Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 516 triển khai mô hình giảm nghèo tại huyện đảo Lý Sơn
Những năm qua, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, bộ đội ở các đoàn kinh tế - quốc phòng Quân khu 5 đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào ở nơi vùng sâu, vùng xa, vùng còn gặp nhiều khó khăn; giúp bà con từng bước vươn lên thoát nghèo.
Đầu vụ hành, lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc hành tím cho người dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thu hút đông người tham gia. Các kỹ sư nông nghiệp đã giới thiệu đến bà con nhiều kiến thức mới về phương pháp trồng, chăm sóc hành tím một cách khoa học. Bên cạnh đó là các dẫn chứng sinh động về sản lượng thu hoạch của các địa phương. Qua đó, giúp người dân có cái nhìn tổng quan về năng suất, chất lượng sản xuất hiện tại của hành Lý Sơn.
Ông Nguyễn Chiêm, người trồng hành ở huyện Lý Sơn bày tỏ: "Tôi cảm ơn đơn vị 516, vừa rồi lớp tập huấn chúng tôi đã kết hợp với đoàn tham gia trồng trọt hành tím sau khi tham gia tôi cũng đã tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm. Với sự hỗ trợ đó, chúng tôi sẽ có giống để canh tác và tự tin hơn về kỹ thuật trồng vụ mùa sắp tới".
Những năm qua, huyện đảo Lý Sơn đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn còn khá cao. Người dân địa phương vẫn chưa biết phát huy thế mạnh sẵn có về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây hành. Qua khảo sát, trong năm 2023, Ban Quản lý Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với quốc phòng an ninh của Đoàn Kinh tế quốc phòng 516, Quân khu 5 triển khai Mô hình hỗ trợ hành giống và vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất trên diện tích 10 hecta.
Thượng tá Nguyễn Thế Vĩnh, Phó Trưởng Đoàn Kinh tế- Quốc phòng 516, Quân khu 5 cho biết: "Ban Dự án Giảm nghèo gắn với đoàn Kinh tế Quốc phòng 516 đã tiến hành khảo sát trên địa bàn Lý Sơn. Sau đó, chúng tôi thống nhất cùng Chính quyền địa phương chọn ra mô hình Sản xuất hành tím để giúp bà con nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, yên tâm bảo vệ chủ quyền Biển đảo của Tổ Quốc. Đơn vị cũng đã tiến hành phân công các đồng chí quản lý dự án, thường xuyên theo dõi, giúp đỡ, ghi chép các số liệu để rút kinh nghiệm lần sau".
Trước đó, đơn vị đã phối hợp với UBND huyện Lý Sơn tổ chức khảo sát, lựa chọn 200 hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo của huyện tham gia mô hình. Đồng thời, hiệp đồng với Công ty Nông Tín tổ chức tập huấn cho bà con nông dân cách trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đạt năng suất cao. Trong suốt quá trình gieo giống, chăm sóc, thu hoạch, đơn vị sẽ theo dõi, đánh giá tiến độ phát triển mô hình, tổ chức rút kinh nghiệm.
Ông Phan Sơn, Kỹ sư Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Chúng tôi thấy rằng, đối với người nông dân chúng tôi sẽ truyền tải bằng cách cầm tay chỉ việc. Tất cả những giải pháp kỹ thuật, hiện nay ngoài phương pháp mới trong canh tác ví dụ như: Sử dụng Chế phẩm…, phân bón hữu cơ để thay thế cho giải pháp làm đất. Đồng thời, cũng tác động được người nông dân làm sao để sử dụng các thuốc hóa học trong phòng trừ sâu bệnh hại. Đặc biệt, thông qua đó giúp cho bà con nông dân dần thay đổi tập quán canh tác cũ, đó là giải pháp không thay đất cát, đất thịt trong quá trình canh tác nhưng năng suất, hiệu quả đem lại cao hơn so với canh tác thông thường".
Mô hình giảm nghèo này được kỳ vọng là cơ sở giúp người dân huyện đảo Lý Sơn nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế, tiến tới giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tăng cường mối đoàn kết, gắn bó quan hệ mật thiết giữa đơn vị với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, góp sức cùng với địa phương thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực hiện các nội dung chương trình mục tiêu Quốc gia.