Do COVID-19, ngân hàng giữ lại lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu

Trước tình hình kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, các ngân hàng đã tính tới phương án để lại toàn bộ lợi nhuận còn lại của năm 2019 hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn tự có, tái đầu tư năm 2020.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều ngân hàng đã giảm lãi với lãi suất cho vay mới thấp hơn trung bình từ 0,5 - 2,5%/năm so với trước COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều ngân hàng đã giảm lãi với lãi suất cho vay mới thấp hơn trung bình từ 0,5 - 2,5%/năm so với trước COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Theo Chỉ thị 02/CT-NHNN mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt. Điều đó có nghĩa là ngân hàng hoặc không chia, hoặc chia cổ tức thì chỉ bằng cổ phiếu. Nội dung của Chỉ thị số 02 là đưa ra các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19.

Việc không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới. Theo các chuyên gia tài chính và lãnh đạo các ngân hàng, yêu cầu trên hoàn toàn hợp lý vì diễn biến dịch chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng 2020, đặc biệt khi các ngân hàng giảm lãi vay và cơ cấu lại nợ.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2020 của VietinBank diễn ra ngày 23/5, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết: VietinBank đã đề xuất phương án chia cổ tức để lại toàn bộ lợi nhuận (tương đương tỷ lệ chia 0%), bên cạnh việc trích quỹ dự phòng tài chính 10% vốn điều lệ, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ 5%. Lợi nhuận còn lại sau khi phân phối là gần 6.042 tỷ đồng.

“VietinBank có kế hoạch tăng vốn tự có từ nguồn lợi nhuận tích lũy và việc này đang được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý để thực hiện”, ông Lê Đức Thọ nói.

Còn tại ngân hàng MSB, ĐHĐCĐ vừa thông qua kế hoạch chia cổ tức 10% trong năm 2020; đồng thời không chia cổ tức cho năm 2019 mà sẽ giữ lại toàn bộ lợi nhuận đạt được trong năm 2019 để tái đầu tư vào hoạt động của ngân hàng trong năm 2020. Phương án này được đại đa số cổ đông thống nhất nhằm đảm bảo ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn tốt, đảm bảo vận hành an toàn trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của các yếu tố địa chính trị và dịch bệnh COVID-19.

Câu chuyện tăng vốn của các ngân hàng thương mại được dư luận đặc biệt quan tâm, bởi từ đầu năm 2020 các ngân hàng phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu 8%, theo chuẩn mực vốn quốc tế Basel II.

Theo ông Lê Đức Thọ, ngân hàng đã đề xuất các giải pháp để Chính phủ và các bộ, ngành phê duyệt phương án tăng vốn cho VietinBank. Hiện Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các bộ, ngành liên quan đã trình Chính phủ phê duyệt phương án tăng vốn cho VietinBank. Các cơ quan chức năng đang gấp rút sửa đổi cơ sở pháp lý, các văn bản pháp lý liên quan để đảm bảo tăng vốn cho VietinBank trong thời gian tới.

“Yêu cầu tăng vốn của VietinBank là hết sức cấp thiết. Khác với các ngân hàng thương mại khác, VietinBank không thể thực hiện tăng vốn thông qua các giải pháp phát hành thêm cho nhà đầu tư do bị ràng buộc bởi các giới hạn: Tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước không thấp hơn 65%; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa 30%”, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank nói.

Về hoạt động kinh doanh, đến hết quý I/2020 quy mô tín dụng của VietinBank đã giảm hơn 1% so với cuối năm 2019, lợi nhuận đạt gần 3.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kì năm trước. Kết quả này phản ánh tình trạng của nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Nợ xấu quý I/2020 của VietinBank tăng 1,8% một phần là do xử lý thu hồi các khoản nợ bị tác động rất lớn. Bên cạnh những khoản nợ xấu đang thực hiện thu hồi nhưng chưa thu hồi được theo kế hoạch, VietinBank còn có những khách hàng không chỉ khó khăn bởi dịch bệnh mà cả những vấn đề nội tại khiến tỉ lệ nợ xấu tăng lên. Dự kiến cuối quý II/2020 nợ xấu sẽ về 1,5%.

Trong năm 2020, nếu tăng trưởng kinh tế tốt, nhu cầu tín dụng toàn nền kinh tế tăng tới 10 - 12%, Ban lãnh đạo VietiBank sẽ đề nghị NHNN nới room tăng trưởng tín dụng của ngân hàng, tăng so với mức hiện được giao là 8,5%; nguồn vốn huy động cũng sẽ đủ đáp ứng nhu cầu cho vay với khoảng 10%.

Thông tin tại ĐHCĐ 2020 của MSB vừa qua cho thấy, quý I/2020, mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19, MSB vẫn duy trì sự tăng trưởng khả quan với lợi nhuận trước thuế đạt gần 290 tỷ đồng, tăng gần 297% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 224 tỷ đồng, tăng 265%. Tổng tài sản của ngân hàng cũng đạt gần 155 nghìn tỷ, tăng gần 15% so với quý I/2019.

Hoạt động kinh doanh được quản trị tốt, chiến lược hiệu quả kết hợp với các chỉ số an toàn được kiểm soát hiệu quả đã giúp MSB giữ nguyên được xếp hạng tín nhiệm ở tất cả các tiêu chí trong kỳ đánh giá của tổ chức xếp hạng quốc tế Moody’s tháng 5/2020

Với những tín hiệu tốt trong quý I/2020, MSB đã đặt ra những mục tiêu tăng trưởng ổn định cho năm 2020 và đã được ĐHĐCĐ thông qua.

Cụ thể, năm 2020, MSB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.439 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2019; tổng tài sản 170 nghìn tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng đạt 81,5 nghìn tỷ đồng; huy động vốn đạt 99 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 3%.

MSB cũng đặt mục tiêu xử lý toàn bộ trái phiếu Công ty Công ty Quản lý tài sản (VAMC) trong năm 2020.

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/do-covid19-ngan-hang-giu-lai-loi-nhuan-hoac-chia-co-tuc-bang-co-phieu-20200523152412296.htm