Dinh dưỡng cho trẻ em và phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

Với kết quả là 19,6% trẻ em dưới 5 tuổi bị thấp còi, 16,2% bị thiếu máu, 8,9% bị thiếu vitamin A và 53,3% bị thiếu kẽm (theo Tổng điều tra 2020), cách cho ăn bổ sung hợp lý cùng với việc chăm sóc, phòng bệnh đầy đủ, có thể giúp trẻ tăng trưởng và phát triển, phòng ngừa thấp còi và thiếu hụt các vitamin , khoáng chất. Việc bắt đầu cho ăn bổ sung cũng là một cơ hội quan trọng để hình thành thói quen ăn uống lành mạnh và bảo đảm cho trẻ không bị thừa cân và mắc các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp sau này.

Cần thêm kiến thức về dinh dưỡng và phát triển của trẻ nhỏ

Suy dinh dưỡng thấp còi tăng đột ngột ở nhóm 6 tháng tuổi khi chỉ bú sữa mẹ đơn thuần không thể cung cấp đủ nhu cầu năng lượng, protein, vitamin và khoáng chất. Những vấn đề về dinh dưỡng trẻ em này sẽ làm chậm lại sự phát triển về tầm vóc, thể lực và trí tuệ cũng như gia tăng gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm khi trưởng thành.

Việt Nam đang phải đối phó đồng thời 3 gánh nặng về dinh dưỡng, bao gồm: thiếu dinh dưỡng, thừa dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng. Bên cạnh thực trạng suy dinh dưỡng thấp còi vẫn còn tồn tại dai dẳng ở các khu vực khó khăn, nông thôn miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh chóng đặc biệt ở khu vực đô thị.

PGS,TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia phát biểu tại hội thảo.

PGS,TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia phát biểu tại hội thảo.

Theo PGS,TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, một trong những nguyên nhân của vấn đề là thực hành dinh dưỡng chưa tối ưu, đặc biệt là thực hành cho trẻ ăn bổ sung khi trẻ được 6 đến 23 tháng tuổi.

Ông đưa ra đánh giá phương pháp cho trẻ ăn dặm truyền thống của Việt Nam. Với ưu điểm là lựa chọn các thực phẩm truyền thống, phù hợp văn hóa, ăn thực phẩm tươi, chọn thực phẩm sạch, nấu kỹ, nhưng lại có nhiều nhược điểm.

Đó là việc cho trẻ ăn quá sớm vì nghĩ là sữa mẹ không đủ, ăn sớm cho cứng cáp, xay nhuyễn thực phẩm sợ trẻ hóc, không tập cho trẻ nhai nên hình thành thói quen ngậm; không cho trẻ ăn rau sớm hoặc chỉ cho ăn nước không cho ăn cái (thiếu chất xơ); không kiên nhẫn tập cho trẻ ăn thức ăn đa dạng; kiêng một số loại thực phẩm dẫn đến trẻ kén ăn, biếng ăn; không tập trung cho trẻ ăn, cho trẻ xem phim, dùng điện thoại khi ăn; ép buộc trẻ ăn dẫn đến các vấn đề tâm lý ở trẻ (sợ ăn).

Thông tin trên được PGS,TS Trần Thanh Dương chia sẻ tại “Hội thảo chuyên đề Nhật Bản-Việt Nam về cải thiện thực hành ăn dặm trong 1.000 ngày đầu đời cho trẻ em Việt Nam” vừa được tổ chức sáng 28/9, tại Hà Nội.

Chương trình có sự phối hợp giữa Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Viện Dinh dưỡng quốc gia và các cơ quan liên quan. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Nhật Bản và Việt Nam cùng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm chuyên ngành về bữa ăn và định lượng dinh dưỡng hợp lý, hướng dẫn hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung của người Nhật...

Hội thảo trong khuôn khổ “Dự án khảo sát kiểm chứng thương mại hóa cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời tại Việt Nam” do Công ty cổ phần Asahi Group Foods đề xuất với JICA, nhằm mục tiêu góp phần giải quyết những vấn đề kinh tế-xã hội mà các quốc gia đang phát triển gặp phải. Đây là một trong các dự án thuộc Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Các nhà khoa học xác định, 1.000 ngày đầu đời của trẻ được tính từ khi bà mẹ bắt đầu mang thai cho đến khi trẻ được 2 tuổi. Dinh dưỡng cho trẻ trong 1.000 ngày vàng lại càng đóng vai trò quan trọng hơn nữa. Dinh dưỡng trong 2 năm đầu đời đóng góp tới 80% trọng lượng não bộ và dự phòng các bệnh mạn tính khi trưởng thành. Nếu giai đoạn này trẻ được nuôi dưỡng tốt có thể sẽ tăng chiều cao từ 25cm trong 12 tháng đầu và 10cm/năm trong năm tiếp theo. Do đó, trong 2 năm đầu đời, em bé có thể tăng chiều cao tới 35cm. Chiều cao của trẻ giai đoạn này sẽ bằng 1/2 chiều cao lúc trưởng thành.

