Đoàn kết dân tộc - Cội nguồn sức mạnh dân tộc

Đoàn kết dân tộc là một hiện tượng xã hội mang tính phổ quát của mọi quốc gia - dân tộc, không một cộng đồng dân tộc nào tồn tại và lớn mạnh nếu thiếu sự liên kết, thống nhất của các thành viên. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia sự đoàn kết lại có những biểu hiện, sắc thái riêng, là kết quả của điều kiện tự nhiên, xã hội và lịch sử cụ thể. Đối với Việt Nam, truyền thống đoàn kết dân tộc được hình thành và thể hiện thông qua cuộc vật lộn với thiên tai, chinh phục thiên nhiên, chống ngoại xâm, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Đoàn kết đã trở thành quy luật sống còn và là một giá trị cốt lõi tạo nên bản sắc dân tộc Việt Nam.

Sự nghiệp chinh phục tự nhiên

Thiên nhiên Việt Nam thuận lợi cho việc phát triển từ rất sớm một nền kinh tế nông nghiệp trồng trọt, trong đó canh tác lúa nước là chủ đạo. Mặt khác, nó cũng đem đến nhiều thách thức như: hạn hán, lũ lụt, bão, mưa đá, nước biển dâng, xâm nhập mặn và nhiều hình thái thời tiết cực đoan khác, cộng với dịch bệnh từ côn trùng, sâu bệnh,... đe dọa đến mùa vụ, cây trồng, vật nuôi.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong các loại thiên tai, bão và lũ lụt là thường xuyên và nguy hiểm nhất. Theo ước tính, trung bình mỗi năm Việt Nam phải chịu từ 6 đến 7 cơn bão. Từ năm 1990 đến 2010, đã xảy ra 74 trận lũ trên các hệ thống sông của Việt Nam. Hạn hán nghiêm trọng, xâm nhập mặn, sạt lở đất, và nhiều thiên tai khác đã và đang gây trở ngại cho sự phát triển của Việt Nam1.

Trên hành trình khai khẩn các vùng đồng bằng, châu thổ thành những cánh đồng màu mỡ và làng mạc trù phú, người Việt phải tiến hành trị thủy các dòng sông bằng hệ thống đê điều vĩ đại và các công trình dẫn thủy nhập điền. Trong cuộc vật lộn với thiên tai và lao động, sản xuất đòi hỏi sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng. Tinh thần tương thân, tương ái, cố kết cộng đồng hình thành một cách tự nhiên từ sự phụ thuộc của mỗi cá nhân vào cộng đồng.

Nước ta có 2.360 con sông dài trên 10km, chở theo khoảng 200 triệu tấn phù sa mỗi năm bồi đắp cho đồng bằng châu thổ. Nhưng những dòng sông không chỉ mang lại nguồn nước, nguồn phù sa màu mỡ mà còn có cả nguy cơ lũ lụt nhấn chìm mọi thành quả lao động và cuộc sống bình yên của người nông dân. Sức tàn phá của thủy tai được Nhân dân ta xếp vào hàng thứ nhất trong bốn đại họa (thủy, hỏa, đạo, tặc). Vì thế, quá trình chinh phục đồng bằng, phát triển sản xuất gắn liền với nhiệm vụ bồi đắp và bảo vệ những con đê.

Không biết thời điểm khởi đầu đắp đê có từ bao giờ, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng hình tượng Sơn Tinh trong truyền thuyết đã phản ánh sức mạnh trị thủy của tổ tiên ta trong thời cổ đại. Từ thời kỳ Bắc thuộc, qua các triều đại phong kiến đến nay, việc đắp mới, gia cố và bảo vệ đê điều luôn là nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền và cộng đồng.

