Đổi mới sáng tạo xanh sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận thị trường

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) xanh trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là cần thiết giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tăng khả năng sinh lợi và nâng cao năng lực công nghệ. Đó là nhấn mạnh Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Hoa Cương tại hội thảo công bố báo cáo 'Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam'.

Doanh nghiệp đã quan tâm thực hiện ĐMST xanh

Trong những năm trở lại đây, thúc đẩy ĐMST xanh là xu hướng toàn cầu, được coi là giải pháp quan trọng để đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững. ĐMST xanh là xu hướng tất yếu, bao gồm các hoạt động: đổi mới thiết bị, sản phẩm, quy trình, chính sách và các dự án theo hướng xanh.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu thi Hội thảo, Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Hoa Cương nhấn mạnh, các hoạt động ĐMST xanh sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tăng khả năng sinh lời theo chuỗi giá trị, giúp doanh nghiệp đáp ứng trước các tiêu chuẩn và các quy định ngày càng nghiêm ngặt hơn, thu hút đầu tư và giúp doanh nghiệp tăng năng suất, năng lực công nghệ.

Thực tế cho thấy, ở Việt Nam hiện nay, ĐMST xanh đã được các doanh nghiệp, trong đó DNNVV, quan tâm thực hiện ở nhiều lĩnh vực, như: nông nghiệp, hàng tiêu dùng, xử lý chất thải, năng lượng, chế biến thực phẩm…

Tại nhiều địa phương, chính quyền và doanh nghiệp cũng đã nhận thức được sự cần thiết phải ĐMST theo hướng xanh, chuyển đổi xanh, chuyển đổi để bắt kịp với sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng, đặc biệt các yêu cầu của thị trường quốc tế.

Nhiều mô hình kinh tế hướng tới thân thiện với môi trường được doanh nghiệp và chính quyền địa phương đẩy mạnh áp dụng như: kinh tế dưới tán rừng, kinh tế tuần hoàn, du lịch tái tạo, du lịch sinh thái, nông nghiệp xanh, giao thông xanh...

Bên cạnh đó, ĐMST xanh thông qua thực hành ESG (thực hiện ĐMST trong trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị), đổi mới công nghệ sản xuất sạch hơn, xanh hóa sản xuất nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm thực hiện.

Nhà nước cũng từng bước đồng hành, hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp, đặc biệt DNNVV trong thực hiện ĐMST xanh. Khung chính sách chung thúc đẩy ĐMST nói chung và ĐMST xanh đã được hình thành với nhiều cơ chế, chính sách pháp luật liên quan được ban hành và hoàn thiện; nhiều tổ chức hỗ trợ được hình thành như: NIC thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia thuộc Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KHCN (Bộ Khoa học và công nghệ), Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Huế Innovation Hub (Thừa Thiên Huế)...

Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Hoa Cương nhấn mạnh: kể từ khi Thủ tướng Chính phủ có cam kết lịch sử về phát thải ròng bằng "0" tại Hội nghị COP 26, “xanh” đã trở thành từ khóa phổ biến trên các diễn đàn truyền thông. Trong khuôn khổ dự án nghiên cứu, nhóm chuyên gia đã làm việc với hàng chục doanh nghiệp tại 6 tỉnh, thành phố; thực hiện nhiều khảo sát và tham khảo các nghiên cứu để đưa ra hiện trạng DNNVV ở Việt Nam; năng lực của họ tiếp cận với yếu tố đổi mới sáng tạo và xanh ra sao, các cơ quan trung ương và địa phương, cũng như các tổ chức có mức độ sẵn sàng đến đâu… Báo cáo nghiên cứu nhắm đến đối tượng DNNVV ở Việt Nam, làm sao để họ phát huy tốt nhất năng lực ĐMST xanh, đối với cả hoạt động kinh doanh của bản thân doanh nghiệp cũng như đối với tăng trưởng chung của nền kinh tế và sự phát triển của xã hội.

TS. Nguyễn Thị Luyến, Trưởng Ban Nghiên cứu thể chế kinh tế, CIEM trình bày báo cáo taij hội thảo

TS. Nguyễn Thị Luyến, Trưởng Ban Nghiên cứu thể chế kinh tế, CIEM trình bày báo cáo taij hội thảo

Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Thị Luyến, Trưởng Ban Nghiên cứu thể chế kinh tế, CIEM cho hay, ĐMST xanh giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tăng khả năng sinh lời theo chuỗi giá trị, giúp doanh nghiệp đáp ứng trước các tiêu chuẩn và các quy định ngày càng nghiêm ngặt hơn, thu hút đầu tư và giúp doanh nghiệp tăng năng suất, năng lực công nghệ.

