'Định vị' các cơ sở làm ăn lớn của BHS Group
Đông đảo các công ty thành viên của BHS Group được ông Nguyễn Thọ Tuyển giao cho người đàn em thân tín từ ngày ở CenLand là ông Vũ Văn Thuận làm thuyền trưởng.
Với xuất thân từ môi trường doanh nghiệp cùng nhiều kinh nghiệm thực tiễn về bất động sản và tài chính ngân hàng, doanh nhân Nguyễn Thọ Tuyển (SN 1983, Hà Nội) sớm đã gặt hái nhiều thành công trên con đường sự nghiệp.
Theo dõi quá trình phấn đấu của ông Tuyển, được biết, vị doanh nhân trẻ có trình độ học vấn Thạc sỹ Quản trị kinh doanh, sau khi rời trường học, ông có kinh qua vài công ty khác nhau, từ truyền thông cho tới chứng khoán. Tuy nhiên, chỉ tại CenLand, sự nghiệp của ông Tuyển mới thực sự thăng hoa dưới sự kèm cặp của người anh lớn là Shark Hưng (ông Phạm Thành Hưng).
Năm 2008, ông Nguyễn Thọ Tuyển bắt đầu gia nhập CenLand với vai trò là Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Cen Đống Đa (công ty thành viên) và đến năm 2016 được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của tập đoàn. Dấn đủ sâu vào ngành bất động sản, tích lũy kinh nghiệm cùng các mối quan hệ chất lượng, ông Tuyển chẳng muốn tiếp tục "làm thuê" mà bắt đầu kế hoạch "làm chủ" từ năm 2019 - 2020.
Nghĩ là làm, ông Tuyển chính thức thôi việc tại CenLand từ tháng 3/2020. Trước đó, ông và các cộng sự cũ ở CenLand, điển hình là 3 cựu Phó Tổng giám đốc Lê Xuân Nga - Trương Hùng Cường - Cấn Công Việt đã "dọn đường" tách ra ở riêng bằng việc thành lập hàng loạt pháp nhân chuyên về kinh doanh bất động sản, và từ đó thương hiệu toàn toàn mới là BHS Group - Công ty Cổ phần Bất động sản BHS ra đời.
Một "đệ tử" khác của ông Nguyễn Thọ Tuyển cũng "khăn gói" từ CenLand đi theo giúp sức đưa BHS Group thành cái tên có "số má" nhất định trên thị trường bất động sản phía Bắc, đó là ông Vũ Văn Thuận (SN 1984, Hà Nội) - cựu trưởng ban dự án thâm niên tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản Thế Kỷ - CenInvest.
Tin tưởng người đàn em đồng hương, ông Nguyễn Thọ Tuyển đã không ngần ngại giao công việc điều hành hoạt động tại cơ số đơn vị thành viên trụ cột của BHS Group cho ông Vũ Văn Thuận, chẳng hạn như Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Sài Gòn, Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản BMI, Công ty Cổ phần Meryland Mai Châu, Công ty Cổ phần Tập đoàn Homeliday, Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Sao Đất Việt...
Như vậy, ngoại trừ Công ty Bất động sản BHS đóng vai trò trung tâm của "group" đang do đích thân ông Nguyễn Thọ Tuyển "cầm cương" Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Lê Xuân Nga làm Tổng giám đốc, ông Vũ Văn Thuận đã bộc lộ tầm quan trọng, là "mắt xích" không thể thiếu trong mạng lưới này.
"Định vị" các cơ sở làm ăn tiêu biểu của BHS Group
Công ty Đô thị Sài Gòn là kết quả của thương vụ làm ăn lớn, vô cùng tự hào mà BHS Group có được khi kết giao với Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel) của đại gia giàu có nhất sàn chứng khoán một thuở - Đặng Thành Tâm.
Với việc trực tiếp góp 60% cổ phần (vốn điều lệ 200 tỷ đồng), Saigontel đến giờ vẫn ghi nhận là công ty mẹ của Công ty Đô thị Sài Gòn. Vậy nhưng, dấu ấn BHS Group không bị che mờ khi vừa nắm 30% cổ phần, vừa cử đại diện (ông Vũ Văn Thuận) làm Tổng giám đốc và đặt được trụ sở ở Thanh Xuân Complex (quận Thanh Xuân, Hà Nội) - nơi trú ngụ của BHS Group và cả chục công ty thành viên khác.
Năm 2022, thông qua Liên danh nhà đầu tư Công ty Đô thị Sài Gòn và Công ty Cổ phần Phân phối và Dịch vụ Saigontel, hai bên đã cùng "bỏ túi" dự án đô thị có tổng vốn đầu tư chạm 1.000 tỷ đồng, diện tích hơn 12,3ha, mang tên gọi Khu đô thị thị trấn Hậu Nghĩa ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Bên cạnh đó, Công ty Đô thị Sài Gòn cũng được chủ đầu tư là Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI Group) do Chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Thành Tâm sáng lập, điều hành chấp thuận làm đơn vị phát triển dự án nhà ở xã hội The Ori Garden được xây dựng tại Khu đô thị Xanh Bàu Tràm Lakeside (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng). Đến thời điểm này, với tổng mức đầu tư 2.347 tỷ đồng, chưa có dự án nào "soán ngôi" The Ori Garden về quy mô lẫn tiện ích tại Việt Nam.
