Doanh nghiệp Hải Dương vào guồng sản xuất hàng Tết

Còn hơn 3 tháng nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Hải Dương bắt đầu bước vào guồng sản xuất hàng Tết để đón đầu nhu cầu tiêu dùng lớn cuối năm.

Cơ sở bánh đậu xanh Bảo Hiên bước vào mùa sản xuất lớn nhất trong năm

Cơ sở bánh đậu xanh Bảo Hiên bước vào mùa sản xuất lớn nhất trong năm

Chủ động nguyên liệu

Trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu của người dân tập trung chủ yếu vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống (gạo tẻ ngon, gạo nếp, thịt lợn, thịt gà…); thực phẩm công nghệ (bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước ngọt…); hàng may mặc, giầy dép, nhiên liệu và một số mặt hàng nông sản như rau, củ, quả. Vì vậy, với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất thuộc các ngành hàng này, thời điểm bận rộn nhất là trước Tết Nguyên đán.

Tại Hải Dương, thời gian qua, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn để sử dụng và làm quà biếu tặng trong dịp Tết Nguyên đán vì bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã… Dịp Tết Nguyên đán đã trở thành mùa vụ quan trọng nhất trong năm đối với nhiều chủ thể OCOP.

Thời điểm này, cánh đồng nếp cái hoa vàng ở phường An Lạc (TP Chí Linh) đã chín rộ, chuẩn bị cho thu hoạch. Vụ mùa năm nay, phường An Lạc có hơn 140 ha nếp cái hoa vàng, tương đương so với năm ngoái. Vụ này, năng suất lúa đạt khoảng 1,7 tạ/sào, giảm khoảng 30 kg/sào so với năm ngoái do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp phường An Lạc đã lên kế hoạch thu mua thóc nếp của bà con nông dân để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết.

Ông Mạc Văn Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp phường An Lạc cho biết: “Chúng tôi dự kiến thu mua khoảng 30 tấn thóc nếp cái hoa vàng của bà con nông dân để chủ động nguồn nguyên liệu cho dịp Tết. Việc chủ động ngay từ khâu chuẩn bị nguyên liệu sẽ giúp hợp tác xã có kế hoạch sản xuất rõ ràng, lường trước những yếu tố bất lợi khi giá thóc nếp được dự báo sẽ tăng cao vào dịp cuối năm".

Cơ sở bánh đậu xanh Bảo Hiên (TP Hải Dương) đang bắt đầu bước vào mùa sản xuất lớn nhất trong năm với 2 sản phẩm chủ lực là bánh đậu xanh và bánh khảo. Để bảo đảm tiến độ sản xuất, cơ sở sẽ thuê thêm 20 lao động thời vụ.

Nguồn nguyên liệu được cơ sở chủ động lựa chọn từ những vùng trồng có tiếng ở Hưng Yên, Bắc Ninh để bảo đảm thơm ngon. Ông Vũ Ngọc Chân, chủ cơ sở bánh đậu xanh Bảo Hiên cho biết: “Dự kiến Tết này, chúng tôi sẽ cung cấp ra thị trường hơn 10 tấn bánh đậu xanh, tương đương so với Tết năm ngoái”.

Theo anh Lê Hồng Giang, chủ Cơ sở sản xuất bánh kẹo Vân Giang ở TP Hải Dương, dịp Tết Nguyên đán luôn là “mùa vàng” đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bánh kẹo khi sức mua tăng đột biến. Trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất khoảng 30 tấn bánh kẹo phân phối cho cửa hàng, đại lý của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Vào tháng cao điểm Tết, sản lượng tăng lên gấp đôi. Dịp Tết năm nay, cơ sở dự kiến cung cấp hơn 60 tấn sản phẩm kẹo lạc, kẹo dồi, bánh chả lạp xưởng, chè lam gừng... để phục vụ người tiêu dùng.

Dù hiện nay trên thị trường có nhiều loại bánh kẹo từ trong nước đến nhập khẩu nhưng hương vị truyền thống của Vân Giang vẫn được nhiều người lựa chọn, nhất là để làm quà biếu tặng trong dịp Tết. Để tăng thêm sức cạnh tranh trên thị trường, Cơ sở sản xuất bánh kẹo Vân Giang đã chủ động tìm tòi, sáng tạo những sản phẩm mới, tiếp cận thêm nhiều đối tượng khách hàng, nhất là những người trẻ như kẹo dẻo vị sữa chua phô mai, kẹo gạo lứt lạc vừng… Bao bì, hộp đựng sản phẩm cũng được cơ sở chăm chút để tạo sự sang trọng, lịch sự phù hợp làm quà biếu, tặng.

Nâng cao chất lượng, mẫu mã

Công ty TNHH một thành viên Phương Khiêm ở thị xã Kinh Môn đã chuẩn bị sẵn rượu bán Tết. Dịp Tết năm nay, công ty dự định tiêu thụ khoảng 8.000 lít rượu, giảm khoảng 2.000 lít so với Tết năm ngoái. Rượu bán vào dịp Tết tập trung vào 4 loại gồm: đông trùng hạ thảo, nếp cái hoa vàng, sim rừng và sâm sắn dây. Mỗi loại có một hương vị đặc trưng khác nhau nhưng nguyên liệu đều có nguồn gốc tại vùng đất Kinh Môn.

Công ty đã tiến hành nuôi cấy đông trùng, chuẩn bị ngâm đông trùng với rượu để bán ra trong dịp Tết này. Không chỉ quan tâm nâng cao chất lượng, Công ty TNHH một thành viên Phương Khiêm còn quan tâm việc thiết kế mẫu mã của sản phẩm. Rượu của công ty được đóng chai với nhiều kiểu dáng bắt mắt và được chia thành các dung tích khác nhau để khách hàng có thêm nhiều lựa chọn. Trong đó chai nhỏ nhất là 330ml, lớn nhất là 10 lít. Từ cuối tháng 10, đã có nhiều khách quen đặt hàng Tết của công ty.

Rượu của Công ty TNHH một thành viên Phương Khiêm chủ yếu cung cấp cho thị trường trong tỉnh và một số địa phương lân cận như Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên. Trên từng sản phẩm đều có mã vạch, QR để truy xuất nguồn gốc…

Công ty còn thường xuyên tham gia các hội chợ, các cuộc xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến nhiều đối tượng khách hàng. Qua đó, tạo cơ hội để thương hiệu rượu Phương Khiêm có chỗ đứng trên thị trường không chỉ trong tỉnh mà còn hướng tới mở rộng thị trường tiêu dùng sản phẩm trong cả nước.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp phường An Lạc thường xuyên lắng nghe phản hồi, đánh giá của khách hàng để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp phường An Lạc thường xuyên lắng nghe phản hồi, đánh giá của khách hàng để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp phường An Lạc cũng thường xuyên lắng nghe đánh giá, phản hồi của khách hàng để có những thay đổi phù hợp. Trước đây, gạo nếp cái hoa vàng của hợp tác xã được đóng trong túi zip loại 3 kg, sau đó được chuyển sang sử dụng túi hút chân không với trọng lượng 3 kg để hạt gạo có thể được bảo quản trong thời gian dài mà vẫn giữ nguyên chất lượng. Cuối năm 2023, hợp tác xã đã giảm bớt trọng lượng xuống còn 2 kg/túi để phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng.

Cung với đó, còn có thùng các-tông (mỗi thùng chứa 10 hộp sản phẩm) đối với những đơn hàng có số lượng lớn để thuận tiện trong quá trình vận chuyển. Bao bì của sản phẩm cũng được thiết kế đẹp hơn với hình ảnh bông lúa nếp cái hoa vàng và đặc biệt là hình ảnh di tích lịch sử đền Cao An Lạc tạo ra nét đặc trưng, riêng biệt.

Theo ông Thảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp phường An Lạc: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp canh tác lúa hữu cơ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó, sẽ tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường”.

Theo Sở Công thương, dự báo trong 1 tháng Tết Nguyên đán (từ 15 tháng chạp đến 15 tháng giêng), sức mua của người dân Hải Dương sẽ tập trung vào một số nhóm sản phẩm: từ 5.000-6.000 tấn gạo, 700-800 tấn bánh kẹo, 15.000-16.000 lít rượu, bia nước ngọt...

NGUYỆT TRANG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/vao-guong-san-xuat-hang-tet-396682.html