Ở Việt Nam, ĐMST xanh đã được các doanh nghiệp, trong đó có DNNVV, quan tâm thực hiện ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, hàng tiêu dùng, xử lý chất thải, năng lượng, chế biến thực phẩm... Tại nhiều địa phương, chính quyền và doanh nghiệp đã nhận thức được sự cần thiết phải ĐMST theo hướng xanh, chuyển đổi xanh, chuyển đổi để bắt kịp với sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng, đặc biệt các yêu cầu của thị trường quốc tế. Nhiều mô hình kinh tế hướng tới thân thiện với môi trường được doanh nghiệp và chính quyền địa phương đẩy mạnh áp dụng như kinh tế dưới tán rừng, kinh tế tuần hoàn, du lịch tái tạo, du lịch sinh thái, nông nghiệp xanh, giao thông xanh...

Bên cạnh đó, ĐMST xanh thông qua thực hành ESG (thực hiện đổi mới sáng tạo trong trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị), đổi mới công nghệ sản xuất sạch hơn, xanh hóa sản xuất nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm thực hiện.

TS. Nguyễn Thị Luyến cũng chỉ ra rằng, thời gian qua, Nhà nước đã từng bước đồng hành, hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp, đặc biệt DNNVV, trong thực hiện ĐMST xanh. Khung chính sách chung thúc đẩy ĐMST nói chung và đổi mới sáng tạo xanh đã được hình thành với nhiều cơ chế, chính sách pháp luật liên quan được ban hành và hoàn thiện; nhiều tổ chức hỗ trợ được hình thành. Các nhóm giải pháp chính sách tài chính và chính sách phi tài chính hỗ trợ, tạo động lực cho DNNVV phát triển và thực hiện các hoạt động ĐMST xanh.

Cần quan tâm huy động các nguồn lực tư nhân

TS. Nguyễn Thị Luyến, đại diện nhóm nghiên cứu CIEM nhấn mạnh, các giải pháp thúc đẩy DNNVV ĐMST xanh cần được triển khai linh hoạt dưới nhiều hình thức, công cụ; cần quan tâm tới cả các yếu tố/động lực bên trong, như: tính sáng tạo của người lao động, quy mô doanh nghiệp, nguồn lực của doanh nghiệp… lẫn các yếu tố/động lực bên ngoài, như: sự thay đổi của thị trường, áp lực từ người tiêu dùng…

Các giải pháp cần được thực hiện đồng bộ, nhất quán, hiệu quả từ các giải pháp chính sách nói chung; các giải pháp chính sách về tài chính, như: chi ngân sách nhà nước, hỗ trợ thuế, phí cho các hoạt động ĐMST xanh, thúc đẩy tiêu dùng theo hướng xanh, hỗ trợ tiếp cận các nguồn tài trợ…; và các giải pháp chính sách phi tài chính, như: chính sách hỗ trợ kỹ thuật, chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất…

Mặc dù Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy các DNNVV thực hiện ĐMST xanh, cũng cần quan tâm huy động các nguồn lực tư nhân, nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, tổ chức tín dụng.

Đặc biệt, để tiếp tục thúc đẩy ĐMST xanh trong DNNVV ở Việt Nam, cần nghiên cứu quy định cụ thể về ĐMST, ĐMST xanh; tiêu chí xác định doanh nghiệp ĐMST, doanh nghiệp ĐMST xanh làm cơ sở để xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy ĐMST xanh trong doanh nghiệp; tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý và hệ thống chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo xanh, bao gồm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các chính sách về thuế, tài chính, đầu tư, các chính sách về thị trường, tiêu dùng, các chính sách về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu và phát triển, chính sách phát triển công nghiệp môi trường đối với các sản phẩm, thiết bị và công nghệ phục vụ cho thực hiện ĐMST xanh, các chính sách khuyến khích liên kết giữa ngành, lĩnh vực, địa phương trong thực hiện ĐMST xanh và các công cụ chính sách khác; xây dựng chương trình hỗ trợ DNNVV thực hiện đổi mới sáng tạo xanh, chuyển đổi xanh...

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã có ý kiến đóng góp, chia sẻ giúp các doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả của công nghệ xanh để phát huy tốt nhất năng lực ĐMST xanh nâng cao tính cạnh tranh và tối đa hóa lợi nhuận.

Bà Mette Ekeroth - Đại biện lâm thời Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam chia sẻ: DNVVN chiếm 95% doanh nghiệp của Việt Nam và Chính phủ rất khuyến khích họ tham gia vào chuyển đổi xanh. Chuyển đổi xanh sẽ tận dụng lợi thế cạnh tranh và tối đa hóa các nguồn lực để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững, đóng góp vào mục tiêu bảo vệ môi trường, phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của Việt Nam.

N.H

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/doi-moi-sang-tao-xanh-se-giup-doanh-nghiep-tang-kha-nang-tiep-can-thi-truong-718293.html