TS Nguyễn Duy Sơn, Viện Dinh dưỡng quốc gia lại đưa ra con số thực tế thừa cân béo phì, trẻ em người Kinh có tỷ lệ thừa cân béo phì cao hơn trẻ em các dân tộc khác; tỷ lệ thấp ở nhóm trẻ từ 0 đến 23 tháng tuổi; cao nhất từ 54 đến 59 tháng tuổi. Tại Việt Nam, vẫn còn một số bà mẹ và người chăm sóc trẻ chưa có đầy đủ kiến thức, thông tin về ăn dặm, dẫn tới phát sinh rất nhiều vấn đề liên quan đến dinh dưỡng và phát triển của trẻ nhỏ, chẳng hạn như tình trạng trẻ suy dinh dưỡng ở khu vực nông thôn hay tình trạng trẻ béo phì ở khu vực thành thị.

Thông tin từ Viện Dinh dưỡng quốc gia được TS Huỳnh Nam Phương cho biết, trẻ em có nguy cơ cao với gánh nặng kép về suy dinh dưỡng và tình trạng thấp còi tăng đột biến khi trẻ được 12 tháng tuổi.

Vấn đề thực hành dinh dưỡng cho trẻ em càng khó khăn hơn ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu vùng xa cũng như tại các hộ nghèo, cận nghèo.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, đó là lý do mà các Chương trình Mục tiêu quốc gia hiện nay đều có triển khai các hoạt động về dinh dưỡng, chăm lo sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời tại 51 tỉnh, thành phố được thực hiện, mang lại những kết quả tích cực.

Trong một nghiên cứu tổng quan mà Viện Dinh dưỡng quốc gia đã tiến hành cùng với UNICEF năm 2019, hơn 50% trẻ em Việt Nam được bắt đầu cho ăn bổ sung sớm trước 6 tháng trong khi 18% trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi không có chế độ ăn đủ đa dạng và 36% không ăn đủ bữa. Những trẻ này có chế độ ăn kém chất lượng, thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu. Ăn bổ sung là cho trẻ ăn các thực phẩm đặc để bổ sung cho sữa mẹ và bắt đầu trong khoảng từ 6 đến 24 tháng tuổi. Nhu cầu dinh dưỡng tăng đáng kể ở độ tuổi này.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã phổ biến hướng dẫn các chương trình để cải thiện chế độ ăn của trẻ trong giai đoạn thực hành ăn bổ sung năm 2020.

Gần đây nhất, Tổ chức Y tế thế giới đã ban hành hướng dẫn cập nhật về ăn bổ sung cho trẻ em 6 đến 23 tháng tuổi năm 2023. Nhật Bản đã có hướng dẫn về cho trẻ bú mẹ và ăn bổ sung năm 2019 với cách tiếp cận khá toàn diện về dinh dưỡng, chăm sóc răng miệng và tâm lý.

PGS,TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ: “Nhiều mẹ Việt hiện nay rất thích cho con ăn dặm kiểu Nhật, nhưng rất khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin chính thống. Hiện Việt Nam chưa có hướng dẫn chuyên môn dành cho cán bộ y tế để có thể hướng dẫn bà mẹ và người chăm sóc về thực hành ăn bổ sung. Trong hướng dẫn các can thiệp hỗ trợ thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ được Viện Dinh dưỡng xây dựng năm 2023 với sự hỗ trợ của UNICEF cũng đã đưa ra tiêu chuẩn cần phải có các tài liệu chuyên môn này”.

Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam Sugano Yuichi.

Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam Sugano Yuichi.