Các dự án mà Công ty Đô thị Sài Gòn hiện tiếp tục được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, nguồn doanh thu của Công ty Đô thị Sài Gòn không vì thế bị "tắc nghẽn" mà thậm chí, họ công bố những số liệu có phần cao đến kinh ngạc đối với một doanh nghiệp chỉ vừa "chân ướt, chân ráo" lên thương trường vài năm.
Theo tài liệu Báo Công Thương, năm 2021, từ mốc doanh thu "0 đồng" của 2019 và 2020, Công ty Đô thị Sài Gòn đã thu về 185 tỷ đồng đầu tiên, rồi tiếp tục tăng lên 743 tỷ đồng và 759 tỷ đồng các năm 2022 - 2023. Điều gây thắc mắc là con số lợi nhuận kiếm lại quá thấp, chỉ lần lượt đạt 1,2 tỷ đồng (2021), 3,7 tỷ đồng (2022) và 7,5 tỷ đồng (2023). Hiệu suất sinh lời yếu "bất thường" gây nhiều tranh cãi cho nhà đầu tư, dư luận quan tâm tới Saigontel và BHS Group.
Ngoài ra, một dự án khác của BHS Group cũng đang nhận được nhiều chú ý. Năm 2022, sau khi đã rút khỏi CenLand nhiều năm, ông Vũ Văn Thuận vẫn có cơ hội bắt tay cùng "cố nhân" tại dự án Khu nhà ở và dịch vụ sinh thái (Vilas, tại thị trấn Lương Sơn và xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình). Khi đó, Công ty Tư vấn và Đầu tư Sao Đất Việt do ông Thuận làm Tổng giám đốc và CenInvest (công ty cũ ông làm việc) đã được chấp thuận làm nhà đầu tư của dự án trên 410 tỷ đồng này.
Vẫn tại Hòa Bình, cùng năm 2022, Công ty Cổ phần Meryland Mai Châu (thành viên khác của BHS Group do ông Thuận làm thủ lĩnh) được UBND tỉnh "gật đầu" cho làm dự án Khu du lịch sinh thái Mai Châu Resort có địa chỉ tại Thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu. Tuy nhiên, số vốn đầu tư chỉ 150 tỷ đồng, vì tương đối khiêm tốn nên nhiều người không để mắt tới hoạt động này của BHS Group.
Đặc biệt, BHS Group nói chung và cá nhân ông Vũ Văn Thuận còn có mối quan hệ sâu sắc với FLC Group dưới thời Chủ tịch Hội đồng quản trị Trịnh Văn Quyết. Công ty Cổ phần Tập đoàn Homeliday khi chưa tròn 1 năm thành lập, đã đồng ý cho FLC Group vay tín chấp 185 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động. Hợp đồng vay mượn xác lập ngày 1/3/2022, với lãi suất cho vay 12%/năm, có thời hạn đến hết ngày 30/6/2022.
Số tiền mà Tập đoàn Homeliday cho FLC vay tín chấp là đáng kể. Bởi lẽ, nó tương đương 92,5% vốn điều lệ của Tập đoàn Homeliday. Điều đó thể hiện sự tin tưởng rất lớn của giới chủ doanh nghiệp này dành cho FLC.
Homeliday Group được biết tới là nhà phát triển dự án Homeliday Eo Gió (tên cũ là FLC Eo Gió Sun Bay) do FLC làm chủ đầu tư. Dự án này có quy mô 90.500 m2, thuộc quần thể FLC Quy Nhơn Beach & Golf Resort, được khởi công từ tháng 11/2021 và dự kiến hoàn thành vào quý III/2023. Tuy nhiên, với "sự cố" của doanh nhân Trịnh Văn Quyết, dự án đã "đổ bể" và đi vào bế tắc, cũng là nguyên nhân mối "lương duyên" Tập đoàn Homeliday và FLC Group tàn cuộc.
Nhìn chung, BHS Group thường tự hay giới thiệu là “nhà phát triển” dự án bất động sản lớn như Legacy Hill (Hòa Bình), Feliz Homes (Hà Nội), A La Carte Hạ Long (Quảng Ninh)... Song, trên thực tế, công ty này hầu hết chỉ đảm nhiệm việc “tư vấn phát triển” cho các dự án bất động sản có tiếng vang, từ tư vấn phát triển tiện ích, cảnh quan, tìm kiếm đơn vị phân phối, marketing… gọi chung là tư vấn phát triển và quản lý bán hàng.
Các dự án họ trực tiếp làm chủ, như đã trình bày, không chỉ hiếm mà nếu có cũng rất hạn chế về quy mô lẫn chất lượng tiện ích.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dinh-vi-cac-co-so-lam-an-lon-cua-bhs-group-349991.html