Điều trị đau dây thần kinh sinh ba

Đau dây thần kinh sinh ba ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng sống của người bệnh. Nhưng đây là bệnh đáp ứng tốt với thuốc đặc hiệu nếu được điều trị sớm.

Mục tiêu và nguyên tắc điều trị đau dây thần kinh sinh ba

Đau dây thần kinh sinh ba có nhiều phương pháp điều trị. Mục tiêu điều trị đau dây thần kinh sinh ba là kiểm soát đau và đạt thoái lui cơn đau hoàn toàn. Nguyên tắc điều trị phải đạt được mục đích cân bằng kiểm soát bệnh và tác dụng phụ thuốc.

Theo đó điều trị nội khoa được áp dụng cho tất cả trường hợp mới được chẩn đoán đau thần kinh sinh ba thể kinh điển. Phẫu thuật sẽ được bác sĩ cân nhắc chỉ định nếu bệnh nhân không đáp ứng điều trị nội khoa, hoặc không thể dung nạp thuốc hoặc do tác dụng phụ của thuốc trầm trọng hơn so với hiệu quả điều trị.

Chỉ định phẫu thuật điều trị nguyên nhân đối với đau thần kinh sinh ba triệu chứng.

Khi có triệu chứng đau, cần đi khám sớm để được điều trị kịp thời.

Khi có triệu chứng đau, cần đi khám sớm để được điều trị kịp thời.

Biện pháp dùng thuốc điều trị đau dây thần kinh sinh ba

Đối với thể kinh điển, các loại thuốc chống co giật như carbamazepine, oxcarbazepine, topiramate, gabapentin, pregabalin, clonazepam, phenytoin, lamotrigine và acid valproic có thể được bác sĩ chuyên khoa thần kinh chỉ định để ngăn chặn sự kích thích thần kinh.

Các thuốc này thường cho hiệu quả trong điều trị TN1 (là dạng rối loạn điển hình, gây đau mặt dữ dội, lẻ tẻ, đột ngột hoặc giống như sốc; kéo dài từ vài giây đến hai phút mỗi lần. Những cơn đau này có thể xảy ra liên tiếp, nhanh chóng, theo từng đợt kéo dài đến hai giờ). Nhưng lại kém hiệu quả đối với TN2 (là dạng rối loạn không điển hình, đặc trưng bởi cảm giác đau nhức liên tục, bỏng rát, đau nhói với cường độ thấp hơn TN1).

Thuốc chống trầm cảm ba vòng như amitriptyline hoặc nortriptyline có thể được bác sĩ chỉ định để điều trị cơn đau.

Thuốc giảm đau thông thường không kê đơn hoặc thuốc giảm đau kê đơn nhóm opioid không mang lại hiệu quả cao đối với cơn đau buốt, tái phát do TN1 gây ra. Tuy nhiên thuốc này lại có thể đáp ứng với bệnh nhân dạng TN2.

Thuốc là giải pháp đầu tiên được bác sĩ lựa chọn để điều trị, do đây là biện pháp nhẹ nhàng hơn so với phẫu thuật. Tuy nhiên, khi dùng thuốc, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ như rối loạn nhận thức, mất trí nhớ, mệt mỏi quá mức, ức chế tủy xương hoặc dị ứng. Một số bệnh nhân không đáp ứng điều trị bằng thuốc thì sẽ có chỉ định điều trị bằng biện pháp khác.

Phương pháp phẫu thuật điều trị đau dây thần kinh sinh ba

Vì đau dây thần kinh sinh ba là một rối loạn tiến triển. Sau một thời gian điều trị bằng thuốc, có thể gặp phải tình trạng kháng thuốc.

Trường hợp dùng thuốc nhưng không giảm đau hoặc thuốc gây ra các tác dụng phụ nêu trên, thì phương pháp điều trị bằng phẫu thuật có thể được chỉ định.

Phẫu thuật thần kinh được xem xét điều trị tùy thuộc vào các yếu tố:

Bản chất của cơn đau.
Mong muốn của bệnh nhân.
Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân có đáp ứng được ca phẫu thuật hay không...

Các thủ thuật có thể áp dụng:

Phương pháp chèn bong bóng qua da: Phương pháp này được thực hiện trong phòng phẫu thuật và gây mê toàn thân. Bác sĩ sẽ sử dụng kim dẫn đường có kích thước rộng được đưa vào má rồi dẫn đến vị trí nhánh của dây thần kinh sinh ba đi qua đáy hộp sọ. Sau đó bơm phồng rất chậm bong bóng nhằm ép một phần dây thần kinh vào rìa cứng của lớp màng cứng và hộp sọ. Sau khoảng một phút, bóng được làm xẹp và lấy ra cùng với kim dẫn đường.

Phương pháp này sẽ làm tổn thương lớp cách nhiệt trên các dây thần kinh liên quan đến cảm giác chạm nhẹ trên mặt. Thủ thuật này giúp giảm đau dây thần kinh sinh ba khoảng 1 - 2 năm.