Ông Sugano Yuichi, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam cho biết, từ năm 2023, JICA đã triển khai Dự án "Khảo sát kiểm chứng thương mại hóa cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời tại Việt Nam'' cùng với Viện Dinh dưỡng quốc gia và các chuyên gia Việt Nam khác. Mục tiêu chính của dự án này là phổ biến kiến thức và kinh nghiệm của Nhật Bản về chế độ ăn uống và dinh dưỡng hợp lý cho phụ nữ có thai và đang cho con bú cũng như trẻ nhỏ tới nhân viên y tế và các bà mẹ.

Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Ăn dặm kiểu Nhật được các chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn thực hành ăn bổ sung cho trẻ nhỏ, đó là dinh dưỡng theo từng giai đoạn tháng tuổi, số bữa ăn trong ngày, mật độ cứng mềm, kích thước của thức ăn (tập kỹ năng nuốt, nhai tốt), các chế biến là rây, giã nhuyễn, cắt nhỏ, số lượng từng nhóm thức ăn cho mỗi bữa.

Cơ quan Trẻ em và Gia đình Nhật Bản thông tin hướng dẫn bắt đầu ăn dặm cho trẻ từ 5 tháng tuổi. Ở giai đoạn này, trẻ dễ bị thiếu máu do thiếu sắt, nên bổ sung sắt bằng cách cho trẻ ăn các thịt đỏ, cá thịt đỏ… Thức ăn dặm rất quan trọng vì nó bổ sung năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết mà sữa mẹ và sữa công thức không cung cấp đủ để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của trẻ. Cùng với tiến trình ăn dặm, cần chú ý cân bằng về mặt dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ. Tuy nhiên, không cần phải quá phức tạp, chỉ cần kết hợp các loại thực phẩm giàu các chất dinh dưỡng chính như carbohydrate, vitamin/khoáng chất và protein là đủ. Các chuyên gia Nhật khuyên các bà mẹ bổ sung vitamin D cho trẻ bằng cách sử dụng lòng đỏ trứng gà, nấm, các loại cá để cho bữa ăn dặm của trẻ...

Một bữa ăn dặm kéo dài nhiều nhất là 30 phút, giúp cho việc hấp thu dưỡng chất tốt nhất. Để bảo đảm món ăn và nguyên liệu chế biến không bị mất cân bằng, khi trẻ bắt đầu ăn dặm 2 bữa một ngày, bữa ăn bao gồm đầy đủ các nhóm thực phẩm. Thực phẩm chính như cơm, cháo, mì… Món phụ từ các loại rau củ. Món chính chứa đạm từ thịt, cá, trứng, đậu. Nếu sản phẩm có thành phần chính là các loại ngũ cốc thì thêm các món ăn phụ có chứa rau, thực phẩm chứa nhiều đạm hoặc trái cây vào bữa ăn. Có thể sử dụng sữa công thức bổ sung vào nguyên liệu nấu bữa ăn dặm.

GS Chiharu Tsutsumi, chuyên gia dinh dưỡng, giảng viên Khoa Dinh dưỡng và Sức khỏe, Trường đại học Nữ Sagami

GS Chiharu Tsutsumi, chuyên gia dinh dưỡng, giảng viên Khoa Dinh dưỡng và Sức khỏe, Trường đại học Nữ Sagami trình bày một số kinh nghiệm của Nhật Bản trong hướng dẫn ăn dặm. Bà đã tham gia vào việc xây dựng hướng dẫn này cho Nhật Bản vào năm 2019 là bản cập nhật nhất hiện nay. Viện Dinh dưỡng quốc gia sẽ tham khảo các khuyến nghị có tính chất khoa học và các hướng dẫn của các quốc gia khác tiến bộ như của Nhật Bản để xây dựng một Hướng dẫn cho Việt Nam có thể áp dụng rộng rãi cho cộng đồng ở các vùng miền, không phân biệt tầng lớp xã hội và thu nhập.

Trước thực trạng về vấn đề dinh dưỡng tại Việt Nam hiện nay, các chuyên gia dinh dưỡng Nhật Bản cho biết quan điểm cơ bản về vấn đề hỗ trợ ăn dặm là hỗ trợ thúc đẩy sự tự lập trong ăn uống của trẻ, dựa trên việc tôn trọng sự khác biệt cá nhân của từng đứa trẻ, tạo nền tảng cho thói quen ăn uống lành mạnh, hỗ trợ hình thành mối quan hệ lành mạnh giữa con cái và cha mẹ.