Hệ thống đê điều ở Việt Nam hiện nay là một công trình lịch sử kỳ vĩ, kết tinh của tinh thần đoàn kết cộng đồng qua nhiều thế hệ, có quy mô rất lớn, với chiều dài khoảng 9.220km (gồm 6.458km đê sông, 1.171km đê cửa sông, 1.320km đê biển). Trong đó, hơn 2.740km đê được phân cấp từ cấp III đến cấp đặc biệt, cùng với số lượng khổng lồ các công trình trên tuyến, với hơn 1.035km kè bảo vệ đê, 1.563 cống dưới đê, 632 kho, bãi vật tư dự trữ phòng, chống lụt, bão, 1.405 điếm canh đê,…

Ngoài ra, vùng đồng bằng sông Cửu Long còn có khoảng 44.545km đê bao, bờ bao với nhiệm vụ chủ yếu là chống lũ thời vụ.

Người Việt cũng sớm bắt tay đào kênh phục vụ giao thông và thủy lợi. Các triều đại Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn đều thực hiện việc đào kênh, trong đó Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi nhận những lần nhà vua ra lệnh cho đào kênh vào các năm: 983, 1003, 1009, 1029, 1053, 1231, 1357, 1374, 1382, 1399, 1437, 1438, 1445, 1467,...

Quá trình khai phá vùng đất Nam Bộ, từ thế kỷ XVII các chúa Nguyễn đã bắt tay vào việc đào kênh và công cuộc này mang tính quy mô cấp nhà nước dưới thời các vua Nguyễn. Chính hệ thống kênh đào của nhà Nguyễn là nền tảng lớn và cơ bản mà sau đó được phát triển dưới thời thuộc địa cho đến ngày nay2.

“Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 100 trục kênh cấp 1, dài 6.500km cùng hơn 36.000km kênh cấp 2, 3. Bình quân mỗi ki-lô-mét vuông ở miền Tây có khoảng 1,4km kênh đào. Từ một vùng hoang hóa kém phát triển, trong vòng 200 năm (từ năm 1700 đến 1930), nơi này có trên 40 kênh đào lớn, nhỏ do triều đình phong kiến lẫn người Pháp thi công. Các kênh này có vai trò quan trọng là thông thương, đưa nước ngọt vào đồng ruộng để nâng cao năng suất mùa vụ”3.

“Công cuộc trị thủy - thủy lợi, một mặt đòi hỏi lao động cộng đồng và tổ chức cộng đồng, mặt khác còn đòi hỏi một tinh thần cộng đồng”4. Công việc đắp đê, đào kênh vừa là một trong những cơ sở hình thành, củng cố, vừa là biểu hiện tập trung của tinh thần đoàn kết toàn dân trong lao động, sản xuất.

Sự nghiệp chống ngoại xâm

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, giai đoạn 2003 - 2023.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, giai đoạn 2003 - 2023.

ẢNH: QUỐC TRUNG

Việt Nam có vị trí địa - chính trị quan trọng trong khu vực, là đối tượng nhòm ngó của nhiều quốc gia có dã tâm xâm lược. Lịch sử dân tộc ta vì thế luôn phải đối mặt với những cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang. Các thế lực đế quốc như: Tần, Hán, Đông Ngô, Tây Tấn, Đông Tấn, Lưu Tống, Lương, Tùy, Đường, Nam Hán, Tống, Mông Cổ, Nguyên, Minh, Thanh, Xiêm, Pháp, Nhật, Mỹ, Khmer đỏ, Trung Quốc,... đều đã từng đem quân xâm lược Việt Nam.

Trong hơn hai nghìn năm, kể từ khi nước Âu Lạc rơi vào tay Triệu Đà (năm 179 trước Công nguyên) đến nay, quá nửa thời gian đất nước ta nằm dưới ách đô hộ của ngoại bang, đó là hơn một thiên niên kỷ Bắc thuộc (179 trước Công nguyên - 928), 20 năm Minh thuộc (1407-1427), 61 năm Pháp thuộc (1884-1945), 9 năm thực dân Pháp xâm lược, nhiều vùng đất đặt dưới quyền cai trị của chính quyền thực dân (1946-1954), 21 năm miền Nam dưới ách đô hộ của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai (1954-1975),... Chính quyền cai trị ngoại bang đã thi hành những chính sách bạo ngược, hà khắc và những thủ đoạn thâm độc nhằm cướp bóc, nô dịch và đồng hóa Nhân dân ta. Mất nước luôn đi kèm với nguy cơ mất bản sắc dân tộc.

