Doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sử dụng tiết kiệm năng lượng

Tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, do vậy nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai đẩy mạnh đổi mới công nghệ, thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, chú trọng các biện pháp kỹ thuật, quản lý sản xuất và điều chỉnh ý thức, hành vi sử dụng điện gắn với việc nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chậm đổi mới công nghệ, mức tiêu hao năng lượng lớn

Sản xuất tại Công ty TNHH sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Việt Nam (Văn Lâm)

Theo đánh giá của Sở Công Thương, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện còn sử dụng thiết bị, công nghệ lạc hậu, không đồng bộ nên tiêu tốn nhiều điện năng làm cho giá thành sản phẩm cao, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp không áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng vì cho rằng năng lượng tiết kiệm được không nhiều trong khi phải đầu tư vốn lớn để đổi mới công nghệ, thay đổi quy trình sản xuất. Để hỗ trợ các doanh nghiệp nhận thức đúng về hiệu quả sử dụng năng lượng tiết kiệm, cùng với các giải pháp của ngành chức năng trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp nắm bắt và thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các doanh nghiệp đã tích cực lựa chọn sử dụng các công nghệ hiện đại nhằm giảm tiêu hao năng lượng, giảm bớt khí thải trong hoạt động sản xuất.
Qua khảo sát tình hình sử dụng năng lượng và việc đổi mới công nghệ, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng của ngành chuyên môn, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn sử dụng các thiết bị công nghệ lạc hậu, trong khi trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ nhân viên vận hành thiết bị trong các doanh nghiệp còn hạn chế. Các phương pháp và giải pháp tiết kiệm năng lượng quan trọng như kiểm toán năng lượng, quản lý năng lượng... chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến suất tiêu hao năng lượng trong một số ngành công nghiệp của tỉnh còn cao. Ngoài ra, do hạn chế về nguồn vốn nên các doanh nghiệp chưa đủ khả năng để đầu tư đổi mới công nghệ, do vậy nhiều doanh nghiệp phải thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm năng lượng như: Tận dụng hệ thống chiếu sáng tự nhiên để tiết giảm điện năng thắp sáng; thay thế toàn bộ hệ thống chiếu sáng cũ bằng đèn compact, đèn led tiết kiệm điện, bố trí cụm chiếu sáng hợp lý; tổ chức lại sản xuất theo ca, kíp, hạn chế tối đa sản xuất vào giờ cao điểm, tập trung sản xuất vào giờ thấp điểm để chi phí tiền điện thấp nhất…
Giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh
Công ty TNHH sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Việt Nam đóng trên địa bàn huyện Văn Lâm chuyên sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy có sử dụng đa dạng nguồn năng lượng trong tất cả các công đoạn sản xuất. Để sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, công ty đã đầu tư nâng cấp, lắp đặt thêm một số máy móc, dây chuyền sản xuất đã giúp công ty chủ động hơn trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tận dụng tối đa tính năng của máy móc, thiết bị; cải tiến hệ thống công cụ và bộ gá, tăng tính chính xác trong quá trình lắp ráp sản phẩm; áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng ISO... Do đó, công ty đã tiết kiệm năng lượng ở các khâu sản xuất, năng suất lao động tăng 1,5 lần so với trước, chất lượng sản phẩm được nâng lên, giá thành hạ đã góp phần tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm trên thị trường.
Ngành sản xuất thép được đánh giá là có mức tiêu thụ năng lượng lớn trong số các ngành công nghiệp. Hiện nay, công nghệ đang áp dụng tại một doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn tỉnh hiện cần khoảng 600 kWh điện để sản xuất ra 1 tấn thép. Để tiết kiệm điện, nhiều công ty đã chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ như: Công ty cổ phần thép Việt Ý, Công ty TNHH một thành viên thép Hòa Phát, Công ty TNHH sản xuất thương mại Hòa Bình… đã sử dụng công nghệ Consteel và cán thép Siemens-VAI với mức tiêu hao chỉ từ 450 - 500 kWh điện để sản xuất ra một tấn. Khi triển khai dự án, Nhà máy ống thép Hòa Phát (Văn Lâm) đã chú trọng đầu tư công nghệ hiện đại, dù chi phí ban đầu cao hơn so với đầu tư thiết bị, công nghệ giá rẻ. Sử dụng công nghệ trên đã tận dụng được khí thải ở nhiệt độ 300 - 400 độ C trong lò để sấy phế liệu trước khi đưa vào luyện, nhờ đó giảm tiêu hao điện cho quá trình luyện thép tới 30%, chi phí sản xuất giảm. Cùng với đó, quá trình sản xuất thép từ phôi nóng được nạp trực tiếp từ nhà máy luyện đã giúp giảm 30% chi phí gia nhiệt trong quá trình cán thép thành phẩm.
Việc thực hiện tiết kiệm năng lượng trong sản xuất đã được nhiều doanh nghiệp triển khai tích cực, tuy nhiên, hiện nay việc thay đổi công nghệ còn nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do vậy, khi chưa đủ điều kiện thay đổi toàn bộ công nghệ, các doanh nghiệp cần xem xét có thể thay thế một số bộ phận bằng thiết bị biến tần để tiết kiệm điệ, bố trí chế độ làm việc của các thiết bị hợp lý, nâng cao ý thức của người lao động về thực hành tiết kiệm điện, có giải pháp hiệu quả để tiết kiệm năng lượng.

Đào Ban

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202209/doanh-nghiep-doi-moi-cong-nghe-su-dung-tiet-kiem-nang-luong-c944209/