Doanh nghiệp Mỹ lạc quan về hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc trong 3 năm

Theo Phòng thương mại Mỹ và công ty kiểm toán PwC, mức độ lạc quan của các doanh nghiệp Mỹ đối với hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc đã phục hồi ở mức trước đại dịch, mức cao nhất trong 3 năm qua.

Hoạt động của một nhà máy sản xuất ô tô ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Hoạt động của một nhà máy sản xuất ô tô ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Mỹ vẫn dè dặt đối với những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc, đồng thời cảm thấy bất an trước việc Trung Quốc tăng cường quản lý giám sát các hoạt động kinh tế gần đây.

Số liệu của cuộc khảo sát được tiến hành từ giữa tháng Sáu đến giữa tháng Bảy này cho thấy, trong số 338 doanh nghiệp Mỹ được phỏng vấn, 78% cảm thấy “lạc quan hoặc hơi lạc quan” về triển vọng kinh doanh 5 năm của doanh nghiệp tại thời điểm năm 2021, tỷ lệ này cao hơn gần 20 điểm phần trăm so với năm 2020, hơn nữa đang phục hồi về mức của năm 2018.

Ngược lại, chỉ có 10% doanh nghiệp được phỏng vấn cảm thấy bi quan, tỷ lệ thấp hơn đáng kể so với mức 18% của năm 2020 và 21% của năm 2019.

Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, đơn vị thực hiện cuộc khảo sát này, cho rằng nguyên nhân giúp tâm lý lạc quan phục hồi là doanh thu tăng, cũng như mối lo ngại về tình hình dịch ở Trung Quốc giảm xuống.

Theo ông Ker Gibbs, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, mặc dù hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc phục hồi nhanh chóng sau đợt phong tỏa năm 2020, nhưng các doanh nghiệp vẫn cảm nhận ảnh hưởng của dịch, các thành viên tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ việc hạn chế đi lại của Trung Quốc. Tình hình kinh doanh tổng thể tích cực, nhưng cũng có dấu hiệu chưa tích cực.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Mỹ có thái độ dè dặt đối với một số chính sách của Trung Quốc thời kỳ hậu đại dịch, đặc biệt là về vấn đề tuyển dụng lao động. Mặc dù 2/3 số doanh nghiệp được phỏng vấn cho biết có kế hoạch tăng số lượng lao động tại Trung Quốc trong năm nay, tăng 31,4% so với năm 2020 nhưng có đến 62,3% số doanh nghiệp nhấn mạnh, vấn đề nguồn cung lao động đã gây nên “trở ngại nhất định” hoặc “trở ngại nghiêm trọng” đối với hoạt động kinh doanh.

Theo các quy định phòng dịch nghiêm ngặt hiện nay, Trung Quốc yêu cầu những lao động nhập cảnh ít nhất phải cách ly hai tuần, tạm ngưng cấp hoặc giảm mạnh số lượng thị thực thăm thân được cấp.

Theo kết quả khảo sát, 46,7% số doanh nghiệp Mỹ được phỏng vấn đánh giá các quy định quản lý của thị trường Trung Quốc là minh bạch, thấp hơn tỷ lệ 51,4% của năm 2020.

Vấn đề đáng quan tâm là cuộc khảo sát này được tiến hành từ giữa tháng Sáu đến giữa tháng Bảy, trong khi “cơn bão quản lý giám sát” của các cơ quan chức năng Trung Quốc đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân mới chỉ diễn ra vào đầu tháng Bảy. Do đó, các sự kiện như Didi Chuxing bị điều tra, lĩnh vực gia sư bị siết chặt, lĩnh vực kinh doanh trò chơi trực tuyến chịu các quy định mới chưa được thể hiện đầy đủ trong cuộc khảo sát.

Ông Gibbs cho rằng sự thay đổi trong nhiều biện pháp quản lý giám sát phát sinh sau cuộc khảo sát sẽ gây nhiều trở ngại hơn cho các doanh nghiệp Mỹ. Mặc dù nhiều biện pháp quản lý giám sát có động cơ tích cực, cách thức công bố các quy định mới thiếu cảnh báo vẫn khiến các doanh nghiệp cảm thấy bất an./.

Thạch Bình (P/v TTXVN tại Hong Kong)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-my-lac-quan-ve-hoat-dong-kinh-doanh-o-trung-quoc-trong-3-nam/214719.html