Độc đáo nhà Gươl của người Cơ Tu ở Quảng Nam

Được dựng lên bằng công sức của mọi người trong làng, nhà Gươl được người Cơ Tu coi là chốn linh thiêng, nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên. Vì thế, các buôn làng của người Cơ Tu dù giàu hay nghèo đều có nhà Gươl.

Với người Cơ Tu, nhà Gươl là loại hình kiến trúc độc đáo truyền thống có vai trò quan trọng trong cuộc sống của bà con. Nhà Gươl góp phần vào việc khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu, giúp cho các thế hệ Cơ Tu mai sau hiểu biết và kế thừa những giá trị văn hóa vật chất tinh thần của dân tộc mình.

Nhà Gươl ở làng Tà Vàng, xã A Tiêng, huyện Tây Giang, Quảng Nam

Nhà Gươl ở làng Tà Vàng, xã A Tiêng, huyện Tây Giang, Quảng Nam

Già làng Bríu Pố ở thôn Arớh, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho hay, theo phong tục từ xa xưa, người Cơ Tu khi lập làng, dựng nhà đều chọn đất. Nhà Gươl được dựng lên bằng công sức của mọi người trong làng. Với người Cơ Tu, nhà Gươl là chốn linh thiêng, nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên.

Già làng Bríu Pố cho hay, nhà Gươl là chốn linh thiêng của người Cơ Tu.

Già làng Bríu Pố cho hay, nhà Gươl là chốn linh thiêng của người Cơ Tu.

“Gươl, tiếng Cơ Tu có nghĩa là công cộng, cộng đồng. Khi đến nhà Gươl, mọi người không được cãi nhau, đánh nhau. Nhà Gươl là trung tâm sinh hoạt của cả buôn làng. Không gian nhà Gươl cũng là nơi tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của buôn làng như lễ ăn mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng Cơ Tu…”, già làng Bríu Pố nói.

Trong kiến trúc truyền thống, nhà Gươl của dân tộc Cơ Tu là nhà sàn được chống bởi cây cột cái ở giữa và 8 cây cột con ở xung quanh. Mái nhà được lợp bằng lá nón hoặc lá mây, nhìn từ xa, mái Gươl có hình dáng như trái xoài. Người Cơ Tu chạm khắc rất nhiều trên những kết cấu gỗ của nhà gươl những tác phẩm điêu khắc về những con vật (hổ, cá sấu, chim, các loài bò sát…) hay những cảnh lao động hoặc hoạt động văn hóa của họ.

Người Cơ Tu chạm khắc rất nhiều hình thù, con vật trong nhà Gươl.

Người Cơ Tu chạm khắc rất nhiều hình thù, con vật trong nhà Gươl.

Nhà Gươl còn là nơi diễn ra mọi hoạt động cộng đồng của buôn làng và cũng là nơi dân làng tụ tập trú ngụ trước những hiểm họa bất ngờ từ thiên nhiên, như bão lốc, thú dữ… Khi một người dân làng mất đi, đám ma cũng được tổ chức ở nhà Gươl.

Nhà Gươl còn là nơi diễn ra mọi hoạt động cộng đồng của buôn làng.

Nhà Gươl còn là nơi diễn ra mọi hoạt động cộng đồng của buôn làng.

Trải qua thời gian chiến tranh và sự tác động của cuộc sống hiện đại, nhiều ngôi nhà Gươl của người Cơ Tu đã xuống cấp và mất dần đi. Nhưng những năm gần đây, chính quyền, ngành văn hóa tỉnh Quảng Nam có nhiều nỗ lực trong việc khôi phục nhà Gươl Cơ Tu, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống.

Để gìn giữ bản sắc văn hóa, người Cơ Tu ở 10 xã thuộc huyện Tây Giang đã tham gia đóng góp công sức để dựng nên Làng truyền thống Cơ Tu.

Để gìn giữ bản sắc văn hóa, người Cơ Tu ở 10 xã thuộc huyện Tây Giang đã tham gia đóng góp công sức để dựng nên Làng truyền thống Cơ Tu.

Hiện nay, hầu hết thôn người Cơ Tu ở các huyện Đông Giang, Nam Giang tỉnh Quảng Nam đều đã có nhà Gươl. Đặc biệt, trên đỉnh ngọn đồi ở trung tâm huyện Tây Giang, người Cơ Tu ở 10 xã đã tham gia đóng góp công sức để dựng nên Làng truyền thống Cơ Tu gồm 12 nhà truyền thống với 10 nhà sàn, 1 nhà Gươl, 1 nhà dài. Mỗi ngôi nhà sàn đại diện cho một xã. Nét kiến trúc và trang trí mỗi nhà tuy có đôi chút khác nhau, nhưng đều mang đậm sắc thái của cư dân Cơ Tu phân bố theo vùng cao, vùng trung và vùng thấp.

Một góc Làng truyền thống Cơ Tu ở Tây Giang.

Một góc Làng truyền thống Cơ Tu ở Tây Giang.

H.Chi

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/doc-dao-nha-guol-cua-nguoi-co-tu-o-quang-nam-i702699/