Doanh nghiệp nỗ lực tìm nguồn nguyên liệu mới

Dịch Covid-19 đang gây nhiều tác động xấu tới nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, một trong số đó là thiếu nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Theo đó, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang phải tìm nguồn nguyên liệu mới.

Nỗi lo thiếu nguyên liệu sản xuất

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là 253,51 tỷ USD, riêng nhập từ thị trường Trung Quốc là 75,3 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2018. Trong đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc phục vụ cho sản xuất công nghiệp đạt 14,9 tỷ USD, tăng 28% so với năm trước; nhóm hàng bông, xơ sợi dệt, vải, nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày… nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc với trị giá 11,52 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2018. Trong năm 2019, Trung Quốc cũng là thị trường chính cung cấp điện thoại các loại và linh kiện; chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm; sắt, thép, hóa chất và sản phẩm cho Việt Nam. Số liệu trên cho thấy, một số ngành hàng sản xuất của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng lớn từ nguồn nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc. Chính vì vậy, DN Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực về nguồn nguyên phụ liệu khi nhiều nhà máy sản xuất của Trung Quốc phải đóng cửa vì dịch bệnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, các DN của Việt Nam vẫn còn một lượng nguyên liệu tồn kho nhất định từ trước Tết. Tuy nhiên, lượng tồn kho này cũng chỉ đủ bảo đảm trong khoảng thời gian ngắn nếu như không có nguồn nguyên liệu thay thế.

Dệt may là ngành chịu tác động lớn từ dịch Covid-19. Theo Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm: Các DN dệt may thường chuẩn bị nguyên liệu sản xuất cho cả quý I từ trước Tết. Do vậy, nhiều DN chỉ đủ nguyên phụ liệu để tổ chức sản xuất đến tháng 3 năm nay. Các DN đang rất lo lắng vì phần lớn nguyên phụ liệu của ngành dệt may phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nói về tình hình của DN, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho hay, với diễn biến của dịch Covid-19, nguồn cung nguyên phụ liệu phục vụ xuất khẩu cho những đơn hàng cuối tháng 3, đầu tháng 4 sẽ bị ảnh hưởng.

Dệt may là một trong những ngành chịu tác động lớn từ dịch Covid-19. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty May 10. Ảnh: MINH ĐỨC.

Dệt may là một trong những ngành chịu tác động lớn từ dịch Covid-19. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty May 10. Ảnh: MINH ĐỨC.

Các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cao su, nhựa cũng chịu tác động lớn. Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su-Nhựa TP Hồ Chí Minh cho biết, đa phần DN ngành này chỉ đủ nguyên liệu để sản xuất đến giữa tháng 3 hoặc đầu tháng 4. Nếu sau thời điểm này, nguyên liệu mới không về kịp sẽ xảy ra nguy cơ nhiều nhà máy phải đóng cửa. Cùng lo lắng về nguy cơ thiếu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, đại diện Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, bà Đỗ Thị Thúy Hương nhận định: "Nếu không tìm được nguyên liệu thay thế, chỉ 1-2 tháng nữa sẽ nhìn thấy rất rõ tác động của dịch bệnh. Nguy cơ dừng sản xuất rất nhiều, việc trả lương cho người lao động, cộng thêm chi phí duy tu bảo dưỡng máy móc cũng là khoản lớn".

Khẩn trương tìm nguồn thay thế

Bộ Công Thương hiện đã triển khai nhiều phương án để hỗ trợ DN, mặt khác, khuyến khích DN tích cực, chủ động tìm kiếm các nguồn nguyên liệu từ những thị trường khác, tránh phụ thuộc vào một thị trường cụ thể. Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải cho biết, Bộ Công Thương đã lường trước khả năng nguồn cung từ Trung Quốc bị ảnh hưởng nên đã có chỉ đạo toàn bộ hệ thống thương vụ cùng vào cuộc tìm nguồn nguyên liệu thay thế cho các ngành, như: Dệt may, da giày… Cùng với đó, trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Bộ Công Thương cũng sẽ có thay đổi kịp thời nhằm tìm kiếm thị trường mới. Bước đầu, Bộ Công Thương xác định những thị trường, như: Ấn Độ, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, EU... có nguồn nguyên liệu khả thi để các DN Việt Nam tiếp cận. “Tuy nhiên, để có thể khớp được vào với các DN thì cũng cần có thời gian. Do đó, để các nguồn nguyên liệu thay thế có thể thực sự đi vào sản xuất, đòi hỏi các DN phải có sự tiếp cận, trao đổi, đàm phán”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, việc thay thế nguồn cung nguyên phụ liệu từ các thị trường khác thay vì nhập khẩu từ Trung Quốc cũng đã được các DN tính đến, nhưng điều này đòi hỏi thời gian và chi phí sẽ tăng cao. Bởi so sánh lợi thế về đơn giá, nguyên liệu Trung Quốc luôn thấp hơn so với các nước khác, nên khi thay thế sẽ ảnh hưởng tới vấn đề cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Chính vì vậy, theo ông Trương Văn Cẩm, để bảo đảm duy trì sản xuất, kinh doanh, các DN cần tập trung khai thác nguồn nguyên phụ liệu trong nước. Cùng với đó, cần nỗ lực tìm thị trường nhập khẩu mới, song DN rất cần phải có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Nhà nước. Một số khó khăn mà DN đang cần sự tiếp sức như có nguồn vay ưu đãi, các gói hỗ trợ để tiếp cận công nghệ mới, những chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ. Hay việc hỗ trợ đầu ra từ các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia của Chính phủ cần thiết thực, thay vì chỉ dừng lại ở khâu quảng bá, hỗ trợ kết nối, thông tin tổng quan.

Dịch Covid-19 đã làm lộ ra thực tế nhiều ngành sản xuất của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Điều này cũng cho thấy, dù đã có rất nhiều hành động thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển nhưng hiệu quả vẫn chưa được như kỳ vọng. Tình trạng thiếu đồng bộ trong cung ứng nguyên phụ liệu đang trở thành nút thắt của nhiều ngành hàng, khiến giá trị gia tăng chưa tương xứng với năng lực sản xuất của các DN. Hơn bao giờ hết, Việt Nam cần có giải pháp hành động quyết liệt hơn trong việc xây dựng kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ những ngành xuất khẩu chủ lực. Nếu chậm trễ, nhiều ngành sẽ chịu bất ổn, rủi ro lớn trước những biến động khó lường của thị trường, nhất là từ thị trường Trung Quốc.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/doanh-nghiep-no-luc-tim-nguon-nguyen-lieu-moi-611095