Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận Bộ luật Lao động (sửa đổi)

PTĐT - Ngày 23/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chính lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, chủ trương điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung đối với người lao động nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW với mục tiêu lâu dài để chủ động ứng phó với xu hướng già hóa dân số diễn ra nhanh của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật vẫn có nhiều quan điểm chưa đồng thuận. Về nội dung này, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Đình Thưởng nêu quan điểm: Quy định về tuổi nghỉ hưu là nội dung lớn của Bộ luật Lao động (sửa đổi) được đông đảo người lao động và cử tri quan tâm. Để có ý kiến khách quan, vừa qua Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức phát 1.100 phiếu tham vấn xin ý kiến của các đối tượng như viên chức y tế, viên chức giáo dục, công nhân, tổ chức công đoàn... qua tham vấn, nhiều ý kiến đề nghị độ tuổi và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến đối tượng, lĩnh vực ngành nghề. Do đó đề nghị Chính phủ cần có quy định chi tiết, theo hướng xem xét để không tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn đối với các trường hợp là công nhân, thầy thuốc, giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật… theo hướng được nghỉ hưu sớm hơn từ 5 năm đến 10 năm so với quy định của Luật.

Vấn đề làm thêm giờ cũng là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của các vị đại biểu Quốc hội. Đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho rằng: Giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của loài người trên cơ sở áp dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động thì việc giảm giờ làm sẽ giúp người lao động duy trì được sức khỏe, tăng cường khả năng tái tạo sức lao động cũng như có thời gian chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội. Việc tăng lương, giảm giờ làm sẽ đảm bảo hài hòa với các yếu tố sức khỏe, xã hội, góp phần tăng thu nhập, việc làm cho người lao động, tạo điều kiện để người lao động có thêm thời gian tái tạo sức lao động, học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, hướng tới việc làm bền vững. Đại biểu thống nhất cao với phương án 1 “Giữ lại như quy định hiện hành và có bổ sung cụ thể các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm”. Đối với các trường hợp được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm theo như liệt kê trong dự thảo, đại biểu Cao Đình Thưởng đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá thêm để có sự điều chỉnh, tránh liệt kê thiếu.

Đề cập đến thời giờ làm việc bình thường, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho rằng: Từ năm 1999, Việt Nam đã thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần trong các cơ quan Nhà nước, đây là chủ trương rất ưu việt nhưng cũng tạo ra khoảng cách và sự phân biệt khá lớn giữa người làm công ăn lương trong khu vực Nhà nước và người lao động khu vực ngoài Nhà nước (40h và 48/tuần). Căn cứ khoản 2, Điều 35 Hiến pháp 2013 “Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi”, đại biểu Cao Đình Thưởng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, sửa đổi từ “Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần” thành “Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong một ngày và không quá 44 giờ trong một tuần” để người lao động được nghỉ thêm buổi chiều thứ 7, đây sẽ là bước tiến quan trọng trong việc chăm lo đến đời sống vật chất và tình thần của người lao động.

Khổng Thủy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/quoc-hoi-khoa-xiv/201910/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tham-gia-thao-luan-bo-luat-lao-dong-sua-doi-167383