Doanh nghiệp Việt trước nguy cơ 'cuộc chiến thép' của Mỹ

Doanh nghiệp Việt cần có đại diện thương mại làm cơ quan tư vấn, hỗ trợ trong việc hoàn thiện các quy trình, thủ tục liên quan nếu có bất cứ vấn đề gì xảy ra trước nguy cơ về 'cuộc chiến thép' của Mỹ.

Sản phẩm thép cán nguội và tôn mạ của Việt Nam. Nguồn: Internet.

Từ 11-14/4, Tổng thống Trump sẽ đưa ra quyết định về đề xuất của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross về việc Mỹ cần áp mức thuế đối với tất cả sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu, cao hơn mức thuế áp vào các mặt hàng nhập khẩu từ những quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.

Giới chuyên gia quốc tế nhận định, đề xuất trên của ông Wilbur Ross xuất phát từ tình trạng sản lượng cung toàn cầu của thép và nhôm đã vượt quá cầu. Lượng thép và nhôm nhập khẩu đã khiến ngành công nghiệp nội địa tương ứng của Mỹ mất thị trường và mất lao động, dẫn đến mất cân bằng thương mại.

Việc tăng thuế đối mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu sẽ giúp Mỹ tăng lượng sản xuất nhôm, thép lên tới 80%. Hiện công suất sản xuất thép và nhôm của Mỹ lần lượt đạt 73% và 48%.

Cùng với đó, Mỹ có thể tăng giá đối với các vật liệu được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp lớn khác của mình như sản xuất ô tô, tiêu dùng, xây dựng cho đến chế tạo máy bay.

Nếu 1 trong 3 phương án đề xuất của Bộ trưởng Thương mại Mỹ được Tổng thống Trump thông qua, các doanh nghiệp xuất khẩu nhôm, thép của Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ chịu tác động không nhỏ, khi mà Việt Nam đang đứng thứ 12 trong số 20 nguồn thép nhập khẩu lớn nhất của Mỹ và đứng thứ ba sau Canada và Mexico về sản lượng nhôm thuộc hạng mục thanh, que và hình xuất khẩu sang Mỹ, theo thống kê của Bộ Thương mại Mỹ vừa đưa ra.

Trước rào cản thương mại luôn tiềm ẩn từ thị trường áp dụng nhiều luật lệ khắt khe nhất là Mỹ, các chuyên gia khuyến cáo trước tiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tiếp tục thay đổi để bứt phá.

Đó là nỗ lực hơn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi tư duy xuất khẩu, chú trọng vào chất lượng xuất khẩu thay vì sản lượng để từ đó nâng cao tính cạnh tranh.

Đặc biệt, cần có đại diện thương mại làm cơ quan tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc hoàn thiện các quy trình, thủ tục liên quan nếu có bất cứ vấn đề gì xảy ra, trong đó có việc chứng minh về nguồn gốc nội địa các sản phẩm nhôm, thép (luyện và gia công tại Việt Nam) và chứng minh sản phẩm nhôm, thép của Việt Nam có giá thành rất cạnh tranh, tuân thủ theo các điều kiện thị trường.

Minh Hoa

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/doanh-nhan-doanh-nghiep/doanh-nghiep-viet-truoc-nguy-co-cuoc-chien-thep-cua-my-996.html