Đình Cây Trương trong đời sống tín ngưỡng của Nhân dân làng Đầm
Đình Cây Trương thuộc làng Đầm, xã Thành Minh (Thạch Thành). Đình là nơi thờ các vị thần Bản cảnh Thành hoàng chi thần, Thánh Cả Long Vương, Thánh Hai Long Vương, Thánh Ba Long Vương, Chu Trạch Đại Vương tôn thần - là những vị thần có công giúp nước giúp dân, ngầm hiển linh ứng, được các triều đại phong kiến Việt Nam ban nhiều sắc phong, cho phép Nhân dân được phụng thờ. Di tích có tên là đình Cây Trương, vì theo các cụ cao niên trong làng cho biết, trước đây trong khuôn viên của đình có một cây Trương rất to (cây Trương là gọi theo tiếng Mường, tiếng Việt gọi là cây Lát), nên Nhân dân địa phương đã lấy đặc điểm ấy để đặt tên gọi cho đình làng.
Đình Cây Trương, xã Thành Minh (Thạch Thành).
Đình Cây Trương nằm ở trung tâm làng Đầm, trên một khu đất cao ráo, thoáng mát. Phía trước là cánh đồng lúa chín vàng, những cánh đồng ngô, khoai, sắn màu mỡ, tốt tươi. Phía sau là làng mạc trù phú, với những ngôi nhà to nhỏ khác nhau, mái ngói thắm đỏ, đã tạo nên cảnh sắc yên bình của một làng quê có lịch sử truyền thống và văn hóa lâu đời.
Qua khảo sát nghiên cứu, tìm hiểu thực địa hiện trạng di tích, cũng như những thông tin thu thập được từ Nhân dân địa phương, dựa vào các sắc phong hiện đang được lưu giữ tại đình Cây Trương, cho chúng ta biết đình có niên đại muộn nhất cũng phải từ thời vua Tự Đức thứ 6 (1853), triều Nguyễn. Theo các cụ cao niên trong làng cho biết: Trước đây, đình có kiến trúc hình chữ Nhị, được dựng theo hướng Nam. Đình gồm Hậu cung 3 gian và Tiền đường 5 gian. Chính giữa Hậu cung đặt một hương án. Trên hương án đặt ba bát hương. Bát hương chính giữa cao nhất thờ thần Hoàng làng, hai bát hương hai bên, một bát thờ vong thần Chu Trạch Đại Vương, một bát thờ 3 thần Long Vương. Tiền đường có cấu trúc 5 gian 2 chái, vì kèo kẻ chuyền làm bằng gỗ, mái lợp lá. Tiền đường là nơi hội họp của làng mỗi khi có việc chung.
Các cụ cao niên cũng cho biết, nơi đây vào khoảng những năm 1952 - 1953, huyện Thạch Thành còn dùng làm nơi tổ chức lớp học xóa mù chữ cho Nhân dân. Trải qua thời gian dài với sự hủy hoại của thiên nhiên, nhất là thời kỳ “bài phong” cùng với bom đạn của giặc Mỹ trong những năm 60 của thế kỷ trước, đình đã bị phá hủy hoàn toàn. Hiện nay, Nhân dân địa phương còn lưu giữ được các di vật cũ gồm: hộp đựng sắc, sắc phong, chân tảng... Qua những di vật trên cũng cho chúng ta biết được về quy mô, kiến trúc của đình Cây Trương trước đây. Năm 2015, để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của Nhân dân trong làng nói riêng và Nhân dân trong vùng nói chung, chính quyền địa phương, Nhân dân và các nhà hảo tâm đã đóng góp công đức phục hồi lại 3 gian Hậu cung trên nền đất cũ, để làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của dân làng.
Về vị thần Bản cảnh Thành hoàng chi thần là chủ thể trên cõi thiêng của làng, mang tính chất hộ quốc tý dân (hộ nước giúp dân). Vai trò của vị thần có ý nghĩa đối với những cư dân miền núi, vì lẽ họ đã gặp không ít khó khăn do thiên tai địch họa, do thú dữ hoành hành. Điều đó có nghĩa là, thần Thành hoàng đã trở thành một biểu tượng tâm linh, bởi theo họ chỉ có thần mới có thể giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, giúp cho cuộc sống của họ ngày một thêm ổn định, thịnh vượng.
