Doanh nghiệp mong dễ tiếp cận vốn vay

Lãi suất giảm, các ngân hàng cũng thông tin có nhiều gói tín dụng ưu tiên cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Vậy nhưng việc tiếp cận vốn vẫn rất khó khăn với nhiều doanh nghiệp.

Ngân hàng dư tiền còn doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng dư tiền còn doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất kinh doanh.

Nhiều điều kiện khó đáp ứng

Kể từ đầu năm cho tới ngày 16/6, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành, góp phần kéo giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng giảm theo.

Tại hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng có vốn nhà nước, lãi suất cũng đã được đưa về vùng thấp. Đáng chú ý một số ngân hàng chủ động thiết kế và ban hành nhiều gói tín dụng ngắn hạn, trung dài hạn với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi, duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh. Tính chung, đến nay, nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước có mức giảm sâu nhất, từ 1 - 1,15%/năm cho lãi suất huy động và giảm 1,5 - 2%/năm cho mức lãi suất cho vay. Các ngân hàng còn lại đều có mức giảm bình quân từ 0,5 - 0,65%/năm.

Dù nguồn vốn đang được ngân hàng nỗ lực bơm ra, nhưng việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp (DN) lại không hề dễ dàng.

Ông Đoàn Tiến Dũng - Giám đốc Công ty Cổ phần May Nam Hà chia sẻ, DN đang chịu lãi vay từ 4-5%/năm với khoản vay bằng USD. Nếu khó khăn tiếp tục kéo dài nguy cơ sẽ có nhiều DN phá sản. Bản thân công ty đang phải cố gắng duy trì hoạt động dù đơn hàng giảm, làm không có lãi.

“Chúng tôi vẫn cần thêm tiền để trả lương công nhân. Ngân hàng nên có cách đảo nợ, nâng hạn mức cho DN dệt may chứ giờ muốn vay mới phải chứng minh kế hoạch kinh doanh và tài sản thế chấp. Với các yêu cầu này, DN rất khó đáp ứng" - ông Dũng trăn trở.

Còn ông Hoàng Văn Vinh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư V.A Ekatenrinburg thông tin, hoạt động du lịch của Nha Trang vẫn chưa sôi động trở lại như kỳ vọng và mới chỉ có 20% khách sạn tại đây mở cửa đón khách.

"Hiện đã có doanh thu nhưng hằng tháng DN của tôi vẫn phải phải bù lỗ, trả hàng loạt chi phí như điện, nước, nhân viên... DN đang có dư nợ ngân hàng nhưng vẫn có nhu cầu vay thêm. Tôi có tài sản thế chấp bằng bất động sản nhưng lại không đáp ứng được điều kiện về phương án kinh doanh. Thực sự để được ngân hàng duyệt cho vay thêm là rất khó" - ông Vinh nói.

TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, hiện các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay nhưng phải đi kèm với giảm điều kiện cho vay, cơ cấu lại các khoản vay cũ để DN đỡ gánh nặng chi phí.

Theo đó, các DN mong muốn cắt giảm điều kiện vay vốn và tăng tối đa tỷ lệ vay tín chấp. Hiện tỷ lệ vay tín chấp chỉ chiếm 15-20% số lượng vay vốn, DN mong muốn được vay tín chấp đến 35%, phần còn lại là tài sản bảo đảm. Về điều kiện cho vay, ông Quốc Anh cho rằng, ngân hàng có thể giảm bớt đến 50% điều kiện cho vay, chỉ giữ lại những điều kiện cho vay cơ bản.

Theo một thống kê của Hiệp hội DN nhỏ và vừa, có tới 25% hội viên của Hiệp hội cho rằng họ đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe, tình trạng gây khó dễ của các cán bộ ngân hàng vẫn còn tồn tại.

Kỳ vọng lãi suất cho vay giảm thêm

Thông báo số 332/TB-VPCP kết luận ban hành ngày 17/8/2023 của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2023 có nêu, đến ngày 9/8, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 4,3%, trong khi chỉ tiêu định hướng cả năm là khoảng 14-15%.

Vì thế, Thường trực Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương có các giải pháp kịp thời, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DN, người dân; tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, đẩy mạnh chuyển đổi số..., phấn đấu tiếp tục hạ lãi suất cho vay.

Trong khi đó định hướng của Ngân hàng Nhà nước cho biết những tháng cuối năm là sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra; đồng thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, DN, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế.

Báo cáo vĩ mô mới đây của Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, cùng với việc giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay đã giảm 0,5-1,0 điểm % so với cuối năm 2022. Vì thế, lãi suất cho vay có thể giảm hơn nữa trong những tháng cuối năm nay nhờ chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhanh từ các đợt giảm lãi suất điều hành và quy định cho phép các ngân hàng giãn trích lập dự phòng nợ xấu.

VNDirect dự báo lãi suất cho vay có thể giảm thêm 100-150 điểm cơ bản trong những quý tới và đây sẽ là động lực chính cho sự phục hồi trong tiêu dùng tư nhân và đầu tư.

Hiện nay các ngân hàng cũng đang mong ngóng tìm khách hàng đủ điều kiện để cho vay. Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank cho biết, ngay bản thân các ngân hàng cũng khá "sốt ruột", muốn đẩy tín dụng ra. Để đẩy tín dụng ra thì một trong những giải pháp là giảm lãi suất.

Theo các chuyên gia, lãi suất cho vay bình quân đã về ngưỡng 8%/năm, tức là giảm 3% so với cuối năm 2022. Bởi vậy hạ lãi suất cho vay kết hợp với đẩy mạnh và kích thích cho vay mà các tổ chức tín dụng đang triển khai sẽ giúp nguồn vốn được đưa vào lưu thông. Từ đó, sản xuất cũng được kích thích hơn, gia tăng sản lượng và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế hiện nay.

T.Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/doanh-nghiep-mong-de-tiep-can-von-vay-5727171.html