Tiêm glycerol: Người bệnh sẽ được thực hiện trong phòng phẫu thuật, sử dụng thuốc an thần và gây tê cục bộ trước khi thực hiện kỹ thuật. Bác sĩ sẽ đưa một cây kim qua má vào đáy hộp sọ. Kim được dẫn đường bằng tia X đến một túi nhỏ của dịch tủy sống bao quanh rễ của dây thần kinh sinh ba. Khi kim đã vào đúng vị trí, một lượng nhỏ glycerol vô trùng sẽ được giải phóng.

Glycerol có tác dụng ngăn chặn khả năng truyền tín hiệu liên quan đến cơn đau của dây thần kinh hoặc giúp chữa lành lớp cách điện của dây thần kinh mà không làm tổn thương dây thần kinh.

Quy trình của phương pháp này diễn ra trong vài phút. Phương pháp này giúp giảm đau trong khoảng 1-2 năm. Tuy nhiên có thể lặp lại biện pháp điều trị này nhiều lần.

Cắt bỏ dây thần kinh sinh ba bằng tần số vô tuyến: Sau khi người bệnh được gây mê, bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim rồi đưa qua má tới hạch sinh ba. Khi kim được định vị ở vị trí thích hợp, nhiệt được tạo ra bằng năng lượng từ tần số vô tuyến và tiêu diệt các sợi thần kinh sinh ba.

Phương pháp này có thể giúp giảm đau trong khoảng 3 - 4 năm.

Khi các biện pháp dùng thuốc không hiệu quả, có thể được điều trị bằng phẫu thuật...

Khi các biện pháp dùng thuốc không hiệu quả, có thể được điều trị bằng phẫu thuật...

Phương pháp xạ phẫu/xạ trị định vị lập thể: Là phương pháp sử dụng chùm tia gamma năng lượng tập trung vào vị trí dây thần kinh sinh ba thoát ra khỏi thân não. Biện pháp này nhằm kìm hãm sự hình thành tổn thương trên dây thần kinh, làm gián đoạn quá trình truyền tín hiệu cảm giác đến não. Tuy nhiên cảm giác đau sẽ không thuyên giảm ngay sau khi phẫu thuật mà hiệu quả giảm đau phải sau vài tuần phẫu thuật.

Hiện nay phương pháp này ngày càng phổ biến vì độ chính xác, hiệu quả và ít xâm lấn hơn so với các phương pháp phẫu thuật khác. Tuy nhiên có khoảng 50% số người sau điều trị bị tái đau trong vòng 3 năm.

Giải nén vi mạch: Phương pháp này giúp giảm áp lực cho các dây thần kinh bị ảnh hưởng và làm lành chúng. Sau khi bệnh nhân được gây mê, bác sĩ phẫu thuật sẽ di chuyển mạch đang chèn ép dây thần kinh và đặt một tấm đệm mềm giữa dây thần kinh và mạch. Mục đích của thủ thuật này là giúp người bệnh không còn cảm giác tê mặt sau phẫu thuật và thời gian hồi phục sẽ diễn ra sau vài ngày hoặc vài tuần.

Khoảng 90% bệnh nhân giảm đau rõ rệt sau khi được thực hiện thủ thuật. Khoảng 50% số người thực hiện kỹ thuật này bị đau tái phát trong vòng 12 - 15 năm.

Khi những biện pháp nêu trên không còn hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định biện pháp kích thích não sâu, hủy hạch Gasser… Tuy nhiên đây là 2 phương pháp mới, mặc dù được đánh giá là mang lại hiệu quả điều trị cao, nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao và vẫn đang được đánh giá về rủi ro và lợi ích.

Lưu ý các rủi ro có thể gặp sau phẫu thuật:

Bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng tê mặt và đau rát sâu ở mức độ khác nhau sau phẫu thuật.
Nguy cơ cơn đau tái phát sau khi đã thực hiện phẫu thuật.
Mất thính giác, các vấn đề về thăng bằng.
Rò rỉ dịch não tủy (là loại chất lỏng sinh lý dùng để bảo vệ não).

Các liệu pháp điều trị bổ sung

Ngoài dùng thuốc, bệnh nhân có thể kết hợp với một trong các biện pháp dưới đây. Tùy sở thích và mong muốn của mỗi cá nhân sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp. Mỗi phương pháp sẽ mang lại hiệu quả điều trị khác nhau:

Thực hiện những bài tập thể dục nhẹ như yoga hoặc thiền định giúp tăng cường sức khỏe.
Sử dụng biện pháp châm cứu.
Liệu pháp hương thơm giúp ổn định tinh thần.
Liệu pháp vitamin, liệu pháp dinh dưỡng tăng cường sức khỏe. Ăn thức ăn mềm, dễ nhai, dễ nuốt.
Tiêm botulinum để ngăn hoạt động của các dây thần kinh cảm giác.
Tránh làm những việc kích thích vùng mặt khi đang đau. Tránh thời tiết quá lạnh, nóng...

BS.Phạm Ngọc Dương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dieu-tri-dau-day-than-kinh-sinh-ba-16924092719244577.htm