẩu, 9 tháng năm 2024, hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Bức tranh xuất khẩu hàng hóa trong 9 tháng có sắc màu tươi mới đó là tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước đạt 20,7%, cao hơn nhiều tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 13,4% của khu vực FDI. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng xuất siêu 20,79 tỷ USD, giảm 0,53% so với mức xuất siêu 20,9 tỷ USD của cùng kỳ năm 2023.

Tính chung 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 17,4 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó dịch vụ du lịch đạt 8,8 tỷ USD, chiếm 50,6% tổng kim ngạch, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ vận tải đạt 4,9 tỷ USD, chiếm 28,1%, tăng 7,9%.

Thứ hai, về đầu tư, có thể thấy, sự chỉ đạo quyết liệt, xử lý những bất cập, chồng chéo trong môi trường pháp lý; với tư duy đổi mới của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo địa phương là những điểm sáng trong chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công.

Điển hình sinh động về tập trung nguồn lực, quan tâm chỉ đạo, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công, tạo sự lan tỏa và thu hút đầu tư từ các nguồn vốn của nền kinh tế chính là việc rút ngắn thời gian thi công dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối từ 3-4 năm xuống còn 7 tháng.

Theo tôi, thành công của dự án là minh chứng cho khả năng vượt qua mọi khó khăn khi có quyết tâm cao, tinh thần trách nhiệm của hệ thống chính trị và sự đồng lòng của toàn dân.

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, ước giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng năm 2024 mới đạt 320,56 nghìn tỷ đồng, đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Cùng với đó, vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước thực hiện đạt 1.336,9 nghìn tỷ, chiếm 55,3% tổng số vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, giải ngân vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước có dấu hiệu khởi sắc nhưng vẫn chưa huy động hết tiềm năng cho phát triển.

Cùng với tận dụng các lợi thế hiện có của kinh tế Việt Nam trong thu hút nguồn vốn FDI, thời gian qua, Chính phủ có những quyết sách nhằm tạo dựng cơ hội, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón nhận làn sóng FDI thế hệ mới.

Thứ ba, về tiêu dùng, tôi đánh giá đây là động lực lớn nhất và vô cùng quan trọng, trong 9 tháng qua, tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và Chính phủ tăng 6,18%, đóng góp 62,66% vào tốc độ tăng 6,82% của nền kinh tế.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá so sánh tăng 5,8%, thấp hơn 1,8 điểm phần trăm so với mức tăng 7,6% của cùng kỳ năm 2023. Điều này phản ánh khó khăn của các hộ gia đình khi việc làm và thu nhập vẫn bị ảnh hưởng do sự phục hồi chậm và yếu của nền kinh tế; tỷ lệ hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính còn cao; niềm tin của người tiêu dùng giảm sút, người dân thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm nhiều hơn và trì hoãn các khoản mua sắm có giá trị lớn.

Phóng viên: Tình hình kinh tế vĩ mô trong thời gian qua có nhiều điểm sáng. Ông đánh giá công tác điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ có đóng góp thế nào trong kết quả này?

Phải nói rằng, thời gian qua, Chính phủ đã chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác, phù hợp với diễn biến của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, giữ ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng.

Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định các mức lãi suất điều hành tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp để hỗ trợ nền kinh tế.

Cùng với giải pháp điều hành lãi suất và tín dụng, Ngân hàng Nhà nước phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, xử lý hiệu quả các cú sốc bên ngoài, bình ổn thị trường ngoại tệ, Việt Nam đồng mất giá với biên độ phù hợp với xu hướng chung của các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới, góp phần giữ vững ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện chính sách giảm, giãn, hoãn các loại thuế, phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, như giảm 2% thuế giá trị gia tăng; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; giảm mức thu đối với 36 khoản phí, lệ phí để hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân; gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Đây là những chính sách hiệu quả và mang ý nghĩa nhân văn rất lớn, thể hiện rõ sự đồng hành của ngành Tài chính với cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Tôi cho rằng, việc điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tạo dư địa để điều chỉnh giá một số loại dịch vụ chiến lược do Nhà nước quản lý sát với giá thị trường.

Phóng viên: Theo ông, “cỗ xe tam mã” cần “điều khiển” như thế nào để phát huy hiệu quả, giúp kinh tế Việt Nam năm nay về đích?

2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, tạo thế và lực cho Đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.

Trong 3 "ngựa kéo" cỗ xe kinh tế năm 2024, các nhà quản lý có thể chủ động cao nhất trong điều khiển "ngựa đầu tư" để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm. Vì vậy, Chính phủ và các địa phương cần huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, phát huy tinh thần trách nhiệm của các cấp các ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Đặc biệt, cần linh hoạt hơn trong thu hút các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế chứ không chỉ dựa vào nguồn vốn nhà nước để cùng thời điểm có thể thực hiện nhiều dự án thành phần của các dự án lớn tầm cỡ. Đồng thời, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho từng dự án đầu tư công có quy mô lớn, liên quan tới nhiều ngành, nhiều địa phương.

Với tầm quan trọng của đầu tư ngoài nhà nước, Chính phủ cần có giải pháp khơi thông, thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngoài nhà nước cho phát triển. Tiếp tục có chính sách và giải pháp thực hiện vốn đầu tư ngoài nhà nước, thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện giải ngân vốn FDI nhiều nhất có thể để "ngựa đầu tư" trong "cỗ xe tam mã" thực hiện tốt vai trò gánh vác, bù đắp, hỗ trợ "ngựa kéo tiêu dùng" trong nỗ lực kéo cỗ xe tăng trưởng kinh tế cả năm về đích với kết quả cao nhất.

Đối với “ngựa tiêu dùng”, đây là động lực có quy mô lớn nhất, tác động mạnh nhất, quan trọng nhất trong các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Tổng cầu tiêu dùng cuối cùng tăng lên đồng nghĩa với tháo gỡ khó khăn về tìm kiếm thị trường cho khu vực doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, giảm bớt sự phụ thuộc vào tổng cầu thế giới. Vì vậy, Chính phủ cần thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua chính sách thuế và an sinh xã hội. Cần trợ cấp cho người nghèo, hỗ trợ nhà ở xã hội cho người lao động, tạo an tâm về chỗ ở và việc làm ổn định đáp ứng đủ yêu cầu lao động của doanh nghiệp.

Niềm tin của người tiêu dùng có ý nghĩa rất lớn, đảm bảo hiệu quả của các giải pháp kích cầu tiêu dùng, vì vậy cùng với chính sách an sinh xã hội, chính sách về lãi suất ngân hàng, thị trường bất động sản, giá vàng, giá ngoại tệ ổn định... sẽ tăng thêm niềm tin của người tiêu dùng, thúc đẩy chi tiêu, xử lý được bài toán nhu cầu thị trường trong nước thấp đối với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, để phát huy tối đa động lực tăng trưởng xuất khẩu, cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ, chính sách tỷ giá để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt.

Bộ Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu; nâng cao hiệu quả công tác thông tin thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội và thực hiện đầy đủ cam kết từ các hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu; đồng thời tăng cường tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ; tập trung xây dựng hình ảnh doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam uy tín.

Về phía các doanh nghiệp, cần chủ động tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường, duy trì cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu ở mức cao nhất có thể...

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Gia Hân (Thực hiện)

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/dieu-khien-ngua-dau-tu-trong-co-xe-tam-ma-de-thuc-day-tang-truong-kinh-te.html