Doanh nghiệp ngành may 'đỏ mắt' tìm lao động

Tình trạng khó tuyển dụng lao động ngành may đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Từ đầu năm 2024, thị trường may mặc phục hồi, nhiều doanh nghiệp tăng đơn hàng mới nên mở rộng sản xuất, cần tuyển thêm lao động. Bên cạnh đó, một số công ty may mặc của nhà đầu tư mới cũng bắt đầu đi vào hoạt động khiến nhu cầu tuyển dụng công nhân may trên địa bàn tỉnh càng trở nên 'nóng'.

Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH MVT Dụng cụ du lịch Jinquan Việt Nam -Ảnh: T.N

Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH MVT Dụng cụ du lịch Jinquan Việt Nam -Ảnh: T.N

Giữa tháng 8/2024, lần đầu tiên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Trị tổ chức phiên giao dịch việc làm chuyên đề tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp ngành may trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Theo đó, có 7 doanh nghiệp may mặc tham gia tại sàn giao dịch. Trong đó có 6 doanh nghiệp tuyển dụng lao động trực tiếp tại sàn là: Công ty May Hòa Thọ - Đông Hà, Công ty May Hòa Thọ - Triệu Phong, Công ty TNHH WinZen Knitwear - Việt Nam, Công ty TNHH MTV Dụng cụ du lịch Jinquan Việt Nam, Công ty TNHH Scavi Quảng Trị và Công ty Cổ phần May và Thương mại Gio Linh. 6 công ty này có nhu cầu tuyển dụng tổng cộng trên 5.000 lao động.

Riêng Công ty TNHH Scavi Quảng Trị đăng ký tuyển trên 4.500 công nhân (4.000 công nhân may, 15 kỹ thuật chuyền, 10 chuyền trưởng, 300 đào tạo may, 200 lao động phổ thông). Được biết, công ty này chuyên sản xuất trang phục lót và đồ thể thao, đóng ở Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh mới đi vào hoạt động khoảng 2 năm, nay tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất nên cần tuyển nhiều lao động.

Ngoài ra có Công ty Poong in Hàn Quốc, chuyên may áo quần xuất khẩu, đóng ở Cụm công nghiệp Đông Ái Tử, huyện Triệu Phong tham gia sàn giao dịch để tìm hiểu về thị trường lao động ngành may trên địa bàn tỉnh. Dự kiến công ty này cũng có nhu cầu tuyển dụng mới hàng ngàn công nhân khi đi vào hoạt động.

Theo chị Phạm Thị Quỳnh Mai, chuyên viên phụ trách Sàn giao dịch việc làm Quảng Trị, xuất phát từ nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp ngành may trên địa bàn tỉnh rất cao nên trung tâm mở sàn giao dịch chuyên đề này để kết nối cung cầu.

Trung tâm đã thông báo rộng rãi thông tin về sàn giao dịch việc làm chuyên đề này qua website vieclamquangtri.com.vn và Fanpage Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị nhưng số lượng người lao động đến đăng ký dự tuyển tại sàn rất ít, chỉ khoảng 20 - 30 người.

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có trên 10 doanh nghiệp may đang hoạt động với trên 5.000 lao động. Ngoài ra còn có trên 50 cơ sở may gia công với trên 1.200 lao động. Từ đầu năm 2024, trong xu thế hồi phục của nền kinh tế, ngành may mặc của Quảng Trị cũng khởi sắc, nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất nên nhu cầu tuyển dụng cao.

Đơn cử như tại Công ty May Hòa Thọ - Đông Hà, từ giữa quý II/2024 đến nay, không khí làm việc tại các xưởng sản xuất luôn tất bật, bận rộn. 1.200 công nhân của công ty làm việc hết công suất để hoàn thành sản phẩm cho 2 đơn hàng lớn xuất khẩu đi thị trường Hoa Kỳ.

Theo ông Hoàng Quảng Trung, Chủ tịch Công đoàn Công ty May Hòa Thọ - Đông Hà, từ giữa quý II đến nay, công ty luôn có những đơn hàng lớn, thời gian sản xuất mỗi đơn từ 6 -7 tháng. Hiện đơn hàng của công ty đã ký đến giữa quý II/2025. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của công ty hiện nay là nhân lực sản xuất.

Từ đầu năm đến nay, Công ty May Hòa Thọ - Đông Hà tuyển mới được 100 người nhưng công nhân xin nghỉ việc cũng gần tương đương với số lao động tuyển mới nên chỉ đủ bù số lượng qua lại. Hiện Công ty May Hòa Thọ - Đông Hà cần tuyển 200 công nhân may, 5 kỹ thuật rải chuyền, 5 tổ trưởng, tổ phó, 1 công nhân vận hành lò hơi, 5 nhân viên chạy máy lập trình.

Theo ông Trung, thời gian gần đây, xu hướng lao động ngành may mặc có tay nghề tự tách riêng để thành lập các tổ, nhóm sản xuất nhận may gia công ở nhà nhằm tận dụng nguồn lao động nhàn rỗi ở địa phương tăng; nhiều lao động cũng có xu hướng muốn làm việc tự do... nên xin nghỉ việc ở công ty để ra làm ngoài.

Trong khi lực lượng lao động trẻ trên địa bàn tỉnh đi làm ngoại tỉnh, đi nước ngoài lao động theo hợp đồng cũng nhiều nên nguồn lao động tại chỗ rất hạn hẹp cho doanh nghiệp tuyển dụng.

Những năm gần đây, nhờ môi trường đầu tư được cải thiện, các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh phát huy được hiệu quả nên Quảng Trị thu hút các nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp may mặc có nhu cầu sử dụng nhiều lao động.

Tuy nhiên thực tế hiện nay, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh bão hòa, ổn định nên nhu cầu tìm việc làm của người lao động thấp hơn so với trước. Để đảm bảo nguồn lao động cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, ngành chức năng của tỉnh cần rà soát, có kế hoạch dự báo về nhu cầu, thị trường lao động cũng như hoàn thiện các thiết chế phụ trợ như triển khai các dự án nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm đảm bảo điều kiện sống, sinh hoạt thu hút người lao động từ các địa phương đến làm việc tập trung.

Doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch cụ thể và phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng trong tư vấn, đào tạo nghề cho người lao động; cập nhật nhu cầu, thông tin tuyển dụng và thông báo rộng rãi trong cộng đồng dân cư, nhất là địa bàn vùng sâu vùng xa để người lao động dễ dàng nắm bắt các thông tin.

Doanh nghiệp cũng cần xem xét thay đổi phương thức sản xuất hướng đến sản xuất xanh, tiết kiệm sức lao động, đào tạo lại hoặc đào tạo tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề, hiệu suất làm việc cho lao động. Có chính sách đãi ngộ tốt để ổn định lực lượng lao động hiện có và thu hút thêm lao động mới.

Bên cạnh việc cải thiện thu nhập, doanh nghiệp nên hỗ trợ thêm tiền tăng ca, thưởng, đảm bảo các chế độ lao động để khuyến khích, động viên người lao động yên tâm gắn bó với công việc.

Thủy Ngọc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/doanh-nghiep-nganh-may-do-mat-tim-lao-dong-189413.htm