Sáng ngời tấm gương người cộng sản

Đồng chí Nguyễn Nghiêm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đã có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành và phát triển tổ chức đảng đầu tiên tại Quảng Ngãi, lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng, giải phóng quê hương. Đồng chí là ngôi sao sáng trên quê hương núi Ấn - sông Trà, hết lòng vì dân, vì nước, là tấm gương sáng ngời đạo đức cách mạng, ý chí kiên cường, bất khuất của người cộng sản để các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, noi theo.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đầu tiên

Ghi nhận những công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Nghiêm trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng, Nhà nước đã xây dựng Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm tại quê nhà của đồng chí ở làng Tân Hội, xã Phổ Phong. Đây cũng chính là địa điểm thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 3/1930 và đã được công nhận là di tích lịch sử - cách mạng, là địa chỉ đỏ để giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Để bày tỏ lòng tri ân, khắc ghi công lao của đồng chí, một số trường học, đường phố... trên địa bàn tỉnh mang tên đồng chí Nguyễn Nghiêm.

Đồng chí Nguyễn Nghiêm tên thật là Nguyễn Thiện, bí danh là Mười Hòa, sinh năm 1904 trong một gia đình nhà nho hiếu học và là con trai độc nhất trong gia đình có 10 người con ở xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ (nay là TX.Đức Phổ). Thân sinh đồng chí Nguyễn Nghiêm là Tú tài Nguyễn Tuyên. Năm 1908, cụ Tú Tuyên tham gia phong trào Duy Tân, khất thuế, bị thực dân Pháp bắt, đày đi Côn Đảo.

Năm 1917, cụ Tú Tuyên ra tù về quê. Đồng chí Nguyễn Nghiêm phụ giúp cha dạy học và bốc thuốc chữa bệnh, giúp đỡ dân nghèo và được cha truyền tư tưởng yêu nước. Nguyễn Nghiêm say sưa học tập, tìm hiểu các phong trào đấu tranh, các vấn đề xã hội và tình hình đất nước, từ đó khắc sâu lòng căm thù giặc Pháp và tay sai đã đẩy nhân dân ta vào cảnh khốn cùng. Ý chí đánh đuổi thực dân Pháp cứu nước, cứu dân ngày càng thấm sâu và thôi thúc Nguyễn Nghiêm tiếp bước con đường đấu tranh mà cha anh đã dũng cảm lựa chọn.

Khi vừa tròn 20 tuổi, đồng chí Nguyễn Nghiêm được tiếp xúc với cụ Trần Kỳ Phong và nghe nhà cách mạng lão thành đề cập, ca ngợi chủ nghĩa cộng sản. Năm 1925, đồng chí đã cùng với các ông: Lê Ngọc Thụy, Nguyễn Thiệu, Trần Kỳ Truyện lập Công Ái xã và bắt đầu tìm hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin, truyền bá, giáo dục cho tầng lớp thanh niên những tư tưởng cách mạng mới, cùng nhau nghiên cứu sách viết về mác xít bằng chữ Hán. Về sau Công Ái xã giải thể, các thành viên tích cực trong đó có Nguyễn Nghiêm chuyển hướng hoạt động và gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Ông Phạm Minh Chính (thứ hai, bên trái), cháu ngoại đồng chí Nguyễn Nghiêm trò chuyện cùng đoàn viên, thanh niên xã Phổ Phong (TX.Đức Phổ) tại Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm.

Ông Phạm Minh Chính (thứ hai, bên trái), cháu ngoại đồng chí Nguyễn Nghiêm trò chuyện cùng đoàn viên, thanh niên xã Phổ Phong (TX.Đức Phổ) tại Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm.

Cuối năm 1927, Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên thành lập, đồng chí Nguyễn Nghiêm được cử vào Ban Chấp hành, phụ trách huyện Đức Phổ. Tháng 7/1929, đồng chí Trương Quang Trọng, Bí thư Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Quảng Ngãi đã tập hợp một số đồng chí tại núi Xương Rồng (huyện Đức Phổ) để thành lập tổ chức “Dự bị Cộng sản”, đồng chí Nguyễn Nghiêm được giao nhiệm vụ xúc tiến thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.

Ngay sau đó, đồng chí Nguyễn Nghiêm đã bắt liên lạc với Đảng và đến giữa tháng 3/1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi được thành lập, do đồng chí Nguyễn Nghiêm làm Bí thư lâm thời. Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi là sự kiện chính trị đánh dấu bước chuyển biến rất cơ bản của phong trào cách mạng ở các địa phương trong tỉnh. Từ đây, cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân lao động đều có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của một tổ chức cách mạng tiên phong.

Ngay sau ngày thành lập, Tỉnh ủy lâm thời họp phiên đầu tiên tại nhà đồng chí Nguyễn Nghiêm, quyết định tiến hành phát động quần chúng đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp và tay sai trong cao trào cách mạng 1930 - 1931. Tháng 6/1930, tại Đại hội Đảng bộ lần thứ I, tiến hành tại làng Hùng Nghĩa, xã Phổ Phong, đồng chí Nguyễn Nghiêm được cử làm Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi.

