Doanh nghiệp trước CPTPP - ứng phó và vượt qua thử thách

Tận dụng được CPTPP đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải chủ động từ A đến Z: từ khâu tìm hiểu sâu và kỹ về Hiệp định, cho tới thay đổi tư duy kinh doanh để phát triển vững chắc, tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp, thậm chí là chủ động tiếp cận các vụ kiện quốc tế để học hỏi kinh nghiệm.

11 nước tham gia ký kết HIệp định CPTPP tại Chile. Nguồn: Internet.

Ngày 9/3, lễ ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã diễn ra tại thủ đô Santiago de Chile. "Một ngày vĩ đại của nền thương mại tiến bộ trên thế giới" (theo cách gọi của Thủ tướng Canada Justin Trudeau) đã tới, chính thức hình thành khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10,1 nghìn tỷ USD, chiếm 13,5% GDP toàn cầu.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt chào đón cơ hội được tiếp cận và tăng cường tiếp cận thị trường xuất khẩu của 10 nước thành viên CPTPP; đồng thời, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các nước tham gia Hiệp định vào Việt Nam.

Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang phải đối diện với rất nhiều thử thách cần ứng phó và vượt qua.

Hành trang hội nhập "nghèo nàn"

Thực trạng đáng lo ngại mà Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit, ông Nguyễn Lâm Viên vừa đưa ra là: Doanh nghiệp nắm bắt chính sách rất yếu. Trước CPTPP, Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại với nhiều quốc gia, khu vực kinh tế. Chính phủ quyết liệt hội nhập nhưng chưa trang bị đủ "vốn" cho doanh nghiệp - những người trực tiếp tham gia sân chơi hội nhập. Đa số doanh nghiệp Việt không xuất khẩu trực tiếp mà gia công hoặc xuất qua bên thứ 3 nên ít tìm hiểu, chủ động ứng phó những tiêu chuẩn mà các FTA đưa ra. Doanh nghiệp Việt chưa được hưởng lợi gì từ hội nhập đã phải "toát mồ hôi" canh tranh giữ thị trường nội địa.

"Hành trang" hội nhập của doanh nghiệp nghèo nàn. Nguồn: Internet.

"Hành trang" hội nhập của doanh nghiệp nghèo nàn, trong khi các cam kết thuộc CPTPP lại phức tạp hơn rất nhiều so với các cam kết FTA thông thường có thể khiến doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu hết chỉ làm gia công và đứng nhìn các doanh nghiệp FDI hưởng lợi.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sưa không khỏi lo lắng: Gia nhập CPTPP, Việt Nam phải chấp nhận cuộc chơi, mà ở ngành cơ khí thì Việt Nam bị xem là yếu thế hơn. Khó khăn, tác động tiêu cực sẽ là nhiều hơn do sự cạnh tranh quyết liệt từ các nước. Nếu không kết hợp với các nước để tận dụng công nghệ, quản lý và thị trường để tham gia vào chuỗi giá trị của họ, doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam chỉ có thể tiếp tục làm gia công cho các nước phát triển.

Trăn trở của ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần May Garmex Sài Gòn đang là nỗi niềm của ngành dệt may Việt: Tham gia CPTPP buộc ngành dệt may phải thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Trong khi, đầu tư vào khâu nguyên liệu như dệt, sợi, nhuộm… cần lượng vốn rất lớn, từng doanh nghiệp không thể đáp ứng. Nếu các bộ, ngành, cơ quan quản lý không hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển, trong vài năm tới, lợi thế từ CPTPP có thể chỉ thuộc về các doanh nghiệp FDI.

Cùng với dệt may, ngành chăn nuôi nội địa cũng đối mặt với nguy cơ phơi “cờ trắng” cho doanh nghiệp FDI hưởng lợi. Những hàng rào kỹ thuật cao mà các thị trường khó tính như Nhật, Australia, New Zeland, Singgapore thiết lập khiến cho doanh nghiệp chăn nuôi Việt vốn đang rất manh mún sẽ khó kết nối được với chuỗi lợi nhuận trong CPTPP.

Chủ động phải từ A đến Z

Lãnh đạo Bộ Công Thương và giới phân tích kinh tế đều đã nhấn mạnh: Nếu không tận dụng được CPTPP, doanh nghiệp không chỉ lãng phí lợi ích to lớn mà còn phải gánh thiệt hại nặng nề như đối mặt với các biện pháp trừng phạt có liên quan tới việc thực thi các cam kết.

Doanh nghiệp Việt phải thay đổi tư duy kinh doanh để hưởng lợi từ CPTPP. Nguồn: Internet.

Tận dụng được CPTPP đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải chủ động từ A đến Z: từ khâu tìm hiểu sâu và kỹ về Hiệp định, cho tới thay đổi tư duy kinh doanh để phát triển vững chắc, tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp, thậm chí là chủ động tiếp cận các vụ kiện quốc tế để học hỏi kinh nghiệm.

Theo đó, doanh nghiệp phải hiểu biết kỹ hơn về hội nhập kinh tế thương mại thông qua việc tìm hiểu thông tin về CPTPP. Trước hết là những thông tin mang tính bao quát nhất, sau đó là thông tin về cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.

Cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Kế hoạch kinh doanh phải được thiết lập và điều chỉnh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng.

Chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Qua đó, tạo cơ hội tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp cần một thể chế chính sách hoàn thiện hơn, đặc biệt là sự giúp đỡ của Nhà nước trong thông tin, xúc tiến thương mại để doanh nghiệp có thể tham gia thành công vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giống như cách ví von của ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam: Doanh nghiệp là 1 cỗ xe, thể chế là con đường. Con đường nhỏ, gập ghềnh thì có mua Rolls Royce cũng chỉ chạy ngang bằng Matiz. Nhưng ngay cả khi pháp chế tốt rồi mà người vận hành không tốt, con đường dày đặc barie thì doanh nghiệp sẽ mua Matiz chứ không mua Rolls Royce.

Minh Hoa

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/doanh-nhan-doanh-nghiep/doanh-nghiep-truoc-cptpp-ung-pho-va-vuot-qua-thu-thach-1056.html