Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát tình hình quản lý, sử dụng vốn khoa học - công nghệ tại huyện Cầu Ngang

Sáng ngày 18/9, đoàn giám sát HĐND tỉnh do đồng chí Dương Thị Ngọc Thơ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn thực hiện giám sát tình hình quản lý, sử dụng vốn khoa học-công nghệ (KH-CN) tại UBND huyện Cầu Ngang.

Các đại biểu tham dự buổi giám sát của HĐND tỉnh tại UBND huyện Cầu Ngang.

Các đại biểu tham dự buổi giám sát của HĐND tỉnh tại UBND huyện Cầu Ngang.

Tham dự có đồng chí Kiên Quân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Văn Cường, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các thành viên HĐND tỉnh; Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh,…

Tiếp đoàn, có đồng chí Đường Quang Thập, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang cùng lãnh đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các xã, thị trấn…

Đồng chí Trần Văn Công Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn thông tin về dự án trồng dưa lưới hữu cơ từ nguồn vốn KH-CN.

Đồng chí Trần Văn Công Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn thông tin về dự án trồng dưa lưới hữu cơ từ nguồn vốn KH-CN.

Giai đoạn 2021 - 2023, tổng nguồn vốn KH-CN được phân bổ cho huyện Cầu Ngang là 2,965 tỷ đồng. Qua đó, triển khai được 03 đề tài/dự án với tổng nguồn vốn đã sử dụng 1,294 tỷ đồng: nuôi lươn trong bể composiste (thực hiện ở xã Vinh Kim, Trường Thọ, Mỹ Hòa); trồng dưa hấu theo hướng an toàn (xã Mỹ Long Bắc, Long Sơn); trồng dưa lưới (xã Long Sơn).

Qua triển khai thực hiện mô hình vốn KH-CN trong sản xuất như trồng dưa hấu (01 vụ/năm), mỗi vụ cho thu nhập 50 triệu đồng/ha; nuôi lươn trong bể không bùn, lợi nhuận trên 50%/vốn đầu tư; dưa lưới trong nhà màng, phục vụ xuất khẩu.

Đồng chí Phạm Văn Cường, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh đặt ra những nội dung với địa phương về giá thành, chi phí sản xuất từ đề tài/dự án nhưng đầu vào cao, thiếu tính cạnh tranh.

Đồng chí Phạm Văn Cường, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh đặt ra những nội dung với địa phương về giá thành, chi phí sản xuất từ đề tài/dự án nhưng đầu vào cao, thiếu tính cạnh tranh.

Lãnh đạo UBND các xã Long Sơn, Vinh Kim, Mỹ Long Bắc… thông tin về các dự án thực hiện, trong đó, đầu ra của các sản phẩm trong mô hình gặp khó; mặc dù có lúc sản phẩm trong mô hình/dự án có giá bán cao hơn thị trường, nhưng thường phụ thuộc vào thị trường. Kiến nghị tỉnh, đối với mô hình nuôi lươn, trồng dưa lưới… cần hỗ trợ địa phương tạo nguồn lươn giống và liên kết thị trường đầu ra để cho người sản xuất nhân rộng. Các đề tài/dự án có hiệu quả, nhưng việc nhân rộng còn gặp khó…

Tại buổi giám sát, các thành viên trong đoàn trao đổi với địa phương như cần đánh giá cụ thể từng mô hình và có sự so sánh với sản xuất truyền thống; hiệu quả kinh tế của mô hình mang lại; những khó khăn khi địa phương triển khai, người dân tham gia thực hiện đề tài/dự án KH-CN…

Đồng chí Đường Quang Thập, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang giải trình các nội dung với đoàn giám sát.

Đồng chí Đường Quang Thập, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang giải trình các nội dung với đoàn giám sát.

Đồng chí Đường Quang Thập, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang và các ngành thực hiện giải trình các kiến nghị mà đoàn giám sát đặt ra như: về kinh phí sử dụng vốn KH-CN; các văn bản vận hành tại địa phương trong triển khai thực hiện đề tài/dự án nghiên cứu KH-CN; phương thức hỗ trợ trong thực hiện đề tài/dự án KH-CN. Việc tiếp tục triển khai, nhân rộng các đề tài đang thực hiện… Riêng các sản phẩm trong thực hiện vốn KH-CN đã được công nhận đạt OCOP như lươn thịt, dưa lưới, dưa hấu. Trong thời gian tới, huyện Cầu Ngang kiến nghị tăng vốn hỗ trợ KH-CN và có hướng dẫn cụ thể trong thực hiện.

Thay mặt đoàn giám sát, đồng chí Dương Thị Ngọc Thơ đánh giá cao việc UBND huyện Cầu Ngang đã tổ chức quản lý, sử dụng vốn KH-CN, kết quả nghiên cứu và ứng dụng các đề tài khoa học tại địa phương đạt được những kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng mục tiêu đề tài, yêu cầu thực tế tại địa phương; các đề tài được triển khai thực hiện hoàn thành, nghiệm thu theo quyết định phê duyệt.

Đồng chí Dương Thị Ngọc Thơ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận.

Đồng chí Dương Thị Ngọc Thơ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận.

Đồng chí Dương Thị Ngọc Thơ đề nghị địa phương cần cụ thể hóa các văn bản và triển khai các văn bản cấp trên; chưa có ban hành văn bản quản lý của nhà nước về quản lý nhiệm vụ KH-CN. Phối hợp nghiên cứu kỹ, lựa chọn đề tài, dự án khoa học thích ứng với điều kiện thực tế của địa phương, đề xuất đưa vào nghiên cứu, ứng dụng quy trình kỹ thuật mới, phát triển và nhân rộng nhằm đảm bảo việc tham gia triển khai, ứng dụng phù hợp thực tế và điều kiện sẵn có của cá nhân, tổ chức góp phần tăng sản lượng, chất lượng, giảm chi phí, đảm bảo đầu ra sản phẩm, giá bền vững, tăng thu nhập... duy trì nhân rộng các mô hình, ứng dụng có hiệu quả.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi việc triển khai thực hiện đề tài đảm bảo trình tự, thủ tục theo quyết định phê duyệt nhiệm vụ; phối hợp tốt với các cơ quan chức năng, tham mưu đề xuất cơ quan có thẩm quyền để xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ KH-CN đối với các đề tài khoa học trên địa bàn huyện...

Tin, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/trong-tinh/doan-giam-sat-hdnd-tinh-giam-sat-tinh-hinh-quan-ly-su-dung-von-khoa-hoc-cong-nghe-tai-huyen-cau-ngang-40106.html