Đối đầu Iran - Israel: Leo thang trả đũa hay kiềm chế?

Căng thẳng giữa Iran và Israel tiếp tục leo thang với các cuộc tấn công trả đũa được thực hiện thận trọng nhằm tránh chiến tranh toàn diện, trong khi Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc kiềm chế tình hình. Sự tính toán từ cả hai phía cho thấy những dấu hiệu 'trả đũa có tính toán' nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát.

Tên lửa Iran được phóng trong một cuộc diễn tập quân sự ở miền Nam nước này ngày 19/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Tên lửa Iran được phóng trong một cuộc diễn tập quân sự ở miền Nam nước này ngày 19/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Nhật báo Sabah (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 4/11, những diễn biến gần đây giữa Iran và Israel cho thấy một kịch bản đặc biệt: các cuộc tấn công dường như được "dàn dựng" một cách cẩn thận để tránh leo thang thành xung đột toàn diện, với vai trò điều phối quan trọng từ phía Mỹ.

Sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel ngày 1/10 năm nay, Tel Aviv đã thực hiện cuộc không kích trả đũa vào ngày 26/10. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định rằng đây là những hành động có tính toán kỹ lưỡng từ cả hai phía.

Sau cuộc tấn công đáp trả, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố đã phá hủy các cơ sở sản xuất tên lửa của Iran, trong khi Tehran khẳng định đã đẩy lùi cuộc không kích của Tel Aviv một cách hiệu quả. Điều đáng chú ý là không bên nào đưa ra bằng chứng cụ thể về thiệt hại.

Bối cảnh của cuộc tấn công tên lửa của Iran vào ngày 1/10 và cái gọi là hành động trả đũa của Israel vào ngày 16/10 cho thấy cả hai hành động đều được "kịch bản hóa cẩn thận" để tránh gây ra thiệt hại lớn cho hai bên - thiệt hại có thể gây ra áp lực công khai cho một cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai nước.

Do đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc không kích của Israel mang tính biểu tượng nhiều hơn là gây thiệt hại thực sự. Theo các phương tiện truyền thông, máy bay Israel đã bay trong không phận Iran hơn 3 giờ và trở về an toàn. Iran thậm chí đã đóng cửa không phận dân sự để "chuẩn bị" cho cuộc tấn công, và không có báo cáo nào về việc không quân Iran đối đầu với máy bay chiến đấu Israel.

Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như đóng vai trò then chốt trong việc kiềm chế mức độ căng thẳng. Ông đã nhiều lần cảnh báo Thủ tướng Netanyahu không được nhắm vào các mục tiêu nhạy cảm như nhà máy lọc dầu hay lò phản ứng hạt nhân của Iran. Điều này được xem là thành công ngoại giao hiếm hoi của Mỹ ở Trung Đông, đặc biệt khi Thủ tướng Netanyahu thường xuyên bỏ qua các khuyến nghị của Washington liên quan đến Gaza, Bờ Tây và Liban.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng liên tục hiện diện tại khu vực này để đảm bảo rằng cuộc đối đầu giữa Israel và Iran không biến thành một cuộc chiến tranh toàn diện trước khi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ được công bố.

Phản ứng của Iran sau cuộc không kích cũng khá ôn hòa. Tehran chỉ lên án hành động vi phạm chuẩn mực quốc tế và khẳng định quyền tự vệ của mình. Truyền thông nhà nước Iran còn đăng tải hình ảnh cuộc sống bình thường với các đường phố đông đúc và chợ búa nhộn nhịp, cho thấy nỗ lực hạ thấp tầm quan trọng của vụ việc.

"Tôi hy vọng đây là hồi kết", Tổng thống Biden phát biểu sau cuộc tấn công của Israel, thể hiện sự lạc quan về việc kiềm chế được tình hình.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng chu kỳ "trả đũa có kiểm soát" này vẫn tiềm ẩn nguy cơ vượt tầm kiểm soát. Một cuộc đối đầu toàn diện giữa Iran và Israel có thể kéo theo các nước láng giềng như Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí cả các cường quốc như Mỹ và Nga, can dự.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo dailysabah.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/doi-dau-iran-israel-leo-thang-tra-dua-hay-kiem-che-20241104200736917.htm