Doanh nghiệp đứng hình vì những chính sách bất ngờ

Theo VCCI, Nhà nước chỉ nên can thiệp khi xã hội không vận hành một cách bình thường; khi có hành vi lừa đảo; khi không đảm bảo an toàn thông qua các quy định, quy chuẩn xử lý.

Chỉ một quy chuẩn cũng đủ khiến một cộng đồng doanh nghiệp (DN) lao đao. Điển hình là quy chuẩn kỹ thuật QCVN 20:2019 về thép không gỉ (inox). Quy chuẩn này được ban hành vào cuối năm 2019, trong đó cấm không được dùng thép không gỉ tiêu chuẩn bình thường, buộc phải dùng thép tiêu chuẩn cao cấp. Nội dung này bị các DN sản xuất, kinh doanh thép không gỉ phản đối nên được dời hiệu lực thi hành sang năm 2023.

Trong suốt ba năm, không có nhiều biến chuyển, các DN trong ngành gặp khốn đốn và chỉ khi họ phản ứng quyết liệt, tình hình mới chuyển biến.

Doanh nghiệp phản ứng và Bộ KH&CN dừng thi hành

Một cuộc đối thoại giữa 28 DN sản xuất, kinh doanh thép không gỉ về quy chuẩn kỹ thuật QCVN 20:2019 diễn ra mới đây bởi quy chuẩn này có hiệu lực từ ngày 1-1-2023 khiến các DN lao đao.

Chính phủ rất vất vả, rất khó khăn, các bộ, ngành cũng cố gắng, họp ngày đêm bàn cơ chế, chính sách nhưng cơ chế, chính sách có làm được không?

Chúng ta có Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Vậy luật đó hỗ trợ được gì? Có quỹ ở 24 địa phương mà chưa thấy một hội nghị nào bàn chuyện đó. Quỹ đó đã làm được gì cho các DN này? Nếu có quỹ thì mở ra các DN nhỏ và vừa cũng không có quyền lợi gì, ngoại trừ cho vay với lãi suất thấp.

Ông NGUYỄN QUỐC HÙNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng VN

Đại diện Bộ KH&CN cho rằng các sản phẩm inox đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nhưng cũng cần tính đến những yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước và . Đồng thời khẳng định “không bao giờ có rào cản gây cản trở các DN sản xuất, kinh doanh xuất khẩu”. Theo vị đại diện, quy chuẩn là cần thiết và đã lấy ý kiến của các bên.

Tập đoàn Inox Việt Nam (VN) cho biết họ không nhận được văn bản đề nghị góp ý nào khi quy chuẩn kỹ thuật QCVN 20:2019 được xây dựng. Mặt khác, các nước tiên tiến vẫn sử dụng các nguyên liệu, thiết bị inox thông thường, còn VN lại cấm.

Một DN khác nêu: Khi quy chuẩn kỹ thuật QCVN 20:2019 ra đời, các DN lên tiếng phản đối thì họ mới được mời góp ý. Trong các buổi họp, cơ quan cứ nói từ “góc độ quản lý nhà nước” khiến họ rất… nản.

Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 20:2019 được áp dụng từ ngày 1-1-2023. Ảnh: CTV

Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 20:2019 được áp dụng từ ngày 1-1-2023. Ảnh: CTV

“Các anh đứng từ góc độ của cơ quan quản lý nhà nước để nói với DN. Còn chúng tôi cần phải đứng từ góc độ của cả thị trường” - một DN nói. DN này cũng cho biết họ vẫn có những đơn hàng xuất khẩu các sản phẩm inox mà quy chuẩn kỹ thuật QCVN 20:2019 cấm ở VN.

Đại diện Bộ KH&CN phản hồi: “QCVN 20:2019 đã được áp dụng gần ba năm rồi. Chúng tôi sẽ kiến nghị để có chỉ đạo cụ thể từ phía lãnh đạo. Chúng tôi chỉ được giao nhiệm vụ báo cáo, tổng hợp thông tin”.

Khi nào Nhà nước nên can thiệp?

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), nhận định: Nhà nước chỉ nên can thiệp khi không vận hành một cách bình thường; khi có hành vi lừa đảo; hành vi không đảm bảo an toàn thông qua các quy định, quy chuẩn xử lý. Còn nếu tiếp tục đưa ra quy chuẩn và nói rằng vì Nhà nước cần can thiệp theo cách đó thì cần đưa vấn đề này lên cơ quan có thẩm quyền cao hơn.

Ông Đức nhận xét thêm: “Đây không phải lần đầu tôi chứng kiến các DN Việt “chết đứng như Từ Hải” vì những chính sách do các bộ, ngành ban hành bất ngờ. Thế nhưng có lẽ đây là lần đầu tôi thấy một quy định được ban hành mà không có lý do thỏa đáng và bị DN phản ứng gay gắt đến như vậy”.

Sau cuộc đối thoại, Bộ KH&CN báo cáo lên Chính phủ. Nhận được thông tin từ báo cáo này, các DN inox đã gửi thư lên Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và cho rằng Bộ KH&CN báo cáo không đầy đủ các ý kiến của DN.

