Đối lập chính sách giữa ông Trump và Biden
Lập trường trái ngược của ông Trump và ông Biden không chỉ phản chiếu sự khác biệt ý thức hệ lâu đời của hai đảng, mà còn cho thấy một nước Mỹ ngày càng khó tìm được sự đồng thuận.
Tổng thống Donald Trump và cựu Phó tổng thống Joe Biden sẽ gặp lại nhau trong cuộc tranh luận thứ hai, và cuối cùng, vào ngày 22/10 tới. Cuộc tranh luận đầu tiên diễn ra trong những tiếng ngắt lời nhau - chủ yếu từ Tổng thống Trump - và nỗ lực tuyệt vọng của người dẫn chương trình Chris Wallace nhằm vãn hồi trật tự. Hai ứng viên đã tranh cãi rất nhiều, nhưng rất ít người nhớ được họ đã nói gì về chính sách.
Tổng thống Donald Trump, giống như nhiều thành viên đảng Cộng hòa khác, coi việc giảm thuế và giảm các quy định như điều thiết yếu trong chính sách kinh tế. Ông tự coi mình là người đại diện cho phe bảo thủ trong các cuộc chiến văn hóa.
Trong khi đó, cựu Phó tổng thống Biden đề cao các giá trị truyền thống của đảng Dân chủ như quyền chăm sóc sức khỏe cho toàn dân, tự do lựa chọn của phụ nữ trong việc phá thai, mở rộng quyền nhập cư...
Tuy nhiên, những quan điểm ngày càng xa nhau của hai ông Trump và Biden còn cho thấy sự chia rẽ ngày càng lớn, khi nước Mỹ bước ra khỏi thời mà những chính khách như cựu Tổng thống đảng Dân chủ Bill Clinton có thể tìm được sự đồng thuận từ những người đảng Cộng hòa bằng đường lối trung hữu.
Đôi khi, sự khác biệt của hai ứng viên không chỉ bởi đảng phái mà còn tương ứng với sự quan tâm của các nhóm cử tri đối với vấn đề cụ thể. Đơn cử, trong khi Tổng thống Trump thường tỏ ra hoài nghi việc biến đổi khí hậu, các cử tri của ông cũng cho thấy họ không xem đây là một ưu tiên của kỳ bầu cử: chỉ 11% cử tri ông Trump xem trọng việc ứng phó với biến đổi khí hậu, so với 68% cử tri bên phía ông Biden.
Năm 2016, ông Trump đã chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng với một chiến dịch tranh cử có thông điệp đơn giản: Make America great again (tạm dịch Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Với thông điệp “Keep America great” (tạm dịch Giữ cho nước Mỹ tiếp tục vĩ đại), mục tiêu năm 2020 của tổng thống là khôi phục nền kinh tế, thúc đẩy việc làm, bảo vệ lợi ích thương mại của Mỹ và tiếp tục có lập trường cứng rắn về vấn đề nhập cư.
Về phần mình, ứng viên Joe Biden là một đảng viên Dân chủ trung tả. Ông coi chính phủ liên bang là lực lượng để chống dịch, xây dựng lại nền kinh tế, giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng mang tính hệ thống trong nhiều thế kỷ.
Các chính sách kinh tế của ông Biden, được gọi là kế hoạch "Build back better" (tạm dịch Xây dựng lại tốt hơn) cố gắng làm hài lòng hai đối tượng cử tri có truyền thống ủng hộ đảng Dân chủ - thanh niên và công nhân.
Trong vấn đề đối ngoại, các quan điểm mà các ứng viên đang hứa hẹn không chỉ thể hiện sự khác biệt ý thức hệ của hai đảng, mà còn phản chiếu mối quan ngại của nước Mỹ về một thế giới đang thay đổi, như việc ông Trump rút nước Mỹ ra khỏi các định chế đa phương, hoặc ông Biden cứng giọng hơn với Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Biden nói “một ngày sau cuộc bầu cử” ông sẽ bắt đầu xây dựng lại mối quan hệ với bị rạn nứt với các đồng minh do cách tiếp cận của Trump, thứ ông Biden chế nhạo là “Nước Mỹ đơn độc”.
Tuy nhiên, ứng viên của đảng Dân chủ không phải là người chỉ tập trung vào chính sách đối ngoại. Ông Biden cho biết nếu là tổng thống, ông sẽ tập trung vào các vấn đề của quốc gia trước tiên.
Với 8,3 triệu ca mắc Covid-19 và 224.000 người tử vong vì virus corona, Mỹ hiện là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới.
Nhiều chuyên gia nhận định cuộc bầu cử vốn dĩ là cuộc trưng cầu dân ý về nhiệm kỳ tổng thống đầy biến động của ông Trump, đặc biệt về vấn đề Covid-19. Sau 7 tháng kể từ khi đại dịch bắt đầu, Covid-19 vẫn là trở ngại lớn nhất cho hy vọng tái đắc cử của ông Trump. Việc ông mắc Covid-19 chỉ vài tuần trước ngày bầu cử chỉ càng hướng thêm sự chú ý vào vấn đề này. Tổng thống Trump đã quy phần lớn trách nhiệm chống dịch cho chính quyền bang.
Chính sách về đại dịch là lĩnh vực mà ông Biden có sự tương phản rõ rệt với Tổng thống Trump. Cựu phó tổng thống lập luận tổng thống và chính phủ liên bang tồn tại để giải quyết những cuộc khủng hoảng như vậy. Ông Biden cũng nói tổng thống đã thất bại và dẫn tới hàng trăm nghìn người tử vong trong khi đây là kết quả có thể ngăn ngừa trước.
Ông Biden tán thành việc dùng ngân sách liên bang để giúp các doanh nghiệp và cá nhân, cùng với các chính quyền địa phương và tiểu bang. Ông cũng hứa sẽ tích cực sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để gia tăng xét nghiệm và vật tư y tế. Ngoài ra, ông Biden tuyên bố sẽ để các nhà khoa học và bác sĩ của chính phủ truyền đạt thông điệp nhất quán tới công chúng. Ứng viên của đảng Dân chủ cũng nói sẽ đưa việc đeo khẩu trang thành hành vi bắt buộc ở nơi công cộng.
Số liệu về mức độ quan tâm của cử tri trong mỗi vấn đề là kết quả của cuộc khảo sát được Trung tâm nghiên cứu Pew tại Washington, D.C thực hiện trực tuyến trong khoảng thời gian 27/7-2/8 trên 11.001 người, trong đó 7.485 người đã đăng ký bỏ phiếu. Ngoài ra, trong tháng 7 và tháng 8, 1.750 người cũng được khảo sát qua điện thoại, trong đó có 1.455 người đã đăng ký bỏ phiếu.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doi-lap-chinh-sach-giua-ong-trump-va-biden-post1143772.html