Dở dang phân loại rác tại nguồn

Hiện mỗi ngày TPHCM phát sinh khoảng 10.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Để giảm gánh nặng chi phí xử lý rác không ngừng tăng lên, thành phố đã thí điểm triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn. Thế nhưng, gần 15 năm trôi qua, chương trình này... dần trôi vào quên lãng!

Một đơn vị thu gom rác dân lập thu gom rác thải sinh hoạt bỏ chung vào một thùng (trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TPHCM)

Một đơn vị thu gom rác dân lập thu gom rác thải sinh hoạt bỏ chung vào một thùng (trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TPHCM)

Thiếu sự đồng bộ

Chương trình phân loại rác tại nguồn (PLRTN) đã được thành phố bắt đầu triển khai thí điểm từ năm 2011 tại hệ thống các siêu thị Co.op Mart, các công ty trong Khu công nghệ cao TPHCM, Khu chế xuất Tân Thuận. Đến năm 2013, chương trình mở rộng thí điểm tại một số cụm dân cư trên địa bàn quận 1, sau đó tiếp tục thí điểm tại một số khu dân cư ở các quận 3, 5, 6, Bình Thạnh.

Qua thực tế triển khai cho thấy, tỷ lệ phân loại chỉ đạt 10%-20% và bộc lộ một số khó khăn. Đặc biệt, do việc đầu tư chưa đồng bộ nên dù người dân đã phân loại rồi nhưng sau đó lại trộn lẫn với các chất thải trở lại trước khi được đem chôn lấp. Hiện nay, tại hệ thống siêu thị Co.op Mart, các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố, công sở, trường học… vẫn duy trì thực hiện PLRTN. Đối với một số khu dân cư trước đây đã từng triển khai thì nay rơi vào tình trạng “ai thích thì làm”.

Ghi nhận tại khu dân cư được thí điểm PLRTN ở hẻm 25, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1, người dân cho biết, khoảng năm 2013-2014, phong trào phân loại rác ở đây diễn ra sôi nổi, khá hiệu quả. Thế nhưng hiện không còn được duy trì, ai thích thì làm, không thì thôi. “Khi thực hiện phân loại tại nhà như rác sinh hoạt để riêng, rác chai nhựa để riêng, nhưng người thu gom lại không để riêng mà... quẳng chung hết vào thùng xe. Đó là chưa kể, khi kêu gọi người dân phân loại rác nhưng có nơi làm, nơi không làm”, một hộ dân ngụ hẻm 25, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1, chia sẻ.

Tương tự, tại tuyến đường Phan Văn Hân, phường 17, quận Bình Thạnh, rác thải sinh hoạt của người dân được bỏ chung vào một hộp xốp, bao ni lông để trước cửa nhà, lẫn lộn đủ loại..., dù tuyến đường này được thí điểm PLRTN từ năm 2017. Cô Lê Thị Huệ, ngụ trên đường Phan Văn Hân, phường 17, quận Bình Thạnh, cho biết, thời gian đầu phong trào diễn ra rất sôi nổi, ai cũng tự giác thực hiện. Nhưng thời gian gần đây công tác phân loại đang bị quên lãng, do người dân thấy không hiệu quả vì rác sau khi được phân loại đều bị gom chung vào một thùng.

Chưa có nhà máy đốt rác phát điện

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến việc PLRTN chưa thành công đó là thành phố đang thiếu các dự án xử lý rác bằng công nghệ hiện đại. Theo UBND TPHCM, hiện nay thành phố có 5 công ty đã ký hợp đồng cung ứng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao gồm: Công ty CP Vietstar, Công ty CP Đầu tư Tâm Sinh Nghĩa, Công ty Xử lý chất thải Việt Nam, Công ty CP Tasco và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM.

Tuy nhiên, hiện mới chỉ có Công ty CP Đầu tư Tâm Sinh Nghĩa khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện. Giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025 với tổng vốn đầu tư là 6.400 tỷ đồng, công suất đốt rác đạt 2.000-2.600 tấn/ngày. Đối với dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác của Công ty CP Vietstar, hiện UBND TPHCM đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và dự kiến nhà máy sẽ khởi công vào cuối năm nay. Dự án của Công ty CP Tasco, Sở KH-ĐT đang xem xét và làm việc với các sở, ngành liên quan trình UBND TPHCM điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư theo quy định.

Công ty Xử lý chất thải Việt Nam cũng đang thực hiện hồ sơ dự án đầu tư để gửi Sở KH-ĐT TPHCM xem xét, thực hiện điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Đối với dự án của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, Sở KH-ĐT đã có văn bản hướng dẫn công ty thực hiện thủ tục cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh sang đốt rác phát điện (giai đoạn 1). Tức là hiện tại, vẫn chưa có nhà máy đốt rác phát điện nào đi vào vận hành!

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, liên quan đến các dự án đốt rác phát điện, thành phố đang gặp một khó khăn. đó là Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuy nhiên, quy mô công suất nguồn điện sản xuất từ rác đến năm 2030 phân bổ cho thành phố chỉ có 123MW. Quy mô công suất này chưa đủ để triển khai các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt đốt phát điện trên địa bàn nhằm đảm bảo giảm tỷ lệ chất thải xử lý bằng hình thức chôn lấp theo định hướng quốc gia. Do vậy, thành phố kiến nghị Bộ TN-MT, Bộ Công thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ ưu tiên tăng quy mô nguồn điện rác của TPHCM lên tối thiểu 240MW để phù hợp với hiện trạng triển khai các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác theo công nghệ đốt phát điện.

Như vậy, việc PLRTN chỉ được triển khai bài bản khi các dự án đốt rác phát điện đi vào vận hành, đồng thời tăng quy mô nguồn điện rác cho thành phố. Đây là nhiệm vụ cấp bách góp phần cải thiện môi trường sống của thành phố.

Liên quan dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác của Công ty CP Vietstar, ngày 30-7 vừa qua, Sở TN-MT TPHCM có công văn gửi Sở TN-MT các tỉnh, thành phố trên cả nước tham khảo ý kiến “Về xác định không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai hoặc có vi phạm quy định của pháp luật về đất đai nhưng đã chấp hành xong quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền của Công ty CP Vietstar”. Mới đây, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, đến nay Sở TN-MT đã có trả lời về trường hợp của Công ty CP Vietstar, là công ty này không có vi phạm gì trên địa bàn cả nước. Việc gửi văn bản tham khảo ý kiến các sở TN-MT là thực hiện đúng theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.

MINH HẢI - MAI HOA

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/do-dang-phan-loai-rac-tai-nguon-post762190.html