Các cuộc kháng chiến, khởi nghĩa, đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc của Nhân dân ta hầu hết là cuộc chiến tranh không cân sức về cả tiềm lực kinh tế, quân sự và tương quan lực lượng trên chiến trường. Trong những đế quốc xâm lược Việt Nam có những đế quốc hùng mạnh bậc nhất thời đại như: Tần, Hán, Đường, Tống, Mông Cổ, Nguyên, Minh, Thanh, Pháp, Nhật, Mỹ,... Trong tình thế đó, chúng ta luôn phải sử dụng phương pháp lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh, “dĩ đoản binh chế trường trận”, đồng thời huy động cuộc chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tổng kết: “Dựng nước luôn luôn đi đôi với giữ nước đã trở thành một quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta”5. Lịch sử nước ta đã ghi nhận hàng chục cuộc kháng chiến giành, giữ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Theo GS. Phan Huy Lê: “đoàn kết dân tộc, thống nhất quốc gia sớm trở thành một xu thế phát triển chủ đạo của lịch sử và là một tiềm lực lớn lao của dân tộc trên con đường chinh phục thiên nhiên và chiến thắng giặc ngoại xâm”6.

Thực tiễn lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm đã minh chứng, triều đại nào dựa vào Nhân dân, huy động được sức mạnh của toàn dân thì kháng chiến thắng lợi, chủ quyền được giữ vững, cho dù kẻ thù có mạnh hơn ta gấp nhiều lần.

Ngược lại, nếu chỉ dựa vào thành cao, hào sâu, quân đông, vũ khí mạnh mà nội bộ mất đoàn kết, lòng dân ly tán thì nền độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và số phận của triều đại bị lung lay tận gốc. Cuộc kháng chiến chống quân Triệu Đà năm 179 trước Công nguyên của Âu Lạc, cuộc kháng chiến chống quân Minh năm 1406-1407 của nhà Hồ thất bại, sự sụp đổ của vương triều Tây Sơn năm 1802,... là những bài học lịch sử về đoàn kết nội bộ và đoàn kết toàn dân.

Từ thực tế lịch sử đó, đoàn kết toàn dân tộc thành một khối vững chắc là con đường duy nhất để một dân tộc đất không rộng, người không đông chiến đấu và chiến thắng ngoại xâm. Đoàn kết toàn dân tộc cũng vì thế trở thành yếu tố quyết định vận mệnh đất nước, là quy luật sống còn của dân tộc ta.

Nền văn hóa thống nhất trong đa dạng

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc (tộc người) với 54 dân tộc anh em, có một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng. Cùng với nền văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mỗi dân tộc đều có sắc thái văn hóa riêng từ lâu đời, phản ánh truyền thống, lịch sử và niềm tự hào dân tộc.

Sự phát triển rực rỡ bản sắc văn hóa mỗi dân tộc càng làm phong phú nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tính đa dạng của văn hóa Việt Nam còn được biểu hiện thông qua tính đa dạng sắc thái văn hóa vùng. Theo GS.TS. Ngô Đức Thịnh: “có thể phân vùng văn hóa Việt Nam thành 7 vùng văn hóa lớn, trong mỗi vùng lại có thể phân chia thành các tiểu vùng văn hóa nhỏ hơn, khoảng 23 tiểu vùng, bao gồm: vùng văn hóa đồng bằng Bắc Bộ, vùng văn hóa Việt Bắc, vùng văn hóa Tây Bắc và miền núi Thanh - Nghệ, vùng văn hóa Bắc Trung Bộ, vùng văn hóa Nam Trung Bộ, vùng văn hóa Trường Sơn - Tây Nguyên, vùng văn hóa Nam Bộ”7.

