Điều khiển xe sau khi uống bia rượu bị phạt như thế nào?

Pháp luật hiện hành chủ yếu quy định phạt hành chính với lái xe sử dụng rượu bia, song khi xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm sẽ xem xét xử lý hình sự.

Thời gian gần đây, nhiều vụ việc tài xế điều khiển xe sau khi sử dụng rượu bia, gây tai nạn gây hậu quả rất nghiêm trọng. Điển hình như trường hợp của tài xế xe Audi – Nguyễn Đức Thịnh (SN 1987, Bắc Giang) lái xe sau khi “quá chén”, gây tai nạn khiến 3 người tử vong.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 5 tháng đầu năm 2022, trên cả nước đã xảy ra gần 120 vụ tai nạn giao thông do rượu bia khiến 85 người thiệt mạng và 77 người bị thương.

Cán bộ Tổ công tác Đội CSGT số 6 (Hà Nội) kiểm tra nồng độ cồn một tài xế xe máy trên đường Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy.

Pháp luật hiện hành quy định chủ yếu phạt hành chính với các lái xe sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông, còn trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng mới xử lý hình sự.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, trưởng VP Luật Chính Pháp, đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở là vi phạm quy tắc giao thông đường bộ (khoản 8, Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008) và sẽ bị xử phạt.

Cụ thể: Người điều khiển xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở thì sẽ bị phạt tiền từ 7 triệu đến 8 triệu đồng.

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định trên sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1 tháng. Nếu người điều khiển gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 2 tháng.

Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (điểm a khoản 6 Điều 7). Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) 1 tháng.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng VP Luật sư Chính Pháp

Nếu người điều khiển gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) 2 tháng.

Đối với lái tàu, phụ lái tàu khi lên ban mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Điều 8 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định: Các hành vi bị nghiêm cấm: Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”.

Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

Phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở./.

Võ Nam/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/dieu-khien-xe-sau-khi-uong-bia-ruou-bi-phat-nhu-the-nao-post949205.vov