Thêm vào đó, vấn đề giáo dục ăn uống cũng rất cần được chú trọng, một trong những mục tiêu của giáo dục ăn uống là tăng tỷ lệ người dân ăn chậm, nhai kỹ. Bởi nhai kỹ giúp kích thích phát triển não bộ ở trẻ, tăng lưu lượng máu não, làm tiết nước bọt, kích thích dịch tiêu hóa, tạo cảm giác no và ngăn ngừa béo phì. Việc phát triển kỹ năng nhai cần phải phù hợp sự tăng trưởng, phát triển của từng trẻ nhỏ.

Hiện nay, tại Việt Nam, nhiều bà mẹ mua một số sản phẩm chức năng của Nhật được quảng cáo là có tác dụng tăng chiều cao của trẻ.

Chia sẻ về sản phẩm tăng chiều cao này, Giáo sư Chiharu Tsutsumi, chuyên gia dinh dưỡng, giảng viên Khoa Dinh dưỡng và Sức khỏe, Trường đại học Nữ Sagami khẳng định: “Tại Nhật Bản, các bà mẹ không sử dụng sản phẩm đó cho trẻ uống để tăng chiều cao. Muốn cải thiện chiều cao, nên sử dụng các sản phẩm chứa sắt như gan, rau cải bó xôi... Tôi không khuyến khích sử dụng các sản phẩm hỗ trợ tăng chiều cao”.

Chủ tịch Công ty cổ phần Asahi Group Foods Hiroshi Kawahara chia sẻ tại hội thảo.

Chủ tịch Công ty cổ phần Asahi Group Foods Hiroshi Kawahara chia sẻ tại hội thảo.

Ông Hiroshi Kawahara, Chủ tịch Công ty cổ phần Asahi Group Foods chia sẻ tại hội thảo: Hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều thông tin về chế độ ăn dặm của Nhật Bản; trong đó, có một phần thông tin bị hiểu sai, hoặc một số thông tin đã bị cắt bỏ. Tính độc đáo trong cách ăn dặm của Nhật Bản ở chỗ nó không chỉ tập trung vào chế độ dinh dưỡng là nên ăn gì và ăn bao nhiêu, mà còn tính đến chức năng hấp thu dinh dưỡng của trẻ để có đưa ra cách nấu ăn sao cho phù hợp, cũng như chú trọng đến việc hình thành thói quen ăn uống cho trẻ từ giai đoạn này trở đi.

Khuyến nghị dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ:

- Chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai: bảo đảm chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý, bổ sung vi chất dinh dưỡng, bảo đảm mức tăng cân phù hợp.

- Nuôi con bằng sữa mẹ: Cho trẻ bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh; Không cho trẻ ăn hoặc uống gì trước khi cho bú mẹ; Cho trẻ bú theo nhu cầu, cả ngày lẫn đêm; Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; Không cho trẻ ăn bằng bình bú với núm vú giả; Cho trẻ bú kéo dài đến 24 tháng hoặc lâu hơn;

- Ăn bổ sung: Bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung khi trẻ tròn 6 tháng tuổi (đủ 180 ngày); Cho trẻ ăn đủ số bữa theo khuyến nghị; Cho trẻ ăn đáp ứng yêu cầu về năng lượng hằng ngày theo khuyến nghị; Cho trẻ ăn thực phẩm giàu năng lượng và các chất dinh dưỡng; Cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm với ít nhất 4 trong 7 loại nhóm thực phẩm và dầu mỡ hằng ngày; Cho trẻ ăn thực phẩm giàu sắt hằng ngày; Cho trẻ ăn thịt, cá hằng ngày; Hỗ trợ và chăm cho trẻ ăn no trong các bữa ăn.

Dinh dưỡng hợp lý cần thiết để tăng cường nguồn nhân lực

Tại hội thảo, Bộ Y tế Việt Nam đã chính thức công bố kế hoạch biên soạn "Hướng dẫn thực hành ăn bổ sung phiên bản Việt Nam", đồng thời dự kiến phối hợp cùng các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và cơ sở giáo dục của Việt Nam và Nhật Bản để triển khai phổ biến hướng dẫn này.

Bên cạnh đó, tại hội thảo các đại biểu từ Công ty cổ phần Vacccine Việt Nam (VNVC) - Trung tâm tiêm chủng tư nhân lớn nhất Việt Nam, Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome và Aeon Việt Nam đã công bố kết quả đồng nghiên cứu về thực trạng ăn bổ sung và khả năng tiếp nhận các sản phẩm ăn dặm kiểu Nhật tại thị trường Việt Nam.

