Doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn gặp khó do ảnh hưởng dịch Covid-19

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Điển hình như Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chủ yếu mặt hàng tinh bột sắn, dù đã thực hiện nhiều giải pháp duy trì hoạt động nhưng đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Để duy trì thu mua nguyên liệu cho nông dân, Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi phải huy động vốn của cán bộ công nhân viên

Để duy trì thu mua nguyên liệu cho nông dân, Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi phải huy động vốn của cán bộ công nhân viên

NDĐT- Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Điển hình như Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chủ yếu mặt hàng tinh bột sắn, dù đã thực hiện nhiều giải pháp duy trì hoạt động nhưng đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo ông Võ Văn Danh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, công ty hiện có 15 nhà máy chế biến tinh bột sắn trong và ngoài nước, với vùng nguyên liệu gần 100.000 ha. Hàng năm sản xuất từ 400.000 đến 420.000 tấn tinh bột, tổng sản lượng tiêu thụ của sắn tươi của nông dân từ 1,4 đến 1,5 triệu tấn/năm. Trong đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có hai nhà máy chế biến tinh bột sắn đóng tại huyện Sơn Tịnh và Sơn Hà, mỗi năm sản xuất khoảng 60.000 tấn tinh bột, tiêu thụ 200.000 tấn củ sắn tươi cho nông dân.

“Thị trường tiêu thụ của công ty chủ yếu là Trung Quốc, chiếm 70% sản lượng. Tuy nhiên, từ khi Trung Quốc xảy ra dịch bệnh Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty”, ông Võ Văn Danh nói, đồng thời cho biết những khó khăn mà công ty đang đối mặt: Sản xuất cầm chừng, lượng hàng tồn kho lớn, số vốn vay từ các ngân hàng thương mại đã hết hạn mức. Cụ thể, về tiêu thụ, do các cửa khẩu đường biên với Trung Quốc tạm ngừng sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 nên lượng hàng công ty chuyển giao cho khách hàng khoảng 20.000 tấn còn lênh đênh trên tàu biển và sà lan ở cảng Móng Cái; các hoạt động xuất khẩu chính ngạch bằng container sang Trung Quốc đến các cảng khác đều bị tạm dừng. Do vậy, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, sản lượng tiêu thụ chỉ khoảng 30% ở các thị trường ngoài Trung Quốc.

Sản lượng tiêu thụ sụt giảm kéo theo hoạt động sản xuất chế biến tinh bột sắn của các nhà máy thuộc Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi chỉ đạt khoảng 70% công suất, trong khi hiện tại là thời điểm chính vụ nguyên liệu. Riêng vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện còn khoảng 3.500 ha sắn chưa thu hoạch nhưng do khó khăn về vốn nên công ty chỉ có thể thu mua, sản xuất đến khoảng giữa tháng 3. Vì vậy, ngoài việc người dân tiêu thụ cho các lò sản xuất thủ công trong tỉnh thì nguy cơ có 1.000 đến 1.500 ha (khoảng 18.000 đến 25.000 tấn củ sắn tươi) không có nơi tiêu thụ và bị lỡ vụ trồng mới. Chính việc sản xuất và tiêu thụ gặp nhiều khó khăn đã đẩy lượng hàng tồn kho lên đến 80.000 tấn; dự kiến đến giữa tháng 3 có khả năng tăng lên 110.000 tấn, trong đó tại Quảng Ngãi khoảng 12.000 tấn.

Do khâu tiêu thụ bị đình trệ, lượng hàng tồn kho ngày càng tăng nên đến nay cơ số vốn vay từ các ngân hàng thương mại đã hết hạn mức. Để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi huy động tất cả các nguồn tài chính để ưu tiên mua sắn cho nông dân. “Hiện công ty phải huy động vốn của khách hàng, của cán bộ công nhân viên và đang tính đến phương án mua nợ của nông dân để duy trì sản xuất đến giữa tháng 3. Nếu sau thời gian này, tình hình dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài, công ty sẽ hết vốn và dừng sản xuất”, ông Võ Văn Danh lo lắng.

Trước tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đã có văn bản đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị các chi nhánh ngân hàng thương mại tại Quảng Ngãi, gồm BIDV, Vietcombak, Vietinbank xem xét mở rộng hạn mức vay ngắn hạn, mỗi chi nhánh ngân hàng thêm 100 tỷ đồng để công ty duy trì thu mua nguyên liệu sắn tươi cho nông dân đến hết tháng 4-2020. Đồng thời chỉ đạo UBND TP Quảng Ngãi thanh toán khoản tiền bàn giao chợ Quảng Ngãi là 23 tỷ đồng cho công ty để giảm bớt khó khăn về vốn.

Liên quan đến việc đề xuất trên, ngày 27-2, UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ngãi chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại BIDV, Vietcombak, Vietinbank tại Quảng Ngãi xem xét hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn theo nội dung kiến nghị của Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi; đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 theo Công văn số 1117/NHNH-TD ngày 24-2-2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. UBND TP Quảng Ngãi khẩn trương giải quyết khoản tiền bàn giao chợ Quảng Ngãi cho Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi.

HIỀN CỪ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/43438702-doanh-nghiep-xuat-khau-tinh-bot-san-gap-kho-do-anh-huong-dich-covid-19.html