ĐOÀN ĐBQH TỈNH HẬU GIANG TIẾP XÚC CỬ TRI SAU KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV

Kết thúc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang thông tin, trong thời gian diễn ra kỳ họp, đại biểu Quốc hội tỉnh đã tích cực tham gia các hoạt động.

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN TIẾP XÚC CỬ TRI TẠI HUYỆN PHỤNG HIỆP, HẬU GIANG

Trách nhiệm cao

Trong thời gian diễn ra Kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang chấp hành tốt nội quy kỳ họp và sự chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội; tham gia đầy đủ các hoạt động tại kỳ họp.

Từng đại biểu Quốc hội trong Đoàn đều tập trung nghiên cứu; tích cực tham gia ý kiến đóng góp, thể hiện chính kiến của mình với tinh thần trách nhiệm cao, góp phần hoàn chỉnh các báo cáo, Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp. Bên cạnh, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang còn tham gia các buổi làm việc với các Ủy ban của Quốc hội mà đại biểu là thành viên.

Tại kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đã tích cực tham gia 30 lượt ý kiến đóng góp, phát biểu (6 lượt ý kiến thảo luận tại Đoàn; 19 lượt ý kiến thảo luận Tổ; 5 lượt ý kiến thảo luận tại hội trường; đồng thời gửi phiếu chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang luôn thể hiện tinh thần dân chủ, khách quan trong việc thảo luận và quyết định vấn đề nhân sự theo thẩm quyền của Quốc hội.

Thông qua nhiều đạo luật

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang thông tin, công tác lập pháp được Quốc hội rất quan tâm, thông qua nhiều luật đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Trong đó, thông qua Luật Dầu khí được sửa đổi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dầu khí, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút các nguồn lực nhằm xử lý, tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc trong quy định của pháp luật về dầu khí, tạo điều kiện để khai thác tốt nhất tiềm năng dầu khí trong nước, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn khí tự nhiên, tận dụng giai đoạn nhu cầu năng lượng hóa thạch vẫn còn cao và các dạng năng lượng mới trong lĩnh vực dầu khí.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được sửa đổi nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để “phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, có hiệu quả”, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội, cũng như vai trò của gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Luật Thanh tra được sửa đổi nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng; tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, nhất là những nội dung mới về kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; khắc phục những hạn chế, vướng mắc của Luật hiện hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò làm chủ của Nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục cụ thể hóa quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện được xây dựng nhằm tiếp tục thể chế chủ trương, chính sách có liên quan của Đảng và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Luật Phòng, chống rửa tiền được sửa đổi nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế và cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực phòng, chống rửa tiền và khắc phục những hạn chế, bất cập sau 10 năm thi hành Luật; thể hiện Việt Nam là thành viên của khu vực cũng như trên thế giới có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=70923