Độc đáo tượng nữ thần bằng đá sa thạch, nặng 200kg tại Bình Định
Phù điêu nữ thần Sarasvati được người dân phát hiện trong quá trình khai thác đất tại khu phế tích tháp Châu Thành (thị xã An Nhơn, Bình Định), vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia.
Phù điêu nữ thần Sarasvati hiện vẫn còn khá nguyên vẹn, được đặt tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh Bình Định, bên cạnh 5 bức phù điêu khác đã được Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia.
Nữ thần Sarasvati được tạc trên 1 bức phù điêu bằng đá sa thạch dày 26cm, cao 80cm, rộng 60cm, nặng 200kg. Vị nữ thần được tạc khắc nổi trong hình vòm cung đầu nhọn hình lá nhĩ, có 3 đầu, 4 tay. Nữ thần đang ngồi trên tòa sen thân hình uốn trong tư thế múa, cả 3 đầu nghiêng về bên trái…
Theo Thần thoại Ấn Độ, Sarasvati là vị nữ thần trong đạo Hindu (nữ thần Devi), thần của tri thức, âm nhạc, nghệ thuật và thiên nhiên. Bà là một trong ba vị thần nữ cùng hỗ trợ các Nam thần là Brahma (thần của sáng tạo), Vishnu (thần bảo hộ, duy trì sự sống) và Shiva (thần hủy diệt) trong sự sáng tạo, duy trì sự sống và sự hủy diệt của vũ trụ.
Nữ thần thường được miêu tả là một người phụ nữ xinh đẹp mặc đồ trắng tinh khiết, thường ngồi trên một bông sen trắng, tượng trưng cho ánh sáng, kiến thức và sự thật. Sarasvati là vợ thần Brahma, có thuyết kể bà được sinh ra từ biển, cũng có thuyết kể bà được sinh ra từ chính tâm tưởng của thần Brahma.
Theo tài liệu của Bảo tàng Bình Định, bức phù điêu nữ thần Sarasvati trên được phát hiện cách đây 33 năm. Một số người dân sống gần khu vực phế tích tháp Châu Thành (nay thuộc phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn) trong quá trình khai thác đào đất canh tác đã phát hiện bức tượng và báo với nhà chức trách.
Phế tích tháp Châu Thành có tục danh gọi là Gò Tháp Gãy, nằm cách thành Đồ Bàn (hay Thành Hoàng Đế) khoảng 1km theo đường chim bay. Đầu thế kỷ XX, khu phế tích tháp Chăm này được Henri Parmentier đưa vào công trình “thống kê, khảo tả các di tích Chàm tại Trung Kỳ.
Khu phế tích có tổng diện tích khoảng 25.000m2, được Bảo tàng Bình Định đưa vào danh mục các phế tích Champa Bình Định vào năm 1987. Qua các dấu vết để lại cho thấy, khu phế tích này từng tồn tại một quần thể gồm nhiều kiến trúc đền tháp Champa với quy mô lớn.
Một đại diện Bảo tàng Bình Định cho biết, hiện tại bảo tàng này có 5 bức phù điêu đã được công nhận Bảo vật Quốc gia và có khoảng 10.000 hiện vật Champa đang được lưu giữ, trưng bày…