Đoàn đại biểu Quốc hội khảo sát việc xử lý chất thải tại VWS
Sáng 12-7-2022, Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại diện Thường trực một số Ủy ban và Đoàn đại biểu Quốc hội địa...
Sau chuyến đi khảo sát thực tế, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi cho chủ đầu tư.
Tiếp đoàn đại biểu, ông David Dương, Tổng giám đốc VWS đã giới thiệu quá trình hình thành và phát triển của VWS; trình bày về quy trình xử lý, tái chế rác thải tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Cụ thể, ông cho biết công suất thiết kế của Khu liên hợp là có thể tiếp nhận và xử lý 10.000 tấn rác/ngày. Hiện nay, mỗi ngày VWS tiếp nhận và xử lý 6.000 - 6.500 tấn rác cho TP HCM.
Ông cũng thông tin cho Đoàn đại biểu Quốc hội biết thêm về những khó khăn tồn tại trong việc chuyển đổi công nghệ đốt rác, bị khống chế về giá bán điện và giá xử lý rác (bằng công nghệ đốt). Cụ thể, thành phần rác chưa qua phân loại tại nguồn có độ ẩm rất cao chiếm đến 80%, nếu sử dụng công nghệ đốt hoàn toàn sẽ tốn nhiều chi phí, đẩy giá xử lý rác theo công nghệ đốt cao, chưa phù hợp với ngân sách và điều kiện kinh tế của thành phố hiện nay; Khó khăn cho nhà đầu tư lựa chọn công nghệ và hướng đầu tư phù hợp theo giá bán điện thấp và giá xử lý rác thấp phù hợp với nền kinh tế; Đốt rác phải chọn lựa công nghệ các nước tiên tiến để bảo đảm về nguồn khói thải về lâu dài, không gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, ông David Dương cho biết thêm, hiện thành phố vẫn chưa thực hiện vành đai xanh cách ly 322 ha; đoạn đường từ đại lộ Nguyễn Văn Linh dẫn vào VWS vẫn chưa mở rộng, không được phun xịt, rửa đường; con đường dẫn 1.500m vào Khu liên hợp Đa Phước bị xuống cấp nghiêm trọng, chưa được sửa chữa… Bên cạnh đó ông David Dương cũng nêu những khó khăn vướng mắc khi thực hiện Dự án Khu công nghệ môi trường xanh Long An.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trưởng Đoàn cho biết, qua buổi làm việc, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác xử lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng. Qua thực tế, Đoàn thấy công ty về cơ bản đã chấp hành bảo vệ môi trường, đặc biệt là xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo Luật bảo vệ môi trường năm 2020, chuyển đổi công nghệ, đáp ứng các điều kiện, quy định mới của Luật.
"Trong buổi làm việc hôm nay, có một số vấn đề chúng tôi sẽ nêu và trao đổi tại phiên làm việc với UBND TP HCM chiều nay. Đối với dự án Khu công nghệ Môi trường Xanh tại Long An, là đại biểu quốc hội của Long An, tôi sẽ có văn bản trả lời công ty trong thời gian sớm nhất".