Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về năng lượng làm việc với 2 Tập đoàn

Chiều 21.7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 'Việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021' đã chủ trì cuộc làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.

Tham dự buổi làm việc có các thành viên Đoàn giám sát; Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Hoàng Quốc Vượng; Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam Ngô Hoàng Ngân; đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam…

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hồ Long

Theo Báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), chính sách, pháp luật về năng lượng trong lĩnh vực dầu khí giai đoạn 2016 – 2021 được ban hành tương đối kịp thời, đồng bộ với hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động dầu khí, đáp ứng yêu cầu phát triển năng lượng nói chung và trong lĩnh vực dầu khí nói riêng. Đặc biệt, Luật Dầu khí năm 2022 được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Tư là một dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của ngành, tạo động lực để góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, tận thu và không bỏ phí tài nguyên quốc gia.

Tuy nhiên, Báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng nêu rõ, hoạt động dầu khí là hoạt động có tính đặc thù nhưng không phải tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động dầu khí đã được quy định trong Luật Dầu khí, nên các chủ thể liên quan khi triển khai dự án đã được yêu cầu thực hiện trên cơ sở tham chiếu các quy định của luật khác. Quy định của nhiều luật chuyên ngành không phù hợp với đặc thù của hoạt động dầu khí, rất khó trong quá trình vận dụng hoặc thực hiện.

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Hoàng Quốc Vượng. Ảnh: Hồ Long

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Hoàng Quốc Vượng. Ảnh: Hồ Long

Theo Báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), thực hiện các quy định văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Tập đoàn đã ban hành các nghị quyết, quyết định, văn bản chỉ đạo kịp thời để tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm phát triển năng lượng than theo hướng bền vững, đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, Báo cáo của TKV cũng nêu rõ, sau khi Luật Quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn, thì doanh nghiệp chỉ còn được trích 3 quỹ từ lợi nhuận sau thuế. Do đó, Tập đoàn không còn các quỹ tập trung như trước đây, khiến việc thu xếp nguồn vốn thực hiện các đề án thăm dò, khảo sát, đặc biệt là tại các mỏ mới có giá trị rất lớn đều gặp khó khăn.

Về khả năng cung ứng than, báo cáo của TKV nêu rõ, do nhu cầu sử dụng than trong nước ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn nhập khẩu nên sẽ có nhiều rủi ro gián đoạn nguồn cung nhập khẩu. Trong bối cảnh địa chính trị khu vực và thế giới có nhiều biến động, TKV đề nghị, bên cạnh dự trữ sản xuất của doanh nghiệp cần xem xét thành lập kho dự trữ than quốc gia với quy mô phù hợp; sửa đổi quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, qua đó, cho phép khai thác vượt dưới 15% công suất giấy phép khai thác khoáng sản than.

Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Hồ Long

Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Hồ Long

Hai Tập đoàn cũng báo cáo về chuyển dịch năng lượng, phát triển các nguồn năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; hợp tác đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng; tình hình thực hiện các dự án chậm tiến độ; công tác thăm dò, khai thác dầu khí; tái cơ cấu doanh nghiệp; chiến lược phát triển năng lượng trong hai lĩnh vực…

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị, hai Tập đoàn đều cần hoàn thiện báo cáo, bổ sung làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện chính sách, pháp luật; nêu đậm nét nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc và giải pháp. Đặc biệt, các kiến nghị cần cụ thể, nêu rõ thời gian cần hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung luật hiện hanh hay ban hành luật mới… vì Nghị quyết giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ là "điểm tỳ" pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện phát triển năng lượng trong thời gian tới.

Một số ý kiến của Đoàn giám sát cũng đề nghị PVN cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với một số nội dung còn tồn đọng, hạn chế, trong đó có các dự án lớn chậm tiến độ; trách nhiệm của PVN và các công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn PVN; đồng thời làm rõ tác động của quá trình chuyển dịch năng lượng rất lớn đặt ra thách thức cần có sự chuyển hướng đầu tư, phát triển…

Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Hồ Long

Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Hồ Long

Đối với kiến nghị của Tập đoàn TKV, một số ý kiến lưu ý, tính hợp lý của quy định liên quan tại Bộ luật Hình sự hiện hành đã được khẳng định trong thực tế, do đó không cần thiết sửa đổi Bộ luật Hình sự. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành hữu quan có cơ chế đặc biệt trong cấp giấy phép, điều chỉnh giấy phép để tạo điều kiện cho Tập đoàn TKV nhanh chóng tăng sản lượng khai thác.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị, hai Tập đoàn cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung báo cáo gửi đến Đoàn giám sát trên cơ sở tiếp thu ý kiến của thành viên Đoàn giám sát. Trong đó, Tập đoàn PVN rà soát kỹ càng các điều, khoản cụ thể trong những bộ luật, luật chuyên ngành,, nhất là các điều khoản liên quan đến vướng mắc trong thực hiện triển khai; qua đó, làm rõ hệ thống pháp luật vướng ở luật nào, nghị định, thông tư nào, đề nghị hướng sửa đổi, bổ sung cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng lưu ý, các dự án năng lượng do hai Tập đoàn thực hiện cần chú ý bảo đảm tính đồng bộ, nhất là trong lĩnh vực dầu khí phải bảo đảm thực hiện đầu tư đồng bộ giữa thượng nguồn và hạ nguồn; lưu ý đánh giá về dự trữ xăng dầu, hệ thống cảng kho bãi; có kế hoạch nhập khẩu chuẩn bị than, khí, xăng dầu… Đồng thời, các Tập đoàn cần quan tâm đánh giá thêm tiềm năng của các nguồn năng lượng than, khí và xăng dầu, để có bức tranh công tâm, khách quan, thể hiện đúng thực trạng phát triển năng lượng.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/doan-giam-sat-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-ve-nang-luong-lam-viec-voi-2-tap-doan-i337281/