Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị

Sáng nay 19.9.2019, Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Nguyễn Vinh Hà làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách pháp luật phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh và lấy ý kiến đóng góp của tỉnh Quảng Trị cho dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh Quảng Trị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng; Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoàng Đức Thắng; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

 Đoàn giám sát của Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội kiểm tra điểm sạt lở bờ sông tại xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong

Đoàn giám sát của Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội kiểm tra điểm sạt lở bờ sông tại xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong

Thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai được Quốc hội ban hành ngày 19.6.2013 và các luật có liên quan trực tiếp đến phòng, chống thiên tai như Luật Đê điều, Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, thời gian qua tỉnh Quảng Trị đã tập trung quán triệt, chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương, đơn vị nghiêm túc trong triển khai thực hiện các nội dung theo quy định, đồng thời bám sát tình hình thực tế của địa phương để ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn tổ chức thực hiện đảm bảo phù hợp, hiệu quả. Các hoạt động tuyên truyền, nâng cao năng lực cộng đồng về kiến thức giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú như phát tờ rơi, pano, khẩu hiệu, đăng tải thông tin pháp luật về phòng, chống thiên tai trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, tổ chức hội nghị, tuyên truyền trực tiếp, tập huấn, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng... đã góp phần đưa các chính sách pháp luật về phòng, chống thiên tai vào đời sống xã hội, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng, cơ quan, tổ chức chủ động trong ứng phó thiên tai, đặc biệt trong việc đấu tranh phòng ngừa, xử lí hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Để chủ động, chuẩn bị sẵn sàng trong ứng phó thiên tai, hằng năm UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban ngành, địa phương chú trọng lồng ghép công tác phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn và hàng năm. Ưu tiên đầu tư phát triển các chương trình, dự án phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, nâng cấp, sửa chữa đảm bảo an toàn hệ thống công trình thủy lợi, đê kè... Phương châm "4 tại chỗ" được các cấp, các ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện. Bên cạnh đó, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh đã tập trung đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, điều kiện làm việc các văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã; kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN. Đảm bảo hệ thống vật tư, phương tiện phục vụ phòng chống thiên tai gồm 14.640 áo phao, 13.100 phao tròn, 2.028 nhà bạt cứu sinh, 45 xe cứu hộ, 572 tàu thuyền cứu nạn, 75 ca nô...; dự phòng và sẵn sàng các nhu yếu phẩm để sử dụng khi cần thiết như lương thực thực phẩm, nhiên liệu, nước uống, hóa chất khử trùng... Đầu tư khá đầy đủ và tương đối đồng bộ 11 trạm khí tượng thủy văn, 42 trạm đo mưa chuyên dùng, 27 trạm đo mực nước, 9 trạm đo mặn, 3 trạm cảnh báo giông sét... đảm bảo chất lượng trong thông tin, cảnh báo, dự báo thiên tai. Xây dựng 2 mô hình thủy lực dự báo, cảnh báo ngập lụt cho lưu vực sông Bến Hải và Thạch Hãn; 1 bản đồ đường đi của bão; 1 bản đồ ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão phục vụ công tác phòng chống thiên tai.

Hằng năm, trên cơ sở tình hình thực tế, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo và thực hiện tốt việc xác định, đánh giá và phân vùng rủi ro thiên tai như hạn hán, lũ lụt, sạt lở, sụt lún đất... Từ đó, đưa ra các chỉ đạo, giải pháp phù hợp, hiệu quả trong ứng phó thiên tai. Đặc biệt, công tác di dời dân đảm bảo an toàn trước bão, lũ và khoanh vùng nguy cơ bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn để chỉ đạo trong cấp nước, thực hiện phương án sản xuất phù hợp, tránh thiệt hại do hạn hán gây ra. Việc thu và sử dụng Quỹ Phòng, chống thiên tai được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.

Về đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, qua quá trình thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và quản lí đê điều trên địa bàn, tỉnh Quảng Trị nhận thấy nhiều nội dung trong 2 Luật trên không còn phù hợp và bộc lộ bất cập, đặc biệt cần bổ sung thêm các quy định để đảm bảo phù hợp, đầy đủ đáp ứng yêu cầu về phòng, chống thiên tai trong tình hình thực tế hiện nay. Do đó, đề nghị Đoàn giám sát Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội xem xét cần thực hiện việc hoàn chỉnh, sửa đổi các nội dung của 2 Luật trên theo hướng tổng thể, đồng bộ và xuyên suốt.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đã làm rõ thêm về kết quả cũng như những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh. Đồng thời kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ cần sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn chi tiết trong quản lí Quỹ Phòng, chống thiên tai và về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện, cũng như khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác theo dõi thi hành pháp luật về phòng chống thiên tai các cấp; ban hành quy định về thành lập cơ quan, bộ phận chuyên trách PCTT&TKCN các cấp thống nhất trên toàn quốc để đảm bảo hoạt động đồng bộ, tăng cường hiệu quả trong theo dõi và thi hành pháp luật về phòng chống thiên tai. Cũng tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đã đề xuất với đoàn giám sát báo cáo Quốc hội và Chính phủ có chính sách hỗ trợ tỉnh Quảng Trị trong việc khắc phục khẩn cấp các điểm sạt lở bờ sông nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.

Thay mặt đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Nguyễn Vinh Hà ghi nhận và đánh giá cao việc thực hiện các chính sách pháp luật về phòng, chống thiên tai của tỉnh Quảng Trị trong thời gian qua. Đồng thời tiếp thu các ý kiến đóng góp của tỉnh Quảng Trị cho dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều để nghiên cứu, hoàn thiện những nội dung của dự thảo. Về các kiến nghị của tỉnh Quảng Trị, đoàn giám sát ghi nhận và sẽ báo cáo lên Quốc hội và Chính phủ xem xét giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác này, đoàn giám sát của Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội đã đến kiểm tra điểm sạt lở bờ sông tại xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong và công trình kè chống sạt lở bờ sông tại xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=142438