Đổi mới phương pháp giáo dục lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô

Giáo dục lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô không chỉ đơn thuần là việc truyền đạt kiến thức mà còn là hành trình khám phá, tìm hiểu và khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Những hoạt động đổi mới trong các trường học không chỉ giúp học sinh hiểu rõ hơn về quá khứ mà còn hình thành một thế hệ trẻ tự tin, có trách nhiệm và yêu mến quê hương.

Trong từng tiết học, từng buổi sinh hoạt dưới cờ và từng câu chuyện được kể lại, các em học sinh đang từng bước trở thành những người gìn giữ văn hóa truyền thống, những công dân có trách nhiệm với xã hội.

Kết nối quá khứ với hiện tại: Trách nhiệm và sứ mệnh của thế hệ trẻ

Trong không khí đón mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, sáng 10-10, Trường Tiểu học Thành Công A (quận Ba Đình, Hà Nội) tổ chức buổi Tuyên truyền về Ngày Giải phóng Thủ đô. Buổi sinh hoạt chuyên đề được sân khấu hóa thành những không gian sống động, nơi học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức từ sách vở mà còn trải nghiệm thực tế, khám phá lịch sử qua những hoạt động sáng tạo như diễn kịch lịch sử và các buổi triển lãm vẽ tranh cổ động.

Em Trần Thị Phúc An, học sinh lớp 5A5 chia sẻ: “Cuộc sống hòa bình, ấm no mà chúng em đang có ngày hôm nay là thành quả của những hy sinh lớn lao của các thế hệ cha ông đi trước. Em vô cùng biết ơn Bác Hồ kính yêu, người đã tìm ra con đường cứu nước, dẫn dắt dân tộc Việt Nam vượt qua mọi thử thách để đạt được những thắng lợi vẻ vang. Sau buổi sinh hoạt hôm nay, lòng yêu quê hương và niềm tự hào về mảnh đất ngàn năm văn hiến của em càng thêm sâu sắc. Từ đó, em quyết tâm học tập và rèn luyện thật tốt, để xứng đáng với danh hiệu chủ nhân Thăng Long - Hà Nội, góp phần xây dựng một Việt Nam hùng mạnh và phồn vinh”.

 Cô Nguyễn Thị Tri Huyền, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Thành Công A trao giải cuộc thi vẽ tranh Ngày Giải phóng Thủ đô cho em Trần Thị Phúc An, học sinh lớp 5A5.

Cô Nguyễn Thị Tri Huyền, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Thành Công A trao giải cuộc thi vẽ tranh Ngày Giải phóng Thủ đô cho em Trần Thị Phúc An, học sinh lớp 5A5.

Ý thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc giáo dục lịch sử truyền thống đối với các mầm non tương lai của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô, cô Nguyễn Thị Tri Huyền, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Thành Công A đã có nhiều cách làm hay để đưa lịch sử đến gần hơn với các em học sinh.

“Tuy nhiên, làm thế nào để thu hút sự chú ý và quan tâm của các em đối với các bài học lịch sử và truyền thống là một thách thức đòi hỏi sự tâm huyết và sáng tạo không ngừng. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, chúng ta có cơ hội vàng để biến những giờ học thành những trải nghiệm sinh động, giúp các em không còn cảm thấy khô khan và nhàm chán”, cô Huyền nói.

Theo đó, cô Huyền đã sưu tầm nhiều video minh họa sống động về các sự kiện Ngày Giải phóng Thủ đô và trình chiếu qua màn hình LED trên sân khấu. Điều này không chỉ giúp các em dễ dàng tiếp cận kiến thức mà còn kích thích trí tưởng tượng và cảm xúc của các em.

Hơn nữa, cô Huyền còn hướng dẫn các em trong đội tuyên truyền măng non truyền tải các bài học lịch sử và truyền thống thông qua hình thức sân khấu hóa. Cách tiếp cận này không chỉ đa dạng hóa hình thức tuyên truyền mà còn làm cho những bài học trở nên hấp dẫn và gần gũi hơn với lứa tuổi của các em.

Các em học sinh được tìm hiểu lịch sử qua hình thức sân khấu hóa.

Các em học sinh được tìm hiểu lịch sử qua hình thức sân khấu hóa.

Giáo viên phải sáng tạo và tâm huyết

Cô Bùi Bích Phượng, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A6 Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình) cho hay, Lịch sử và Địa lý là môn học bắt buộc theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, giảng dạy ở các lớp 4, 5. Đây là nền tảng cơ bản giúp học sinh tiểu học làm quen với lịch sử, để rồi sau đó các em tiếp cận sâu hơn ở bậc trung học.

Cô Phượng nhấn mạnh: “Việc giáo dục lịch sử, bồi đắp tình yêu quê hương cho thế hệ trẻ là trách nhiệm của không chỉ ngành giáo dục mà của cả xã hội. Để khơi dậy sự hứng thú trong học sinh, người giáo viên phải sáng tạo và tâm huyết”.

Cô trò Trường Tiểu học Kim Đồng trong Lễ kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Cô trò Trường Tiểu học Kim Đồng trong Lễ kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Bên cạnh kiến thức lý thuyết, cô Phượng luôn tìm cách giúp học sinh cảm nhận lịch sử một cách sống động thông qua các hoạt động thực tế và sự hỗ trợ của công nghệ. “Giáo dục lịch sử không chỉ để các em biết về quá khứ mà còn để các em thấm nhuần tinh thần dân tộc, ý thức về trách nhiệm xây dựng tương lai. Đó là hành trang cần thiết cho các em, những chủ nhân tương lai của đất nước”, cô Phượng nhấn mạnh.

Cô Nguyễn Thị Vân Anh, Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết thêm, nhân dịp đặc biệt này, trường đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú như trả lời câu hỏi, diễn tiểu phẩm, hát múa để giúp các em hiểu thêm về quá khứ vẻ vang của Thủ đô Hà Nội.

“Các em sẽ hiểu hơn về sự hy sinh của thế hệ trước, từ đó hình thành một tình yêu tự nhiên với Thủ đô ngàn năm văn hiến. Những buổi sinh hoạt như vậy không chỉ nâng cao kiến thức mà còn gắn kết cộng đồng học sinh, tạo nên một môi trường tràn ngập tình yêu quê hương và niềm tự hào dân tộc”, cô Vân Anh chia sẻ.

Qua những câu chuyện thực tế này, học sinh không chỉ nắm vững kiến thức lịch sử mà còn cảm nhận sâu sắc về những hy sinh to lớn mà thế hệ trước đã đóng góp để bảo vệ nền độc lập, tự do.

Bài, ảnh: HUYỀN ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/doi-moi-phuong-phap-giao-duc-lich-su-ngay-giai-phong-thu-do-798198