Đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh: Giáo dục bằng kỷ luật
Làm tốt công tác khen thưởng và kỷ luật học sinh sẽ góp phần tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, hoàn thiện nhân cách, phẩm chất tốt nhất cho học sinh và từng bước xây dựng trường học hạnh phúc.
Kỷ luật tích cực
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Quy định về khen thưởng và kỷ luật trong các cơ sở giáo dục. Những điểm mới trong dự thảo thông tư có thể làm thay đổi nhận thức của giáo viên, nhà trường về bản chất tích cực của biện pháp giáo dục bằng kỷ luật hay trách phạt, tạo môi trường giáo dục thân thiện.
Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Việc khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông hiện nay được thực hiện theo Điều lệ Trường Tiểu học và THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học và theo Thông tư số 08/TT ngày 21/3/1988 của Bộ GD&ĐT quy định khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông.
Tuy nhiên, một số quy định về kỷ luật học sinh tại Điều lệ nhà trường và Thông tư số 08/TT chưa được đồng bộ, thống nhất. Một số quy định tại Thông tư này không còn phù hợp thực tiễn công tác giáo dục học sinh hiện nay, nhất là so với quy định tại một số bộ luật mới được Quốc hội ban hành gần đây.
Đặc biệt, quy định về xử lý kỷ luật học sinh hiện nay mang tính hành chính, nặng về xử lý vi phạm, chưa thể hiện được nguyên lý, mục tiêu của kỷ luật tích cực, chưa làm cho học sinh tự nhận thức được khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa. Đây là điểm hạn chế, dẫn đến công tác phòng chống bạo lực học đường, phòng chống vi phạm pháp luật trong học sinh chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Nếu mục đích của việc khen thưởng hướng tới là tạo động lực để học sinh rèn luyện, tu dưỡng bản thân, phấn đấu vươn lên trong học tập và trong cuộc sống thì kỷ luật học sinh hướng tới việc giáo dục, giúp đỡ để học sinh chủ động, tự tin điều chỉnh hành vi, sửa chữa khuyết điểm.
Ông Bùi Văn Linh chia sẻ: Trước đây, hình thức kỷ luật đuổi học là học sinh sẽ ở nhà, từ đó tạo ra tâm lý chán nản. Hình thức kỷ luật mới là tạm dừng lên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng, tối đa 2 tuần. Các biện pháp kỷ luật của nhà trường cần mang tính tích cực để cải thiện chất lượng giáo dục. Đó là, bảo đảm sự thân thiện, khoan dung và thấu hiểu khi nhìn nhận những vi phạm của học sinh và thể hiện sự tôn trọng, tránh gây tổn thương thể chất, tinh thần học sinh.
Các quy định và hướng dẫn khen thưởng, kỷ luật trong thông tư lần này sẽ không cứng nhắc mà có tính mở để nhà trường vận dụng linh hoạt. Trên cơ sở những quy định chung về mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, hình thức và gợi ý một số phương pháp khen thưởng, kỷ luật học sinh, phần còn lại các cơ sở giáo dục tiếp tục phát triển để xây dựng thật chi tiết, cụ thể, rõ ràng cho phù hợp với đặc thù của mỗi cơ sở.
Thể hiện tính nhân văn
Ông Vũ Văn Trà - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng nhận định: Thông tư mới có thể làm thay đổi nhận thức của giáo viên, nhà trường về bản chất tích cực của biện pháp giáo dục bằng kỷ luật hay trách phạt, đồng thời hạn chế việc áp dụng cứng nhắc, máy móc như là công cụ chế tài đồng loạt dẫn đến phản tác dụng giáo dục.
Giáo viên và nhà trường sẽ tự chủ hơn và cũng phải dân chủ hơn trong xây dựng quy định, vận dụng các hình thức, biện pháp khen thưởng, kỷ luật riêng phù hợp với trường mình. Như vậy, đồng nghĩa với việc trách nhiệm của nhà trường và các bên liên quan lớn hơn trước, tránh đẩy trách nhiệm cho cơ quan quản lý cấp trên.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thuận - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học và Giáo dục học (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) cho biết: Việc đưa ra hình thức dừng học tập trên lớp thay thế cho đuổi học dựa trên nhiều nghiên cứu. “Cách ly học sinh” khi vi phạm kỷ luật ở mức độ nặng là cần thiết vì các em cần thời gian tĩnh để suy nghĩ, cảm nhận về hành vi của mình. Trong thời gian dừng học tập trên lớp, HS vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ học tập với sự hỗ trợ của giáo viên và bạn bè, đồng thời thực hiện kế hoạch giáo dục bổ sung riêng.
Ngoài bỏ quy định đuổi học, dự thảo thông tư về khen thưởng và kỷ luật học sinh còn bỏ hình thức khiển trách học sinh trước lớp, toàn trường. Kỷ luật cần được hạn chế công bố trước tập thể vì làm như vậy sẽ hạ thấp nhân phẩm của học sinh, làm mất niềm tin, gây ra định kiến với người vi phạm, dẫn đến tự ti, khó vượt qua rào cản tâm lý trong quan hệ với thầy cô, bạn bè và nảy sinh những vấn đề tâm lý khác.
Dự thảo thông tư cũng nêu rõ việc học sinh bị kỷ luật sẽ được nhà trường lưu giữ hồ sơ nhưng không ghi vào học bạ như trước đây. Như vậy, khi học lên cấp cao hơn, việc bị kỷ luật coi như được xóa sổ để không ảnh hưởng đến hành trình sau này của các em.
Đồng tình với quan điểm tiến bộ của dự thảo Thông tư trong việc khen thưởng kỷ luật học sinh, bà Tô Thị Diễm Quyên - Chuyên gia Giáo dục Microsoft cho rằng: Giáo dục dựa trên nỗi sợ hãi sẽ ngăn cản tính chủ động tích cực của con người. Do vậy, trong môi trường GD cần hình thức kỷ luật mang tính GD, nhân văn. Điểm mới trong thông tư đã tiệm cận được thực tiễn đổi mới GD, yêu cầu xã hội.
Về kỷ luật, điểm mới rất lớn của Thông tư là giáo dục tích cực, tôn trọng, bao dung, nhất quán, không định kiến. Không sử dụng các hình thức phê bình, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm, ảnh hưởng xấu đến tinh thần của học sinh. Khi phải kỷ luật, nhà trường sẽ ban hành kế hoạch giáo dục riêng cho học sinh rồi thống nhất với gia đình.