Doanh nghiệp xuất, nhập khẩu gặp khó khăn vì 'một cửa nửa vời'

Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu kêu khó vì vẫn phải chạy khắp nơi nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành hay thanh toán các khoản phí cho hải quan mặc dù có cổng thông tin một cửa quốc gia.

Ngày 17/5, Tổng cục Hải quan phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo tham vấn dự thảo Nghị định quy định thực hiện thủ tục hải quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK (gọi tắt là Nghị định Cơ chế một cửa quốc gia).

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Công Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nêu rõ, cải cách thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất nhập khẩu là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong những năm gần đây.

Nghị quyết 19 năm 2018 về cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã yêu cầu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành ở công đoạn thông quan từ 25-27% hiện nay xuống dưới 10%. Dù đã đạt được những thành tựu đáng kể trong cải cách thủ tục hành chính, nhưng theo Báo cáo chỉ số kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc trong việc tuân thủ các thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Ông cho biết thêm, Hiệp định về thành lập và thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN đã được các nước thành viên ký kết và phê duyệt Nghị định thư về xây dựng và thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN. Cơ chế một cửa quốc gia chính thức triển khai từ tháng 11/2014, đến nay đã kết nối với 11 bộ, ngành/14 bộ, ngành và đã có 47 thủ tục hành chính được triển khai trên cơ chế một cửa quốc gia.

Ông Nguyễn Công Bình: Hiện tại chỉ có 47/245 tổng số thủ tục hành chính được triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia. (Ảnh: DNVN/My Anh)

Ông Nguyễn Công Bình: Hiện tại chỉ có 47/245 tổng số thủ tục hành chính được triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia. (Ảnh: DNVN/My Anh)

Tuy nhiên, theo ông Bình, số thủ tục hành chính được triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia chưa nhiều (47/245 tổng số thủ tục hành chính) và tồn tại những chồng chéo, bất cập do quy định trong văn bản pháp luật được xây dựng theo phương thức thủ công truyền thống, thiếu sự phối hợp, liên kết giữa các thủ tục hành chính liên quan đến nhau dẫn đến còn nhiều yêu cầu về thông tin chứng từ không cần thiết.

Vì vậy, để xây dựng dự thảo Nghị định Cơ chế một cửa quốc gia, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Công Bình cho biết, Tổng cục Hải quan đã tiến hành đánh giá quá trình triển khai thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, rà soát quy định của Hiệp định thành lập và thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN, Nghị định thư về xây dựng và thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN, Nghị định thư về khung pháp lý thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN, rà soát các quy định pháp luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK làm cơ sở xây dựng nội dung dự thảo.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp cũng đã nêu ra vấn đề cổng thông tin một cửa quốc gia thì có nhưng để được thông quan trên cổng này, doanh nghiệp vẫn phải chạy khắp nơi nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành hay thanh toán các khoản phí.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: DNVN/My Anh)

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: DNVN/My Anh)

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính) cho rằng, một trong những vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao tại dự thảo là quy định rõ ràng hơn về chức năng, nhiệm vụ của các bên liên quan khi tham gia cổng thông tin một cửa quốc gia.

Tuy nhiên, vấn đề theo bà được nhiều doanh nghiệp phản ánh là tình huống điện tử… nửa vời. Đơn cử là việc khi doanh nghiệp có kết quả kiểm tra chuyên ngành, đơn vị phải thông báo tới ngành hải quan về kết quả này, có thể phải in kết quả ra giấy hoặc gọi điện. Bà bày tỏ thắc mắc, đã có hệ thống điện tử rồi nhưng vì sao doanh nghiệp vẫn phải làm công việc như trên.

Bà cũng nêu thêm, hiện dự thảo chỉ quy định kết nối giữa cổng thông tin một cửa quốc gia và các cơ quan quản lý chuyên ngành. Từ đó, hải quan có trách nhiệm ra quyết định thông quan. Tuy nhiên, theo bà Thủy, dự thảo hiện tại không có điều khoản nào quy định về kết nối giữa cổng thông tin một cửa quốc gia và chính ngành hải quan.

“Hình dung đơn giản, ta chạy một đường dây điện cao thế nhưng phần dây kết nối cho người dân thì thiếu,” bà Thủy nói.

Từ đó, bà Thủy thể hiện mong muốn cần có quy định rõ ràng kết nối giữa các cơ quan trong đó bao gồm cả ngành hải quan để kết nối tự động giữa các cơ quan. Chỉ có như vậy, doanh nghiệp mới có thể hoàn toàn ngồi một nơi, vào cổng thông tin một cửa là giải quyết được toàn bộ vấn đề.

Cùng quan điểm với bà Thủy, ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia tư vấn Dự án GIG cho rằng, dự thảo cần quy định thêm về vấn đề cổng điện tử thì cần phải quy định bỏ chứng từ giấy, chỉ có chứng từ điện tử. Mặt khác, một số thuật ngữ trong dự thảo cũng cần phải được nêu rõ, ví dụ cơ quan giải quyết thủ tục hành chính chuyên ngành nên ghi hẳn ra là cơ quan cấp giấy phép và cơ quan kiểm tra chuyên ngành. Hệ thống xử lý chuyên ngành cần ghi rõ là hệ thống xử lý thông tin điện tử của cơ quan cấp phép và của cơ quan chuyên ngành, ông Bình cho hay.

My Anh

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chinh-sach-moi/doanh-nghiep-xuat-nhap-khau-gap-kho-khan-vi-mot-cua-nua-voi-1716.html