Đình Cây Trương, ngoài thờ vị Thành Hoàng làng, còn thờ thần Long Vương (Thủy thần), một tín ngưỡng có nguồn gốc lâu đời của cư dân nông nghiệp gắn với tục thờ thần Rồng, Rắn với mong muốn mưa thuận gió hòa. Về vị thần Thánh Cả Long Vương, Thánh Hai Long Vương, Thánh Ba Long Vương, cả ba vị thần nêu trên đều được triều đình phong kiến ban tặng sắc phong có niên hiệu Khải Định năm thứ 9 (1924). Các thần có công giúp nước, giúp dân, nhiều lần hiển hiện linh ứng nên Nhân dân được phép thờ phụng, để thần bảo vệ cho muôn dân. Vị thần Long Vương vốn là một tín ngưỡng dân gian được cộng đồng cư dân làng Đầm thờ, có công giúp sức bảo vệ dân làng khi thiên tai địch họa. Vì thế, một mặt là niềm tự hào của dân làng, là vị thần đang từng ngày, từng giờ bảo vệ cho đời sống cộng đồng của họ. Mặt khác, hình ảnh của vị thần Long Vương ở đây là nhân cách của lòng yêu nước, cần cù lao động sáng tạo và dũng cảm bảo vệ đất nước, là hình ảnh nhân cách hóa của mối quan hệ từ làng đến nước. Hình ảnh vị thần được thờ ở đình góp phần vào tình yêu quê hương đất nước, tạo nên sức mạnh bảo vệ làng, giữ nước.
Về thần Chu Trạch Đại Vương, là vị thần có công giúp nước, giúp dân, ngầm hiển linh ứng, nên niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924) triều đình phong kiến đã ban tặng sắc phong cho thần, ban tặng thêm cho thần mỹ tự Dực Bảo Trung Hưng linh phù tôn thần, cho phép địa phương thờ để thần bảo vệ Nhân dân.
Như vậy, đình Cây Trương trước kia vừa làm chức năng hành chính, là nơi hội họp của dân làng, vừa là nơi thờ Thành Hoàng làng, Thánh Cả Long Vương, Thánh Hai Long Vương, Thánh Ba Long Vương và Chu Trạch Đại Vương – là những vị thần có công giúp dân, giúp nước, linh ứng được Nhân dân phụng thờ từ rất lâu đời. Lễ hội chính ở đình Cây Trương diễn ra vào ngày 15 tháng 2 (âm lịch) hàng năm. Ngoài ra, Nhân dân địa phương còn tổ chức lễ hội vào các ngày mùng 7 tháng giêng (âm lịch) là khai hạ mở cửa đình, 15 tháng 10 (âm lịch) là lễ cơm mới, 23 tháng chạp là đóng cửa đình. Các lễ vật cúng tiến trong những ngày diễn ra tổ chức lễ hội gồm: xôi, gà, thủ lợn, hoa quả, rượu, nước trắng... Ngoài việc cúng tế thần, người dân địa phương còn tổ chức các trò chơi mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Mường như: thi bắn nỏ, ném còn, chọi gà... Lễ hội được diễn ra với quy mô rộng lớn, các bản hội, khách thập phương, Nhân dân trong làng và ngoài vùng cũng về tham dự, với mong muốn các thần sẽ bảo trợ, phù hộ cho “Của đồng làm ra, của nhà làm nên, trẻ già dưới trên, người người mạnh khỏe”. Ngoài ra, những ngày mùng một, ngày rằm và các ngày lễ tiết trong năm, Nhân dân trong làng, trong xã vẫn đến đình thắp hương, khấn cầu mong được bình yên trong gia đình.
Bên cạnh đó, các hiện vật còn lưu giữ tại di tích như: hộp đựng sắc, sắc phong, chân tảng... giúp chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu thêm về nghệ thuật điêu khắc truyền thống của cha ông ta trong lịch sử, cũng như truyền thống tín ngưỡng của địa phương.
Để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân, thời gian qua, chính quyền nơi đây đã chung tay cùng Nhân dân góp sức, góp của phục dựng lại đình. Tháng 1-2020, đình Cây Trương được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Nơi đây trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh quan trọng và đang được chính quyền, Nhân dân địa phương ra sức bảo tồn, phát huy giá trị.