Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai thảo luận tại tổ
Sáng 21/10, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV bước vào ngày làm việc thứ 2 với phiên thảo luận tại tổ. Do điều kiện giãn cách vì dịch bệnh Covid - 19, nên phiên thảo luận của Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương được tổ chức tại chỗ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai tiếp tục phiên thảo luận tại phòng họp trực tuyến, trụ sở Tỉnh ủy.
Nội dung phiên thảo luận tập trung vào kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Quốc gia. Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội cũng thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm (2022-2024); trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam, vấn đề lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương.
Tại điểm cầu Lào Cai, dưới sự chủ trì của đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận các vấn đề quan trọng của đất nước.
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Hà Đức Minh tham gia vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cần làm rõ hơn quan điểm chỉ đạo và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với yêu cầu mới, tình hình mới, đặc biệt là thời kỳ “hậu ảnh hưởng Covid - 19” để nền kinh tế - xã hội phát triển bền vững, tiếp tục hội nhập sâu với nền kinh tế quốc tế.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh tham gia ý kiến về phòng, chống Covid - 19 và các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, nêu: Chính phủ cần có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mang tính linh hoạt, đảm bảo thích ứng với các điều kiện, cấp độ phòng, chống Covid – 19. Đi cùng với đó là mở rộng hơn nữa đối tượng được trợ cấp xã hội, có chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách thiết thực, kịp thời, nhất là doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng số lượng lao động lớn. Về lâu dài là hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách đào tạo lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp, đào tạo theo địa chỉ, chính sách về an sinh xã hội với người lao động như xây dựng nhà ở, đào tạo nâng cao tay nghề. Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cũng nêu ý kiến sớm có kế hoạch nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến do yêu cầu giãn cách xã hội.
Đại biểu Sùng A Lềnh, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển năm 2022 đã nhấn mạnh: Khi Chính phủ thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới cần coi trọng tới ngành du lịch, ở nhiều địa phương, khu vực đây là ngành kinh tế mũi nhọn vì thúc đẩy, hỗ trợ mạnh mẽ các ngành dịch vụ, thương mại, thúc đẩy sản xuất, tạo nhiều việc làm trực tiếp và gián tiếp cho lao động. Về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đại biểu Sùng A Lềnh cũng đề xuất việc “phủ sóng” vắc xin 2 mũi cho ít nhất 90% dân số trên 18 tuổi tại các khu, điểm du lịch, đi cùng với đó là tiếp tục đầu tư hạ tầng tại các điểm du lịch sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chính phủ cũng cần có giải pháp tích cực hơn trong đẩy nhanh tiến trình sản xuất vắc xin trong nước, tăng cường ngoại giao vắc xin và tổ chức phân bổ sớm nguồn vắc xin cho các địa phương để việc tiêm chủng đúng kỳ hạn.
Tham gia ý kiến thảo luận, đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh bày tỏ sự phấn khởi trước các giải pháp linh hoạt của Chính phủ, các bộ, ngành trong tiếp cận, triển khai công tác phòng, chống Covid – 19 và đã đạt hiệu quả rất tích cực.
Về các giải pháp đang triển khai, đồng chí Đặng Xuân Phong đề xuất Chính phủ có kịch bản cụ thể, đáp ứng yêu cầu thực tế như chiến lược tiêm vắc xin cho người dưới 18 tuổi, kế hoạch tiêm vắc - xin mũi thứ 3 hoặc nhiều hơn thế; kế hoạch về nguồn lực phát triển, kế hoạch sản xuất vắc xin, các nội dung về chiến lược phát triển ngành y tế trong tình hình mới. Cần đưa ra các gói hỗ trợ mới để hỗ trợ các thành phần kinh tế, doanh nghiệp; có những dự báo sát tình hình về biến chủng mới; tình hình kinh tế trong khu vực, trên thế giới tác động trực tiếp đến Việt Nam.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đặng Xuân Phong cũng nhấn mạnh: Ở chiều tác động ngược lại, cần nhận thức tình hình mới là cơ hội cho một số ngành, lĩnh vực liên quan đến ứng dụng khoa học, công nghệ, quản lý thông qua công nghệ số, dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, cần có lộ trình, chuẩn mực rõ ràng và hỗ trợ kịp thời bằng chính sách đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để tạo mặt bằng chung.
Đồng chí cũng nêu rõ, Chính phủ cần có đánh giá chính xác những yếu tố liên quan đến sức khỏe nền kinh tế hiện nay để có các quyết sách mang tầm vĩ mô như liên quan đến trần nợ công, mức bội chi ngân sách đến đâu là hợp lý, an toàn. Cần có đánh giá tổng thể về hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ODA làm một trong những cơ sở hình thành chiến lược đầu tư công dài hạn, trung hạn; tính toán các yếu tố về cải cách tiền lương bởi đây đã là lần lui thứ 2; có chính sách, quy định cụ thể theo hướng cắt giảm các thủ tục để đảm bảo tính kịp thời trong hỗ trợ các thành phần bị ảnh hưởng bởi Covid – 19 nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực.
Gắn với các nội dung thảo luận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đã nêu ra những ví dụ cụ thể, kinh nghiệm, cách làm của tỉnh Lào Cai trong thời gian qua, trong đó có việc vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội.