Doanh nghiệp kiến nghị về quy định bất hợp lý đã tồn tại 8 năm

Quy định tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm được doanh nghiệp, nhà khoa học chỉ ra bất cập, được Chính phủ chỉ đạo sửa đổi theo hướng bãi bỏ nhưng Bộ Y tế vẫn có ý định giữ nguyên.

Bổ sung iod vào nước mắm là không tuân thủ quy trình sản xuất nước mắm đã được châu Âu bảo hộ.

Bổ sung iod vào nước mắm là không tuân thủ quy trình sản xuất nước mắm đã được châu Âu bảo hộ.

Theo Nghị định số 09/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp bắt buộc phải bổ sung iod (i-ốt) vào muối ăn dùng trực tiếp hoặc dùng trong chế biến thực phẩm, bổ sung sắt và kẽm vào bột mì dùng trong chế biến thực phẩm.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) cho biết, ngay sau khi quy định đó được ban hành, cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều kiến nghị về tính bất cập. Đến tháng 2018, Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi theo hướng bãi bỏ quy định trên.

Đầu năm 2024, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có văn bản yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi theo tinh thần chỉ đạo trước đó. Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 09/2016/NĐ-CP nhưng hầu như vẫn giữ nguyên các quy định bất cập.

Lý giải sự bất cập của quy định nói trên, ông Phạm Trung Thành, Trưởng ban đối ngoại Acecook Việt Nam, cho biết, doanh nghiệp đã tuân thủ quy định trong suốt tám năm qua và vấp phải nhiều vấn đề, bao gồm tiêu tốn chi phí khi một số thị trường xuất khẩu, tiêu biểu như Nhật Bản, không chấp nhận iod trong thực phẩm.

Thị trường này cũng quy định nghiêm ngặt về việc bổ sung sắt, kẽm trong thực phẩm, trong đó kẽm chỉ được bổ sung vào các sản phẩm thay thế sữa mẹ và duy trì sức khỏe theo quy định cụ thể của Nhật Bản.

Acecook phải tốn tiền để sản xuất riêng sản phẩm dùng nội địa và xuất khẩu nhưng vẫn không tránh được một số đơn vị cố tình đưa sản phẩm nội địa sang thị trường Nhật Bản để tiêu thụ, dẫn đến nguy cơ vi phạm Luật An toàn thực phẩm của nước này.

Tương tự đối với sản phẩm nước mắm, bởi theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), một số nước như Nhật Bản, Australia từ chối nhập nước mắm có sử dụng iod.

Tại một số thị trường khác, nước mắm Việt Nam bị mất sức cạnh tranh do giá cao hơn các sản phẩm nước mắm của Thái Lan không phải bổ sung iod.

Bà Hồ Thị Liên, Chủ tịch Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc, cho biết, bản thân cá cơm dùng làm nước mắm đã có hàm lượng iod tự nhiên, nếu bổ sung thêm có thể khiến dư thừa iod, có thể biến đổi màu sắc nước mắm và không tuân thủ quy trình sản xuất nước mắm đã được châu Âu bảo hộ.

Còn theo ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kỹ nghệ súc sản (Vissan), đối với một số loại thực phẩm, đưa iod vào không có ý nghĩa bởi iod sẽ biến mất do công nghệ chế biến.

Ông Vũ Thế Thành, chuyên gia độc lập, lý giải quy định này xuất phát từ mong muốn bổ sung vi chất dinh dưỡng cho người dân, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên, việc phủ bổ sung vi chất không còn phù hợp khi tại nhiều vùng, người dân đã không còn thiếu dinh dưỡng.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, nhìn nhận, dự thảo của Bộ Y tế chưa tính đến tác hại sức khỏe cho nhóm dân cư có nguy cơ bị thừa vi chất khi bổ sung đại trà, có thể sẽ bị mắc bệnh cường giáp và một số bệnh khác.

Ngoài ra, bà Hạnh cho biết, các hiệp hội doanh nghiệp chưa có thời gian kiểm tra danh sách 120 quốc gia bắt buộc sử dụng muối iod trong thực phẩm như thông tin Bộ Y tế đưa ra nhưng qua kiểm tra hai nước là Canada và Australia thì phát hiện hai nước này không hề có quy định như Bộ Y tế đưa ra.

Đưa ra ý kiến tại Hội thảo "Góp ý về chính sách tăng cường vi chất dinh dưỡng vào nguyên liệu sử dụng trong chế biến thực phẩm", các hiệp hội ngành hàng đề nghị bỏ quy định bổ sung iod cho muối dùng trong chế biến thực phẩm và bỏ tăng cường sắt và kẽm vào bột mì dùng trong chế biến thực phẩm.

Hoàng Đông

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/doanh-nghiep-kien-nghi-ve-quy-dinh-bat-hop-ly-da-ton-tai-8-nam-1721123574504.htm