Điều ước ngày 2/9 của bác sĩ tuyến đầu chống dịch
Nếu được ước trong ngày Quốc khánh, các bác sĩ tuyến đầu đều ước dịch sẽ sớm được kiểm soát, các bệnh nhân mau chóng khỏe lại, đoàn tụ với gia đình.
“Facebook vừa nhắc lại kỷ niệm ngày này 2 năm trước, khi đó tôi và đám bạn đang check-in khi trên đường tới Đà Lạt nghỉ dưỡng. Còn năm vừa rồi thì nguyên mâm cơm thịnh soạn bên ba má. Còn năm nay với tôi cũng rất đặc biệt và ý nghĩa", BS Bùi Thị Kim Kha, công tác tại Bệnh viện Bưu điện TP.HCM, là bác sĩ tình nguyện tại Bệnh viện dã chiến số 3 (TP.HCM) chia sẻ. Hàng ngày chị làm nhiệm vụ chăm sóc điều trị cho F0. Hai tháng nay chị chưa được về nhà.
Kỳ nghỉ Quốc khánh năm nay, chị không còn dự định đi du lịch ở đâu, chơi gì và làm gì. Mối quan tâm lớn nhất của chị là tập trung điều trị bệnh nhân F0 tại bệnh viện. Thừa nhận ngày lễ tết mà không được bên người thân, không được đi đâu đó cũng có chút buồn nhưng với chị Kim Kha lúc này, điều trị bệnh nhân F0 là quan trọng hơn cả. Đó là ưu tiên hàng đầu của chị lúc này.
Hôm qua (1/9), nhận điện thoại của má hỏi nghỉ lễ có về không, chị trả lời hóm hỉnh: "Lễ nhưng bệnh nhân của con không ngưng thở oxy má à". Chị nói: "Đó là tinh thần làm việc của chúng tôi, cuộc chiến này còn kéo dài thời gian nữa và tinh thần chúng tôi vẫn luôn sôi sục. Nếu cho tôi một điều ước vào ngày Quốc khánh này, thì tôi sẽ ước dịch sẽ sớm được kiểm soát, các bệnh nhân mau chóng khỏe lại và được đoàn tụ với gia đình”, BS Kha chia sẻ.
Ở Bệnh viện dã chiến số 3 suốt 2 tháng qua, từ ngày bệnh viện mới thành lập cho đến giờ, bác sĩ Kim Kha coi đây như là nhà mình và bệnh nhân như là những người thân, bạn bè của mình.
"Trải qua tất cả các cung bậc cảm xúc cùng bệnh nhân, chúng tôi đau cùng nỗi đau bệnh tật, buồn cùng nỗi buồn chia xa và vui cùng niềm vui khỏi bệnh và được xuất viện của họ", bác sĩ Kha nói.
Bác sĩ Kha nhớ như in gương mặt hoảng loạn khi biết bản thân F0: "Tôi không ở đây đâu tôi muốn về nhà”; những người luôn lạc quan và đầy sự: "Tôi trên 60 rồi nhưng tôi khỏe lắm bác sĩ đừng lo”, “giờ này bác sĩ đã ăn uống gì chưa"", và rồi những đau đớn: "Tôi mệt, khó thở quá".
Nữ bác sĩ và đồng nghiệp của chị cũng nhớ như in lời cảm ơn: “Cảm ơn các y bác sĩ đã chữa khỏi bệnh cho tôi”. "Tôi tin sẽ hẹn gặp mọi người vào một ngày vui không xa”, chị nói.
Chị Nguyễn Thị Mới, Điều dưỡng của Bệnh viện Thống Nhất, đang tình nguyện ở Bệnh viện dã chiến số 8 (phường An Khánh, TP Thủ Đức) cũng gần hai tháng nay. Những năm trước nếu được nghỉ lễ 2/9 là chị về quê ở Cần Thơ, còn năm nay thì khác. Chị còn nhiệm vụ phải làm, đó là chăm sóc bệnh nhân COVID-19.
“Những năm trước tôi thường về quê thăm mẹ 70 mấy. Tối nào con tôi cũng gọi điện thoại nói nhớ mẹ, sao mẹ đi công tác lâu thế. Biết làm sao được, đã theo nghề này rồi, bản thân cũng muốn góp sức nhỏ bé trong cuộc chiến chống dịch lần này. Cầu cho tất cả đồng nghiệp có sức khỏe để chăm sóc tốt cho bệnh nhân. Dịch hết, tất cả chúng ta sẽ được về đoàn tựu với gia đình”, chị Mới tâm sự.
Hằng ngày, công việc của chị Mới là phụ trách khối điều dưỡng, hậu cần, ăn uống và cung cấp thuốc. Với chị, công việc ở Bệnh viện dã chiến số 8 cũng không khác nhiều so với ở Bệnh viện Thống Nhất nơi chị công tác, nên chị không mất nhiều thời gian làm quen những ngày đầu nhận nhiệm vụ.
"Một người điều dưỡng phụ trách 2 - 3 tầng, mà một tầng khoảng 80 người nên công việc đôi lúc khá căng thẳng", chị Mới chia sẻ. "Tôi sẽ cố gắng và cũng mong các bạn điều dưỡng vững tâm, vững trí, thực hiện đúng quy trình để tránh bị nhiễm bệnh".
Mỗi tối thứ 6, các kíp sẽ giao lưu qua Zoom (ứng dụng họp) để chia sẻ công việc, tâm sự vui buồn nên phần nào cũng vơi bớt những khó khăn.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/dieu-uoc-ngay-2-9-cua-bac-si-tuyen-dau-chong-dich-ar634448.html