Độc đáo ẩm thực các vùng miền ngày tết
Tết đến, một trong những điều được nhiều người quan tâm đến thường là ẩm thực. Nói đến ẩm thực, mỗi vùng, miền đều có những nét độc đáo riêng có của mình. Có những món ăn mà chỉ đến ngày tết người ta mới làm cho những người thân thưởng thức. Dù có khác nhau về hương vị, tuy nhiên ẩm thực ngày Tết luôn là một nét độc đáo trong văn hóa các vùng miền.
Người miền Bắc từ xưa vốn có tiếng là cầu kỳ trong việc chế biến, nấu nướng và thưởng thức các món ăn vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Ngay từ đầu tháng chạp, mọi nhà đã chuẩn bị sắm sửa để lo Tết: Gạo nếp, đỗ xanh, gói bánh, nấu chè... rồi đến các loại đồ khô như măng, miến, bóng bì, nấm hương... và không nhà nào quên vại dưa hành và quả gấc chín đỏ để thổi xôi cúng tất niên vì màu đỏ tươi của gấc được coi là may mắn, đem lại mọi điều tốt lành cho cả năm.
Món ăn đặc trưng của miền Bắc trong những ngày Tết là bánh chưng. Gạo để gói bánh phải chọn nếp ngon thì bánh mới dẻo, thơm và để được lâu ngày. Tùy theo đặc điểm từng vùng có thể thêm bớt gia giảm nhân bánh, nhưng thông thường có thịt, đậu xanh, hạt tiêu. Để có được tấm bánh có màu xanh mướt, khi gói lớp trong để mặt lá xanh tiếp giáp với gạo. Sau khi luộc, người ta dùng một tấm ván đặt lên những tấm bánh để ép bánh cho chặt để khi cắt bánh dẻo, không bị nát.
Bánh chưng béo, ngậy ăn dễ ngán nên cần có thêm đĩa dưa hành muối để ăn được nhiều hơn. Để có lọ dưa hành muối ngon, hành củ tươi phải chọn loại hành tím thì mới cay và thơm. Hành củ được lột vỏ ngoài, rửa sạch, trước khi muối ngâm hành vào nước gạo vài ngày để giảm bớt độ cay.
Bên cạnh bánh chưng, dưa hành, trong dịp Tết, nhiều gia đình còn làm thêm nồi cá kho riềng. Miếng cá kho riềng thơm, thịt chắc, đậm đà ăn với bánh chưng, dưa hành thật lạ miệng, mang đậm hương vị Tết cổ truyền của người Hà Nội. Ngoài ra, người miền Bắc còn có món thịt đông ăn trong nhà ba ngày Tết, đây là món ăn dễ làm lại rất phù hợp với khí hậu lạnh.
Khác với miền Bắc, món ăn đặc trưng của người miền Trung trong dịp Tết thường là măng khô kho cuốn bánh tráng. Khi chế biến người ta phải qua nhiều lần, luộc đi luộc lại cho mềm măng. Kho măng với thịt mỡ hoặc thêm thịt vịt hoặc thịt gà nhưng phải kho thật lâu cho gia vị ngấm vào măng. Bánh tráng phải chọn loại gạo ngon, tốt nhất là gạo lức Phú Yên, dẻo mà không quá mềm hoặc quá khô, vừa đủ dày và ngọt ăn kèm măng kho.
Ở Huế, ngày Tết các gia đình thường gói bánh tét giống như ở miền Nam. Bánh tét được gói bằng lá chuối với các nguyên liệu như bánh chưng, chỉ khác là gói dài thành đòn như bó giò. Khi ăn cắt thành từng khoanh, ở giữa nhân đậu xanh và thịt mỡ nổi lên như những nhụy hoa. Tết Huế còn có một số loại bánh đặc biệt như bánh phu thê, bánh hỏi, bánh sen chấy, bánh măng, bánh dừa mặn... Ngoài những món thông thường được chế biến từ thịt gà, thịt lợn..., người Huế còn làm thêm các món chua nhẹ dễ tiêu như món nộm, dưa món làm bằng đu đủ, cà rốt, hành củ, su hào, củ cải, ớt... Cỗ Tết ở Huế còn có các món mang đặc trưng riêng không vùng nào có được là các món xà lách gân bò, chả tôm, nem bò lụi...
Nét đặc trưng nhất của ngày Tết miền Nam lại chính là lúc cả nhà quây quần chuẩn bị gói các đòn bánh tét giống như người miền Bắc gói bánh chưng ăn Tết. Bánh tét có nhiều loại: Bánh tét chay không nhân, bánh tét mặn, Bánh tét ngọt nhân làm bằng đỗ xanh xào đường…
Khi gói bánh tét, người ta dàn đều gạo nếp trên lá chuối, rải lớp đỗ xanh lên trên rồi đặt một thỏi mỡ cỡ chừng ngón tay cái người lớn dài suốt đòn bánh như một sợi bấc, xong cuộn tròn lại buộc chặt. Có như thế, thịt vừa trong, vừa đẹp để khi cắt bánh ra, thịt hòa tan vào nhân đậu xanh, ăn vừa có vị béo của thịt, vừa bùi của đậu xanh, vừa dẻo của nếp, rất thơm ngon. Khoanh bánh tét dùng chung với món thịt kho cùng trứng vịt và nước dừa, ăn kèm củ kiệu thật là đúng vị.
Với vùng nông thôn Nam bộ, bốn món ăn không thể thiếu trong ngày Tết là thịt hầm, thịt kho tàu, khổ qua (mướp đắng) nhồi thịt lợn băm, món nem và bì. Món thịt hầm bắt buộc phải là thịt bắp đùi bò, hầm cho nhừ với vài vị thuốc bắc. Thịt kho tàu phải là thịt ba chỉ thái to kho cùng dừa xiêm. Món khổ qua nhồi thịt lợn băm phải được hầm thật khéo sao cho miếng khổ qua không nát mà thịt bên trong vừa chín tới...
Nói về các món ăn cổ truyền nhân dịp Tết trên đất nước ta thật phong phú, trong những cái chung thì mỗi vùng miền lại có những nét độc đáo riêng của mâm cỗ tết. chính vì thế, ẩm thực ngày tết luôn là vấn đề quan tâm của các bà nội trợ mỗi dịp xuân về.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/doc-dao-am-thuc-cac-vung-mien-ngay-tet-86034.html