Ký Biên bản thỏa thuận giữa Viện Dinh dưỡng quốc gia và Công ty Asahi Group Foods.

Ký Biên bản thỏa thuận giữa Viện Dinh dưỡng quốc gia và Công ty Asahi Group Foods.

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu này, tại buổi hội thảo, Asahi Group Foods đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Viện Dinh dưỡng quốc gia để hỗ trợ biên soạn hướng dẫn, đồng thời hợp tác với VNVC và Nutrihome trong việc truyền thông về ăn bổ sung hợp lý và phân phối các sản phẩm thực phẩm ăn dặm.

Hội thảo nhằm tăng cường nhận thức của các bên liên quan trong lĩnh vực dinh dưỡng và thực phẩm cho trẻ em để có thể cải thiện kiến thức và thực hành của người chăm sóc trẻ cho phù hợp các khuyến nghị dựa trên bằng chứng khoa học, kinh nghiệm của Nhật Bản và bảo đảm yếu tố văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Đây là hội thảo khoa học Nhật Bản-Việt Nam lần thứ 2 trong các chuỗi hội thảo tập trung vào vấn đề dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ em.

Các đại biểu tham dự hội thảo bày tỏ sự kỳ vọng, không chỉ là các lý thuyết về việc cho trẻ ăn gì và ăn bao nhiêu, mà việc tuyên truyền về phương pháp thực hành cách cho ăn phù hợp với sự phát triển chức năng ăn uống của trẻ là điều cần thiết. Việc phát triển một cuốn sách hướng dẫn mang tính thực hành như vậy sẽ giúp giải quyết được những băn khoăn của các bậc phụ huynh Việt Nam trong việc cho con ăn bổ sung và góp phần vào sự phát triển khỏe mạnh của trẻ...

Ký Biên bản thỏa thuận giữa Công ty cổ phần Vaccine Việt Nam và Công ty Asahi Group Foods.

Ký Biên bản thỏa thuận giữa Công ty cổ phần Vaccine Việt Nam và Công ty Asahi Group Foods.

Các sản phẩm ăn dặm kiểu Nhật của Asahi Group Foods đã được bán thử nghiệm từ tháng 4/2024 tại thị trường Việt Nam và dự kiến chính thức nhập khẩu từ tháng 10 năm nay.

“Trong hơn 30 năm qua, Nhật Bản đã và đang triển khai nhiều loại hình hợp tác khác nhau trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Đây là những đối tượng dễ bị tổn thương trước các bệnh truyền nhiễm vì vậy vấn đề này là vấn đề quan trọng cần tăng cường trong "Sáng kiến sức khỏe toàn cầu của JICA" tại các nước”, ông Sugano Yuichi, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam cho biết.

Ngoài ra, JICA cũng thực hiện rất nhiều hoạt động khác nhau tại Việt Nam nhằm mục đích thúc đẩy việc sử dụng “Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em”, cũng như tăng cường năng lực cho hệ thống y tế nhằm đưa các dịch vụ y tế chất lượng cao tới với những phụ nữ mang thai và trẻ em. Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em phiên bản điện tử tại 63 tỉnh, thành phố từ tháng 9/2022. JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động liên quan tới lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em và dinh dưỡng.

Chính phủ Việt Nam đã cam kết thanh toán tất cả các dạng suy dinh dưỡng vào năm 2030 (Mục tiêu Phát triển Bền vững 2) và giảm thấp còi là nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch Hành động quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2017-2020. Hỗ trợ ăn bổ sung hợp lý là cần thiết để tăng cường nguồn nhân lực và phát triển kinh tế cho Việt Nam.

Việt Nam và Nhật Bản có nhiều hợp tác hỗ trợ về dinh dưỡng và y tế. Hoạt động hỗ trợ bà mẹ và trẻ em được triển khai với sự hỗ trợ của JICA. Theo đó, có nhiều lớp tập huấn và phổ cập về dinh dưỡng tại nhiều địa phương. Hy vọng, hội thảo đóng góp vai trò trong việc cung cấp tài liệu chính thức về vấn đề dinh dưỡng cho các gia đình Việt Nam, không chỉ ở các thành phố mà còn ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Sản phẩm của Nhật Bản như Baby food mong muốn đóng góp hỗ trợ giải quyết vấn đề dinh dưỡng tại Việt Nam.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki

TRÀ MY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dinh-duong-cho-tre-em-va-phuong-phap-an-dam-kieu-nhat-post833703.html