Đình Lập: Tăng cường quản lý công dân các tỉnh đến lao động tại địa phươngTin khácTriển khai hóa đơn điện tử: Tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độBồi dưỡng nguồn nhân lực: Chìa khóa để chuyển đổi số thành công

Nếu như năm 2021, huyện Đình Lập chỉ ghi nhận khoảng 20 công dân các tỉnh đến lao động, làm thuê thì từ đầu năm 2022 đến nay, con số này tăng đột biến. Trước thực tế đó, các cấp, ngành và lực lượng chức năng trên địa bàn huyện đã tăng cường công tác quản lý để phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật và tạo điều kiện cho các công dân yên tâm lao động tại địa phương.

Theo tìm hiểu của phóng viên, công dân các tỉnh đến huyện Đình Lập lao động, làm thuê xuất hiện nhiều kể từ tháng 3/2022 đến nay. Theo thống kê của Công an huyện Đình Lập, hiện có trên 330 công dân các địa phương đang lao động, làm thuê ở địa bàn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số đến từ tỉnh Hà Giang và Cao Bằng.

Công an xã Cường Lợi, huyện Đình Lập làm thủ tục đăng ký lưu trú cho các công dân đến từ tỉnh Hà Giang

Công an xã Cường Lợi, huyện Đình Lập làm thủ tục đăng ký lưu trú cho các công dân đến từ tỉnh Hà Giang

Trung tá Đỗ Đức Thắng, Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Đình Lập cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, số lao động đến địa phương tăng gấp nhiều lần so với năm 2021. Các công dân này đi theo từng nhóm, thường là từ 7 đến 10 người, trong đó chỉ có 2 hoặc 3 người biết nói tiếng phổ thông. Họ đến làm thuê ở huyện với các công việc như: phát dọn thực bì, trồng cây và khai thác lâm sản. Họ thường tự làm lán trại trên đồi để ở và di chuyển đến khu vực khác khi chủ hộ không còn nhu cầu thuê.

Nhằm quản lý tốt các công dân này, cũng như đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, Công an huyện đã chỉ đạo công an 12 xã, thị trấn tăng cường công tác nắm tình hình, yêu cầu công dân khai báo lưu trú đầy đủ, thường xuyên trao đổi thông tin với các chủ hộ có nhu cầu sử dụng lao động giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh…

Kết quả, từ tháng 3/2022 đến nay, đã có trên 1.300 lượt công dân khai báo lưu trú với lực lượng công an tại cơ sở, trong đó có các lao động làm thuê.

Trung tá Hoàng Văn Cường, Phó trưởng Công an xã Lâm Ca cho biết: Những tháng đầu năm 2022, địa bàn ghi nhận trên 90 lượt công dân các tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang đến lao động theo thời vụ, chủ yếu là khai thác keo, thông. Nhằm quản lý tốt các công dân, chúng tôi thường xuyên nắm tình hình, lập danh sách và ghi đầy đủ thông tin, địa chỉ, số điện thoại của công dân, yêu cầu họ khai báo lưu trú đầy đủ, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Trong đó, đơn vị đã xử phạt 1 trường hợp không khai báo lưu trú theo quy định của pháp luật.

Được biết, hiện hơn 330 công dân nêu trên đang lưu trú rải rác ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đình Lập, trong đó, nhiều nhất là ở các xã: Đồng Thắng, Cường Lợi, Châu Sơn. Nhờ lực lượng công an làm tốt công tác quản lý, nắm tình hình nên thời gian qua không xảy ra các vấn đề về mất an ninh, trật tự, các công dân yên tâm lao động tại địa phương.

Anh Chá Mí Sính, sinh năm 2004, trú tại thôn Lủng Chư, xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) chia sẻ: Do hoàn cảnh khó khăn, ở quê không có việc làm, được mọi người giới thiệu nên tôi đến huyện Đình Lập làm thuê. Khi đến đây tôi được lực lượng công an tuyên truyền, nhắc nhở chấp hành các quy định của pháp luật, tôi thấy tình hình an ninh trật tự ở đây đảm bảo nên rất yên tâm. Tôi cũng được các chủ hộ tạo điều kiện làm việc để có thu nhập gửi về gia đình…

Có thể nói, việc phát triển rừng ở huyện Đình Lập không chỉ đang làm giàu cho người dân địa phương mà nó còn tạo cơ hội để công dân các tỉnh đến lao động nâng cao thu nhập. Việc quản lý tốt các công dân này góp phần quan trọng vào công tác giữ gìn an ninh trật tự, giúp họ yên tâm lao động để cải thiện cuộc sống và cũng góp phần vào việc phát triển kinh tế tại địa phương.

HOÀNG HUẤN

TÂN AN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/phap-luat/502096-dinh-lap-tang-cuong-quan-ly-cong-dan-cac-tinh-den-lao-dong-tai-dia-phuong.html