Doanh nghiệp vẫn thụ động trước biến đổi khí hậu

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa hành động chủ động đối phó với biến đổi khí hậu, bất chấp những rủi ro ngày càng lớn do thiên tai, dẫn đến thiệt hại nặng nề về kinh tế và xã hội.

“Tới 99% doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp lớn, chỉ phản ứng một chiều với biến đổi khí hậu,” bà Hà Thu Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam (VAWE), cho biết tại diễn đàn Nữ Doanh nhân mùa thu 2024.

Báo cáo “Thích ứng để thành công - đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với doanh nghiệp Việt Nam” cho thấy 54% doanh nghiệp Việt Nam đã gặp gián đoạn sản xuất do thiên tai, trong khi 51% bị giảm năng suất và doanh thu do thời tiết khắc nghiệt.

Mặc dù vậy, chỉ 56% doanh nghiệp nhận thấy cơ hội tái cơ cấu sản xuất trong bối cảnh rủi ro gia tăng.

Việt Nam, với đường bờ biển dài 3.260 km, được coi là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.

TS. Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng và thủy văn từng chỉ ra nếu mực nước biển dâng cao 1 mét, khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long và 10% diện tích đồng bằng sông Hồng sẽ bị nhấn chìm, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của 20 - 30 triệu người dân.

Trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn... đã gây ra những thiệt hại đáng kể, cướp đi sinh mạng của hơn 9.500 người và gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 1,5% GDP/năm.

Ngập lụt ở Hà Nội sau bão số 3. Ảnh: Hoàng Anh.

Ngập lụt ở Hà Nội sau bão số 3. Ảnh: Hoàng Anh.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng phát triển bền vững phải dựa trên sự cân bằng giữa kinh tế, môi trường và công bằng xã hội. Việt Nam cần đầu tư vào năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng phục hồi và giảm phát thải để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Bộ Công thương đặt mục tiêu đóng góp vào mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP26, đến năm 2030 giảm 30-40% phát thải khí nhà kính so với kịch bản của ngành năng lượng, 100% các cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn ưu tiên lợi nhuận ngắn hạn, thiếu đầu tư vào kinh tế tuần hoàn và chưa am hiểu đầy đủ về kiểm kê khí nhà kính, khiến việc thực hiện các cam kết về môi trường gặp khó khăn.

Để thực hiện mục tiêu bền vững, doanh nghiệp cần lập kế hoạch nguồn lực, kiểm kê và giảm phát thải, đồng thời tăng cường minh bạch với các bên liên quan.

“Ba yếu tố cốt lõi của phát triển bền vững là kinh tế, môi trường và công bằng. Đảm bảo lợi nhuận cần đi đôi với trách nhiệm xã hội và bảo vệ tài nguyên,” bà Thanh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để nền kinh tế đạt được sự bền vững, cần hướng đến một lối sống tiết kiệm năng lượng, nước và giấy, thay đổi thói quen tiêu dùng, sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả.

Ngọc Hân

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/doanh-nghiep-van-thu-dong-truoc-bien-doi-khi-hau-d37555.html