Doanh nghiệp cần làm gì để tránh bẫy 'tất cả mọi thứ đều đang rẻ'?
Trong quá khứ, khi đỉnh của các cuộc khủng hoảng qua đi song những ảnh hưởng tiêu cực của nó vẫn tiếp tục 'ngấm sâu' vào nền kinh tế và gây ra không ít những tổn thương cho doanh nghiệp.
Tại thời điểm này, toàn xã hội đang tập trung mọi nỗ lực vào công tác chống dịch và các doanh nghiệp cũng bằng mọi cách, linh hoạt tìm kiếm cơ hội kinh doanh nhằm vượt qua thời kỳ khó khăn. Nhưng sau đó, điều gì sẽ đến ở giai đoạn hậu COVID-19?
Trong quá khứ, khi đỉnh của các cuộc khủng hoảng qua đi song những ảnh hưởng tiêu cực của nó vẫn tiếp tục “ngấm sâu” vào nền kinh tế và gây ra không ít những tổn thương cho doanh nghiệp, thậm chí còn nặng nề hơn cả giai đoạn khủng hoảng.
“Kiểm soát dòng tiền trong giai đoạn hiện tại là điều hết sức quan trọng. Các doanh nghiệp cần phải tỉnh táo bởi dễ mắc vào các ‘cái bẫy’ khi tất cả mọi thứ trở nên rất rẻ,” bà Nguyễn Thị Thu Hà-Quản lý Dự án Hỗ trợ Doanh nghiệp vì Mục đích Phát triển (EFD) của Oxfam tại Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi trực tuyến về “thực trạng và những giải pháp vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19” mới đây.
Chớ lao vào ‘cơn khủng hoảng” dòng tiền
Theo bà Hà, sau các cuộc khủng hoảng, cách thức tiêu dùng của khách hàng sẽ thay đổi, dẫn đến nhu cầu của các chủ hàng cũng thay đổi, do đó trong giai đoạn này các doanh nghiệp cần phải hết sức tỉnh táo, hạn chế tối đa vào đầu tư mới nếu không chắc chắn, vì điều này sẽ hưởng đến dòng tiền.
Bà Hà chia sẻ kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi mà thời kỳ khó khăn nhất của các doanh nghiệp lại đến vào hai năm sau đó, năm 2011. Trên thị trường, lãi suất ngân hàng cho vay lên tới 18%/năm và cộng thêm các loại phí, nhiều doanh nghiệp đã phải trả lãi tới 25%-30%/năm cho các khoản vay.
Phân tích kỹ hơn, bà Hà nói: “Sau khủng hoảng, dòng tiền trong nền kinh tế có thể khan hiếm, do đó các doanh nghiệp cần phải tính các phương án kinh doanh ngay từ bây giờ, không thể trông chờ vào lãi suất giảm ở giai đoạn này vì nó chỉ là yếu tố ngắn hạn. Về lâu dài, các ngân hàng bắt buộc phải nhìn vào dòng tiền của họ và điều chỉnh ở mức hợp lý trong kinh doanh và khủng hoảng thật sự có thể nằm ở các năm sau đó.”
Vì vậy, bà Hà cho rằng các doanh nghiệp phải xác định được điểm cần phải dừng đồng thời cân đối dòng tiền hết sức chặt chẽ. Bởi, một doanh nghiệp kinh doanh lỗ có thể cầm cự tới 10 năm nhưng một doanh nghiệp bị ảnh hưởng dòng tiền có thể phải dừng kinh doanh.
“Trong kinh doanh, doanh nghiệp phải biết rủi ro nằm ở đâu và luôn luôn nhìn vào dòng tiền. Thị trường khó khăn chưa phải là tệ nhất, khủng hoảng về tiền mới là kinh khủng nhất,” bà Hà nhấn mạnh.
Chuyển đổi mô hình, xây dựng “hệ miễn dịch”
“Nếu doanh nghiệp chờ hết dịch là cực kỳ tệ hại,” ông Phan Tất Thứ, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Chuyên gia trưởng của tổ hợp KNV Group nhấn mạnh điều này và cho rằng sau dịch sẽ còn khó khăn hơn thời điểm hết dịch, do điều kiện bên ngoài sẽ cực kỳ khắc nghiệt, con người có thể sẽ thay đổi lối sống, cách nghĩ, cách tương tác với xã hội cũng sẽ khác.
Theo ông Thứ, ngay lúc này, các doanh nghiệp cần tính đến việc chuyển đổi mô hình kinh doanh. Trong nền kinh tế, các doanh nghiệp quy mô lớn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bị tác động từ bên trong với những chi phí từ quản trị rất lớn…, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể “sống dai” hơn. Và, muốn phát triển lâu dài, doanh nghiệp phải điều chỉnh, xây dựng mô hình kinh doanh “linh hoạt trong môi trường linh động,” giảm bớt tham vọng tăng trưởng, lỗ có kế hoạch nhưng phải tăng “chất xám” vào trong quản trị, coi doanh nghiệp như một “cơ thể” và xây dựng “hệ miễn dịch tốt” với mô hình dựa trên 4 khu vực: Khách hàng, sản xuất, tài chính, dòng tiền.
Ông Trần Tiến Đức, chuyên gia về quản trị chiến lược có chung quan điểm trên và cho rằng giai đoạn khó khăn này chính là dịp đặc biệt thay đổi về nhìn nhận của toàn xã hội và các doanh nghiệp nên quay về giá trị cốt lõi. “Đây là thời điểm tốt để truyền thông nội bộ, củng cố văn hóa, giá trị cốt lõi và trách nhiệm xã hội của công ty,” ông Đức nói.
Theo ông Đức, về dịch tễ không biết bao giờ khủng hoảng COVID-19 mới chấm dứt. Ứng phó của Chính phủ sẽ kiềm chế được những ổ dịch nhỏ trong vòng 2 tháng tới và đây là kịch bản khả quan tại Việt Nam, nhưng với thế giới thì thời gian sẽ lâu hơn nữa và các nền kinh tế bên ngoài cần ít nhất một năm nữa để phục hồi.
“Đại dịch COVID-19 đang tiến triển khó lường, chuyển sang một giai đoạn mới với số lượng ca nhiễm sẽ còn tăng cao, bao phủ trên diện rộng. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các nhà quản lý nên bình tĩnh đánh giá tình hình cũng như các rủi ro để thấy đâu là nguy cơ đe dọa trực tiếp và gián tiếp đến doanh nghiệp mình, từ đó có kế hoạch ứng phó phù hợp,” bà Hà nói.
Cụ thể hơn, bà Hà cho rằng các doanh nghiệp nên rà soát lại chiến lược kinh doanh, đánh giá lại các khách hàng mục tiêu cho trung và dài hạn. Bên cạnh đó, các nhà quản lý nên dành thời gian trao đổi, chăm sóc và chia sẻ khó khăn với khách hàng. Ngoài ra, các bộ phận chuyên môn cần giữ kết nối thường xuyên với các nhóm sản xuất, nhà cung cấp để họ thấy được sự cam kết đồng hành của doanh nghiệp.
“Thêm vào đó, doanh nghiệp cần tích cực tìm hiểu thông tin về các quỹ đầu tư, các nguồn tài chính khác ngoài ngân hàng để chuẩn bị sẵn sằng cho việc phát triển sản xuất kinh doanh khi thời cơ đến,” bà Hà chia sẻ./.
Bài 4: ‘Cần hỗ trợ doanh nghiệp như ứng phó với dịch COVID-19’