Xuất phát từ nhu cầu sinh tồn và phát triển, các dân tộc đã liên kết, nương tựa vào nhau, hình thành nên một ý thức chung về quốc gia - dân tộc, cùng chia sẻ những niềm tin, giá trị, lòng tự hào về truyền thống lịch sử, bản sắc dân tộc, sẵn sàng hợp tác và hành động vì vận mệnh, lợi ích của đất nước, đồng cảm, chia sẻ và giúp đỡ với các thành viên khác trong cộng đồng.

Ý thức quốc gia - dân tộc thể hiện thông qua ý thức về chủ quyền lãnh thổ, dân cư, ngôn ngữ phổ thông, bản sắc văn hóa, nhà nước và chủ nghĩa yêu nước. GS. NSNN. Tô Ngọc Thanh nhận xét: “Một khi đã gia nhập vào đại gia đình Việt Nam, mỗi tộc người đều chia sẻ, chịu đựng chung số phận của đất nước, những bước thăng trầm của nền kinh tế, những thay đổi của xã hội. Những điều kiện lịch sử này đã là cơ sở cho việc hình thành những đặc trưng văn hóa chung thống nhất của các tộc người Việt Nam. Mặt khác, những đặc trưng thống nhất đó được thể hiện khác nhau ở các tộc người làm cho tính thống nhất đó được tìm thấy trong những sắc thái đa dạng”8.

Đoàn kết là cội nguồn sức mạnh dân tộc

Tư tưởng “dân là gốc” (dân vi bản) là phương châm trị quốc của các triều đại phong kiến Việt Nam. Nó cũng phù hợp với tư tưởng của Nho giáo. Mạnh Tử nói: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (dân là quý, xã tắc đứng sau, vua xem nhẹ hơn).

Các sử gia phong kiến thường giải thích tính chính danh của một vị vua khai sáng triều đại gồm 3 yếu tố: mệnh trời, lòng người và thời vận. Nhận xét về sự nghiệp của Lý Thái Tổ, sử gia Ngô Sỹ Liên viết: “Vua ứng mệnh trời, thuận lòng người, nhân thời mở vận”9.

Trong Chiếu dời đô, Lý Thái Tổ cũng viện dẫn hai điều: “trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân”10. “Mệnh trời” và “ý dân” là mối quan hệ “đồng thuận”, “cùng một lẽ”.

Trong tờ khải của Thiêm đô Ngự sử Nguyễn Duy Thì cùng Giám sát Ngự sử Phạm Trân dâng lên Bình An Vương Trịnh Tùng năm 1612 đã giải thích về mối quan hệ này như sau: “Dân là gốc của nước, đạo trị nước chỉ là yên dân mà thôi. Lại nghĩ rằng trời với dân cùng một lẽ, lòng dân vui thích tức là được ý trời rồi. Cho nên người giỏi trị nước, yêu dân như cha mẹ yêu con, thấy họ đói rét thì thương, thấy họ lao khổ thì xót, cấm hà khắc bạo ngược, ngăn thuế khóa bừa bãi, để cho dân được thỏa sống mà không còn tiếng sầu hận oán than”, “Nếu biết thi hành chính sách bảo vệ dân thì dưới thuận lòng người, trên hợp ý trời, và chuyển tai họa thành điềm lành, lúa được mùa luôn, người người no đủ, trong nước thái bình, cơ nghiệp ức muôn năm của nước nhà từ nay cũng do đó mà bền vững lâu dài vậy”11.

An dân luôn giữ vai trò quốc sách của các triều đại. Trần Hưng Đạo vạch đường đi cho đương thời và cho hậu thế: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”12.

Mở đầu bài “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi đã khẳng định tư tưởng: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo”13. Theo ông: “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”.

Hồ Nguyên Trừng từng đề cao lòng dân khi nói: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi”14. Năm 1434, vua Lê Thái Tông truyền dạy các quan: “Đạo làm tôi cốt yếu có hai điều. Trên thì yêu vua, dưới thì yêu dân”15.