Sau phản ánh của các DN, Bộ KH&CN cho hay: Cùng với việc rà soát “QCVN 20:2019/BKHCN”, “sửa đổi 1:2021 QCVN 20:2019/BKHCN”, bộ sẽ phối hợp với cơ quan quản lý, các DN, hiệp hội, các nhà khoa học liên quan xem xét, thảo luận. Sau đó đưa ra các giải pháp cụ thể lâu dài, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các DN nhập khẩu, sản xuất trong nước và người tiêu dùng; tuân thủ các quy định, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Các doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ cho biết đã gặp nhiều khó khăn về quy chuẩn QCVN 20:2019. Ảnh: hoaphat.com

Các doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ cho biết đã gặp nhiều khó khăn về quy chuẩn QCVN 20:2019. Ảnh: hoaphat.com

Nhiều quy định khiến doanh nghiệp lao đao

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN, cho biết những lý do khiến cho ngành công nghiệp gỗ sụt giảm gần đây không chỉ do các yếu tố khách quan như gỗ dán VN bị , mà còn vì các quy định mới được ban hành. Chẳng hạn, quy định về PCCC khiến nhiều DN gỗ loay hoay dù đã kiến nghị với Bộ Xây dựng về việc lùi áp dụng các tiêu chuẩn mới về PCCC. Việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) chưa giải quyết xong cũng khiến DN ngành gỗ nợ đọng khoảng 6.100 tỉ đồng.

Các doanh nghiệp ngành gỗ cho biết gặp khó trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Ảnh: Q.HUY

Các doanh nghiệp ngành gỗ cho biết gặp khó trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Ảnh: Q.HUY

“Tất cả DN ngại nhất là va chạm, đụng chạm với thuế và hải quan. Nhiều DN âm thầm chịu đựng nhưng nhiều DN không thể chịu đựng được nữa” - ông Hoài nhấn mạnh.

Ông Hoài mong muốn Quốc hội thay đổi luật thuế theo hướng không cần quy định thu thuế VAT với các sản phẩm gỗ. Bởi thực ra thuế VAT là tạm thu thuế rồi sau đó hoàn lại cho DN nhưng quá trình hoàn thuế lại “cực kỳ phức tạp và gần như không thực hiện được”.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN, nhận định vấn đề kiểm tra, rà soát, tháo bỏ mọi rào cản trong môi trường kinh doanh đã được Chính phủ tiến hành nhiều nhiệm kỳ nay thông qua việc rà soát, bãi bỏ giấy phép con. Tuy vậy, rào cản trong môi trường kinh doanh vẫn còn nặng nề, những quy định về bản chất là rào cản kinh doanh vẫn “muôn hình vạn trạng”.

Theo ông Hiệp, một cơ quan chức năng bất kỳ nào cũng có thể đưa ra một quy định. “Tôi lấy ví dụ trong ngành . Mỗi dự án cần khoảng 40 con dấu. 40 con dấu ấy, thông thường mất khoảng 2,5 năm, trường hợp lâu hơn có thể lên đến 5-7 năm. Như vậy thì làm sao để phát triển, thúc đẩy đầu tư? Những vấn đề này đã tồn đọng rất lâu, cần được Nhà nước xử lý” - ông Hiệp nói.

Cần có chiến lược

Liên quan tới lĩnh vực khoa học, cơ khí, tại một diễn đàn do VCCI tổ chức, ông Nguyễn Chí Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN cơ khí VN, cho rằng: Ngành cơ khí rất cần thị trường và 10 năm trước, Chính phủ làm thị trường rất tốt. Còn giờ có nhiều hội nghị nhưng lại thiếu chiến lược phát triển.

Theo ông Sáng, hiện cần phải có sự kiến tạo từ Nhà nước để các quy hoạch, chiến lược, chính sách qua các công trình lớn về điện gió, giao thông nội đô, đường sắt cao tốc… không rơi vào tay DN nước ngoài.

“Từ nay đến năm 2040, tôi tính toán cần 800 tỉ USD để kiến tạo dung lượng thị trường trong nước cho các dự án lớn. Thế nhưng nhiều năm nay không có một chiến lược, lộ trình nào để làm chủ trong nước. Đường sắt cao tốc, giao thông nội đô… đã thấy một chương trình, một chiến lược hội nghị nào bàn cho ra vấn đề này chưa?” - ông Sáng đặt vấn đề.

Cầu Thủ Thiêm 2 (TP.HCM) là một trong những dự án cầu dây văng lớn do doanh nghiệp trong nước thực hiện. Ảnh: ĐÀO TRANG

Ông nêu ví dụ: Cách đây 20 năm, có ai nghĩ VN làm được cầu dây văng không? Thế nhưng giờ làm cầu dây văng là chuyện rất bình thường. Những công ty thiết kế của VN hoàn toàn làm được.

“Thế sao không có chiến lược cho khối hàng hóa 800 tỉ USD kia. Người ta cứ bảo nếu để DN cơ khí trong nước làm sẽ đắt. Như dự án Lai Châu Sơn La về sớm ba năm, đem lại hiệu quả mấy tỉ USD rồi, trong khi hai dự án bauxite Nhân Cơ (Đắk Nông - PV)… chậm hai năm đã mất 200 triệu USD rồi, chưa kể cơ hội bị bỏ qua” - ông Sáng nói.

Ông Sáng cho rằng tất cả chương trình phát triển thị trường với máy móc, thiết bị… cần phải có một lộ trình, chiến lược để chúng ta làm chủ, đem lại độc lập, tự chủ cho quốc gia. Đây cũng chính là kiến tạo thị trường cho DN trong nước.

Nguồn PLO: https://plo.vn/doanh-nghiep-dung-hinh-vi-nhung-chinh-sach-bat-ngo-post751142.html