Doanh nghiệp nhỏ của Mỹ vẫn đối mặt với nhiều 'nút thắt'

Các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ đang phải đối mặt với nút thắt trong chuỗi cung ứng, thiếu lao động, quy định nghiêm ngặt của chính phủ và hơn bao giờ hết là vấn đề lạm phát.

Một doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ. Ảnh: AFP

Một doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ. Ảnh: AFP

Giới phân tích nhận định, đằng sau số liệu tích cực của thị trường việc làm Mỹ, các doanh nghiệp nhỏ vẫn đang phải đối mặt với một “cơn bão hoàn hảo”, với nút thắt trong chuỗi cung ứng, thiếu lao động, quy định nghiêm ngặt của chính phủ và hơn bao giờ hết là vấn đề lạm phát.

Báo cáo việc làm được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 8/7 cho thấy nền kinh tế đã có thêm 372.000 việc làm vào tháng Sáu, cao hơn mức 268.000 việc làm do giới chuyên gia dự báo. Mức tăng lớn hơn dự kiến của tháng Sáu đã thúc đẩy nền kinh tế tiến gần hơn đến việc phục hồi tất cả số việc làm bị mất đi trong đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ổn định ở mức thấp trong nhiều năm là 3,6%.

Tăng trưởng việc làm của Mỹ cao hơn dự kiến trong tháng Sáu với tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở gần mức thấp trước đại dịch là những dấu hiệu của một thị trường lao động “khỏe mạnh”. Đây thường được coi là tin tốt cho nền kinh tế, là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp đang phát triển, số lượng việc làm dồi dào, người lao động có tiền lương để chi tiêu mua sắm, từ đó dẫn đến tăng trưởng của hoạt động kinh tế và việc làm. Đó là cái mà các nhà kinh tế học gọi là chu kỳ tăng trưởng lý tưởng.

Tuy nhiên, tăng trưởng việc làm của Mỹ hiện nay lại đi kèm với số người tham gia lực lượng lao động tương đối thấp (62,2% so với mức trước đại dịch là 63,5%) và thị trường lao động thắt chặt. Do đó, các điều kiện này gây ra tình trạng thiếu lao động, khiến các doanh nghiệp khó tuyển dụng và giữ chân người lao động. Tình huống này đặc biệt khó khăn với các doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong các thị trường cạnh tranh. Ví dụ, một số nhà hàng phải giảm thời gian mở cửa vì họ không tìm đủ nhân viên.

Andrew Duffy, Giám đốc điều hành nền tảng phát triển doanh nghiệp SparkPlug, nhận định: “Trong khi một số doanh nghiệp đang gặt hái được nhiều thành công trong quá trình trở lại bình thường, thì vẫn có những doanh nghiệp khác vẫn đang vật lộn để tìm chỗ đứng của họ”.

Một thị trường lao động cạnh tranh với cầu nhiều hơn cung sẽ có lợi cho người lao động. Họ có thể nhận được mức lương cao hơn khi các công ty phải cạnh tranh với nhau để đưa ra các điều kiện và mức lương hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, điều này lại rất bất lợi cho các doanh nghiệp nhỏ, vốn không có tài chính dồi dào để tăng lương cho nhân viên so với các công ty lớn hơn, cũng như họ không có nguồn lực để đầu tư thỏa đáng vào việc thuê và đào tạo nhân viên mới.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ cũng phải đối mặt với một loạt các quy định của chính quyền địa phương và quy định tăng lương tối thiểu, tất cả đều làm tăng chi phí kinh doanh. Bên cạnh đó, sự gián đoạn nguồn cung và chi phí nguyên vật liệu gia tăng làm phức tạp thêm “cơn bão hoàn hảo” mà các công ty nhỏ phải đối mặt.

Trước áp lực của lạm phát, một số nhà sản xuất hàng hóa và dịch vụ bắt đầu chuyển một phần chi phí sang cho người tiêu dùng. Nhưng với tính chất cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ, lựa chọn này có thể khá khó khăn và thậm chí một số công ty có thể không trụ nổi trong giai đoạn khó khăn này.

Theo Rod Robertson, người sáng lập của công ty tư vấn Briggs Capital, các doanh nghiệp nhỏ đang phải “đau đầu” với ba vấn đề, đó là lạm phát, nguồn cung thiếu ổn định và thiếu lao động. Các khoản hỗ trợ của chính phủ giúp doanh nghiệp tồn tại trong giai đoạn đại dịch đã không còn nữa, và các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng 70% người lao động đang chứng kiến nguồn tài chính cạn kiệt.

James Neave, người đứng đầu bộ phận khoa học dữ liệu tại công ty cung cấp dịch vụ tìm việc Adzuna, nhận định: “Thị trường lao động thắt chặt và tình trạng thiếu nhân viên là những yếu tố quan trọng khiến lạm phát tăng. Trên khắp đất nước, tình trạng thiếu lao động vẫn đang gây ra tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng. Các công ty không tìm được nhân viên đáp ứng nhu cầu có thể sẽ tiếp tục tuyển dụng, ngay cả khi giá cả tăng và Cục Dự trữ liên bang (Fed) tăng lãi suất".

Tuy nhiên, Cody Harker, Trưởng bộ phận Dữ liệu và Thông tin chi tiết từ công ty quảng cáo Bayard, lại cho rằng: “Mặc dù báo cáo việc làm của tháng Sáu vượt trên mong đợi, nhưng thị trường lao động đã hạ nhiệt so với những tháng trước. Các nhà tuyển dụng đang gỡ bỏ hoặc đăng ít thông tin việc làm hơn do lo ngại suy thoái kinh tế. Đồng thời, những người tìm việc vẫn đang tích cực tìm kiếm các cơ hội mới, với mức lương và triển vọng nghề nghiệp vẫn được quan tâm hàng đầu do lạm phát cao và họ mong muốn có được một công việc trước nguy cơ nền kinh tế rơi vào suy thoái”.

Mai Ly (Theo IBTimes)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-nho-cua-my-van-doi-mat-voi-nhieu-nut-that/250557.html