Năm 1618, Hữu Thị lang Bộ Lại Lưu Đình Chất trong tờ khải lên Bình An Vương Trịnh Tùng cũng nói rõ: “Lòng dân vui ở dưới thì đạo trời ứng ở trên”16. Sử gia Ngô Sĩ Liên đã đúc kết: “Mệnh trời là ở lòng dân”17, cho nên “Cùng lòng, cùng đức, tất sự nghiệp có thể thành. Có vua, có tôi, gian hiểm nào cũng vượt được”18.

Để đoàn kết các dân tộc thiểu số, các triều đại phong kiến đã thực thi chính sách “nhu viễn” (mềm mỏng với phương xa). Các biện pháp như hôn nhân, phủ dụ, ban chức tước cho các thủ lĩnh dân tộc thiểu số,... để ràng buộc, gắn bó với triều đình được thực hiện một cách linh hoạt, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà.

Có thể nói, đối với người Việt Nam, đoàn kết dân tộc không chỉ là tình cảm (tình đoàn kết), ý thức (tinh thần đoàn kết), di sản (truyền thống đoàn kết), lực lượng (sức mạnh đoàn kết) mà nó còn là một giá trị cốt lõi tạo nên bản sắc dân tộc, được hun đúc từ lịch sử chinh phục tự nhiên, chống ngoại xâm, xây dựng nền văn hóa thống nhất trong đa dạng và đường lối trị quốc của các triều đại.

Đoàn kết dân tộc đã trở thành cội nguồn sức mạnh, một “bảo bối truyền quốc” bảo đảm sự trường tồn của dân tộc. Ngày nay, truyền thống đoàn kết dân tộc được kế thừa và phát triển dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để trở thành “nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Chú thích:

1. Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP): Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về quản lý rủi ro thiên tai và các hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu, năm 2015.

2. PGS.TS. Tôn Nữ Quỳnh Trân: “Kênh đào thời Nguyễn ở Nam Bộ”, Trang thông tin điện tử Thánh địa Việt Nam học, cập nhật ngày 20/10/2020, http://thanhdiavietnamhoc.com/kenh-dao-thoi-nguyen-o-nam-bo/

3. Thanh Nga và Thường Sơn: “Bên những dòng kênh đào huyền thoại (Bài 1)”, Báo Long An online, cập nhật ngày 9/5/2022, https://baolongan.vn/ben-nhung-dong-kenh-dao-huyen-thoai-bai-1-a135159.html

4. Vũ Huy Phúc - Lê Đình Sỹ: “Công cuộc trị thủy - thủy lợi yêu cầu quan hệ tập thể làng xã”, trong sách Nông thôn Việt Nam trong lịch sử - Tập I, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2021, tr. 203.

5. Võ Nguyên Giáp: Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1970, tr. 17.

6. Phan Huy Lê: “Tìm hiểu kế sách giữ nước thời Lý, Trần, Lê”, Tìm về cội nguồn, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2011, tr. 975.

7. GS.TS. Ngô Đức Thịnh: “Đa dạng văn hóa và sự phát triển xã hội”, Tạp chí Cộng sản điện tử, cập nhật ngày 10/1/2013, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/19676/da-dang-van-hoa-va-su-phat-trien-xa-hoi.aspx

8. GS.NGND. Tô Ngọc Thanh: “Đa dạng văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa ở Việt Nam, những khía cạnh pháp lý”, Tạp chí Di sản Văn hóa, số 2(11) năm 2005, tr.14.

9,10,18. Viện Khoa học xã hội Việt Nam: Đại Việt sử ký toàn thư (dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1679), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, Tập I, tr. 240-241, 250.

11,16. Viện Khoa học xã hội Việt Nam: Đại Việt sử ký toàn thư (dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1679), Tập III, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr.214-215, 220.

12,13,14,15,17. Viện Khoa học xã hội Việt Nam: Đại Việt sử ký toàn thư (dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1679), Tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr.79, 282, 211, 310, 211.

Chu Văn Khánh - Thạc sĩ, Phó Giám đốc Trung tâm

Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bùi Thị Hoàn - Thạc sĩ, Giám đốc Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/doan-ket-dan-toc-coi-nguon-suc-manh-dan-toc-54251.html