Định hướng mới trong phát triển du lịch

Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội đã khép lại với những dư âm đẹp giữa những ngày Hà Nội hân hoan chào đón kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Không chỉ là một lễ hội ấn tượng, sự kiện này còn khẳng định đây là một cách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời mở ra định hướng mới trong phát triển du lịch.

Diễn ra thường niên vào tháng 10 hàng năm, lễ hội trở thành một sản phẩm văn hóa, du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội, điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống từ chiếc áo dài đã được khẳng định rõ nét khi các bộ sưu tập áo dài hiện diện như một sức hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế; khi nét đặc sắc duyên dáng của tà áo dài dân tộc được tôn vinh và tỏa sáng; khi lễ hội trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, mang theo hình ảnh du lịch Hà Nội tới cộng đồng du khách quốc tế.

Phải nói rằng, trong quảng bá quốc tế, nói đến văn hóa và trang phục truyền thống Việt Nam, ai cũng nhắc tới tà áo dài - thông điệp về vẻ đẹp, sự duyên dáng. Những họa tiết của đồng bào dân tộc, những nét nhận diện riêng biệt của Việt Nam được thể hiện trên tà áo dài đã trở thành yếu tố khẳng định sự khác biệt giữa Việt Nam với các đất nước khác. Giá trị văn hóa Việt vì thế đã được khẳng định, được bảo tồn và được phát huy một cách hữu hiệu thông qua chiếc áo dài.

Cũng phải nói rằng, chiếc áo dài có lợi thế rất lớn trong việc quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam tới du khách quốc tế. Nói về những lợi ích mà Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2024 mang lại cho ngành du lịch qua 3 mùa "đến hẹn lại lên", các chuyên gia đều ghi nhận, hoạt động này là sản phẩm của các loại hình du lịch đặc sắc, hấp dẫn, từ đó quảng bá du lịch Hà Nội và Việt Nam. Người làm du lịch có thể mở các tour chuyên biệt từ chiếc áo dài, mà ở đó khách du lịch có thể chiêm ngưỡng, trải nghiệm cách may áo và họa tiết trên áo, có sản phẩm mang theo về trong hành trang chuyến đi...

Qua 3 mùa lễ hội với 63.000 lượt khách đến chiêm ngưỡng áo dài ở mùa lễ hội năm nay, có thể thấy người làm du lịch đã mở ra một định hướng mới cho phát triển du lịch Thủ đô. Lợi ích đầu tiên mà ngành du lịch có được khi quảng bá tà áo dài chính là câu chuyện văn hóa Việt Nam, từ đó DN xây dựng sản phẩm du lịch gắn với áo dài.

Tại Hà Nội các trung tâm văn hóa phố cổ, các làng nghề, có thể tạo ra hoạt động trưng bày, thông tin về ý nghĩa, lịch sử của áo dài. Thêm nữa, những chương trình trình diễn trang phục, photo tour… hoàn toàn có thể kết nối để kể câu chuyện áo dài. Du khách có thể trải nghiệm mặc thử trang phục, từ áo truyền thống của người Việt đến áo dài hiện đại, kết nối những địa điểm du lịch có không gian phù hợp với áo dài như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các ngôi nhà trong khu phố cổ Hà Nội.

Lễ hội Áo dài Du lịch 2024 là "điểm hẹn" để tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt Nam qua tà áo dài dân tộc, tạo cảm hứng để thế hệ trẻ thêm yêu văn hóa truyền thống, kết nối thúc đẩy hợp tác cùng thu hút du khách quốc tế giữa các DN du lịch của Hà Nội với các nghệ nhân, nhà thiết kế. Lễ hội đã mở ra định hướng mới cho phát triển văn hóa, du lịch Thủ đô, góp phần để Việt Nam và Hà Nội trở thành điểm đến yêu mến và sự lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách trong nước và bạn bè quốc tế, là điểm đến du lịch TP hàng đầu thế giới.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dinh-huong-moi-trong-phat-trien-du-lich.html