"Đồng chí Nguyễn Nghiêm hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng dấu ấn và đóng góp của đồng chí đối với việc thành lập tổ chức đảng tại Quảng Ngãi có ý nghĩa quan trọng. Và bao giờ cũng vậy, sự mở đầu luôn có nghĩa rất lớn, đặt nền móng cho các cao trào cách mạng, giải phóng quê hương. Những đóng góp của đồng chí Nguyễn Nghiêm được các thế hệ người Quảng Ngãi, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi luôn trân trọng, học tập và noi theo”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch HĐND tỉnh BÙI THỊ QUỲNH VÂN

Thời gian tham gia hoạt động cách mạng, mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, con còn nhỏ, nhưng đồng chí đã vận động gia đình bán nữ trang, ruộng đất góp tiền mua xe ô tô làm phương tiện, mở cửa hiệu thuốc Bắc làm bình phong để liên lạc với Trung ương và Xứ ủy; mua giấy mực, máy in, vải may cờ... phục vụ cách mạng.

Ngày 6/3/1931, trên đường đi nắm tình hình, đồng chí Nguyễn Nghiêm bị địch bắt và giam cầm hơn 1 tháng. Không lay chuyển được ý chí của người Cộng sản trung kiên, địch đã xử chém đồng chí Nguyễn Nghiêm vào rạng sáng ngày 23/4/1931 khi mới 27 tuổi.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân nhận định, đồng chí Nguyễn Nghiêm là một nhà lãnh đạo tài năng, trí tuệ, bản lĩnh và đầy khí chất của một người cộng sản. Những năm tháng tươi đẹp nhất của tuổi trẻ, đồng chí dành cho cách mạng, cho đấu tranh giải phóng dân tộc để chúng ta có những bước quan trọng trong sự phát triển của Đảng bộ tỉnh, góp phần chung cho lịch sử đấu tranh của Đảng và nhân dân.

Ngay từ những ngày đầu, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Nguyễn Nghiêm đã liên hệ với tổ chức đảng để chuẩn bị các điều kiện thành lập tổ chức dự bị cộng sản, đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên. Chính việc thành lập tổ chức đảng sớm đã góp phần quan trọng trong việc định hướng, động viên, quy tụ các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng làm nên cuộc cách mạng thành công.

Tiêu biểu là cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, mà trực tiếp là Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nghiêm diễn ra vào đêm mùng 7 rạng ngày 8/10/1930 trở thành một dấu son trong phong trào cách mạng 1930 - 1931 của cả nước.

Ngọn đuốc soi đường

Ông Phạm Minh Chính, cháu ngoại của đồng chí Nguyễn Nghiêm, hiện sinh sống tại Hà Nội kể, ông ngoại tôi hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Khi ông mất, mẹ tôi chưa đầy 3 tuổi. Lúc nhỏ tôi thường nghe bà ngoại kể chuyện về ông. Tôi còn nhớ khoảng năm 1974, các ông Lê Quang Hào và Nguyễn Hồng Sinh thường hay tới nhà bà để xin thông tin viết về cuộc đời hoạt động của ông và sự đóng góp của gia đình cho cách mạng, và rồi sau này cho ra đời 2 cuốn sách "Sao sáng Sông Trà" và "Nguyễn Nghiêm”. Từ đó, tôi hiểu biết về ông ngoại nhiều hơn.

Tôi thấy mình may mắn và tự hào khi được giới thiệu là con cháu của đồng chí Nguyễn Nghiêm mỗi khi về quê. Cảm động khi mọi người từ các cụ già đến các cháu thanh, thiếu niên đều gọi ông ngoại tôi là "Bác Nguyễn Nghiêm", dành cho ông tình cảm đặc biệt trân quý.

Nhà lưu niệm Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nghiêm ở xã Phổ Phong (TX.Đức Phổ) đã trở thành địa chỉ đỏ trong những cuộc tham quan về nguồn, tìm hiểu về lịch sử Đảng bộ tỉnh.

Nhà lưu niệm Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nghiêm ở xã Phổ Phong (TX.Đức Phổ) đã trở thành địa chỉ đỏ trong những cuộc tham quan về nguồn, tìm hiểu về lịch sử Đảng bộ tỉnh.

Để xứng đáng với niềm tự hào là quê hương của đồng chí Nguyễn Nghiêm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phổ Phong đã đoàn kết, đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đến nay, xã đạt 11/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Bí thư Đảng ủy xã Phổ Phong Nguyễn Đẹp cho biết, đến tháng 8/2024, địa phương đã hoàn thành các chỉ tiêu của năm về công tác xây dựng Đảng. Trong đó, đã kết nạp 12/12 đảng viên mới, thành lập chi bộ đảng đầu tiên trong doanh nghiệp tư nhân ở Đức Phổ...

Thời gian tới, Đảng ủy xã tiếp tục lãnh đạo thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xây dựng nội bộ Đảng đoàn kết, thống nhất. Đặc biệt, tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho thanh, thiếu niên địa phương. Từ đó, tiếp nối, giữ gìn, phát huy truyền thống cách mạng, tấm gương sáng của đồng chí Nguyễn Nghiêm, ra sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp.

Bài, ảnh: THANH THUẬN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202410/sang-ngoi-tam-guong-nguoi-cong-san-c9e1bd1/