'Hà Nội một thời để nhớ' dưới góc nhìn của nhiếp ảnh gia người Anh

Sáng nay 10/10, khai mạc Triển lãm ảnh 'Hà Nội một thời để nhớ' tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cũ, số 49 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Ngày đầu triển lãm “Hà Nội một thời để nhớ” đã đón tiếp rất nhiều khách tham quan. Đây là sự kiện do Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, phối hợp cùng hai nhiếp ảnh gia Andy Soloman và Lê Bích tổ chức, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Triển lãm giới thiệu 86 bức ảnh đen trắng đầy ấn tượng và cảm xúc của hai nhiếp ảnh gia với chủ đề về cuộc sống của người dân Hà Nội trong thời kỳ đổi mới từ giai đoạn năm 1992 - 2012.

Triển lãm thu hút du khách nước ngoài

Triển lãm thu hút du khách nước ngoài

Andy Soloman (SN 1962) là một nhiếp ảnh gia người Anh. Ông đến đất nước này trong sự bỡ ngỡ và chưa bao giờ rời đi bởi sự chân thành, thân thiện và tình yêu gia đình đã giữ chân ông Andy Soloman lại nơi đây.

Nhiếp ảnh gia người Anh - ông Andy Soloman

Nhiếp ảnh gia người Anh - ông Andy Soloman

“Ở bất cứ đâu, tôi đều được chào đón với sự tử tế và lòng hiếu khách nồng hậu. Nhưng trái tim tôi vẫn luôn ở lại Hà Nội. Sức hút mãnh liệt của thành phố này cứ kéo tôi trở lại”, ông nói.

Ông Andy Soloman chụp những bức hình trong khoảng thời gian từ năm 1992 đến năm 1994; ghi lại Hà Nội trong thời kỳ có nhiều thay đổi lớn, các cải cách kinh tế đổi mới đang dần được phát huy hiệu quả, khi lệnh cấm vận thương mại của Hoa Kỳ được dỡ bỏ,...

Nhiếp ảnh gia người Anh cũng cho biết, những bức ảnh này chính là minh chứng cho bước chuyển mình của Hà Nội. Ông cảm nhận được thành phố với những công trình đang trên bờ vực đổ nát nhưng thay đổi nhanh chóng: “Những biệt thự Pháp từng nguy nga nhưng đã đổ nát và những ngôi nhà đông đúc nhưng đẹp đẽ trong khu phố cổ đã dần nhường chỗ cho các dự án phát triển mới”.

Triển lãm là chiếc bánh xe xoay vòng ký ức về Hà Nội trong thời kỳ đổi mới

Triển lãm là chiếc bánh xe xoay vòng ký ức về Hà Nội trong thời kỳ đổi mới

Còn với nhiếp ảnh gia Lê Bích (SN 1972), người con của Hà Nội - thành phố nghìn năm tuổi, bộc bạch: “Là một người thuộc thế hệ 7x, tôi đã trải qua những gian khó nhọc nhằn của đất nước thời kỳ hậu chiến. Tiếp đến là khi đất nước bắt đầu đổi mới và hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Có nhiều sự kiện diễn ra, có nhiều thay đổi trong từng giai đoạn lịch sử. Những điều đang diễn ra cùng với những trải nghiệm của bản thân đã là chất liệu để tôi thể hiện bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh”.

Nhiếp ảnh gia Lê Bích - một người con của Hà Nội, kể chuyện về Hà Nội dưới góc nhìn nhiếp ảnh

Nhiếp ảnh gia Lê Bích - một người con của Hà Nội, kể chuyện về Hà Nội dưới góc nhìn nhiếp ảnh

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về cơ duyên hợp tác với ông Andy Soloman, nhiếp ảnh gia Lê Bích cho biết, anh lắng nghe được nhịp đập và tình yêu Hà Nội mãnh liệt trong ông Andy. Từ đó, anh đã ngỏ lời hợp tác với nhiếp ảnh gia người Anh, tổ chức triển lãm trong bối cảnh Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô.

Tham quan triển lãm ảnh, anh Nick - du khách đến từ New Zealand ấn tượng nhất tác phẩm “Chiếc tàu tuổi thơ” (2008) của nhiếp ảnh gia Lê Bích: “Lý do tôi rất thích bức tranh này bởi vì tôi cũng có một đứa con trai trạc tuổi như nhân vật trong ảnh. Tôi có hơi xúc động khi nhìn thấy bức hình này, có lẽ vì bầu không khí hạnh phúc trong tấm hình đen trắng này mang lại”.

“Chiếc tàu tuổi thơ” (2008) của nhiếp ảnh gia Lê Bích là tác phẩm yêu thích của anh Nick - du khách người New Zealand

“Chiếc tàu tuổi thơ” (2008) của nhiếp ảnh gia Lê Bích là tác phẩm yêu thích của anh Nick - du khách người New Zealand

Anh Nick cũng cho biết, anh biết thông tin triển lãm này vào hôm qua. Sáng hôm sau, anh đã cùng với bạn mình sắp xếp lịch trình để tham quan. Du khách người New Zealand đã hoàn toàn chìm đắm trong không gian lịch sử thời kỳ đổi mới của thành phố.

Anh Nick, du khách người New Zealand

Anh Nick, du khách người New Zealand

Khác với anh Nick, chị Phương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại cảm thấy rung động trước không gian triển lãm. Chị chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên tại thành phố này. Có những ký ức về Hà Nội xưa, tôi đã dường như quên mất. Nhưng khi bước vào triển lãm này, những lát cắt trong ký ức về Hà Nội của hơn 30 năm về trước cứ lần lượt ùa về. Nhìn tác phẩm “Một cô gái trẻ đang đan len, Chương Dương” của ông Andy Soloman, tôi lại nhớ về mình của hồi trước”.

Tác phẩm “Một cô gái trẻ đang đan len, Chương Dương” của ông Andy Soloman. Bức tranh kể về cuộc sống trên đường phố đầy những bài học; cô bé này quá say mê đan len đến nỗi cô không để ý đến nhiếp ảnh gia Andy Soloman khi ông đến gần: “Cô đang dệt nền tảng cho tương lai của mình và từng mũi đan dạy cô sự kiên nhẫn và bền bỉ. Ở Hà Nội, đường phố không chỉ là phông nền mà còn là lớp học của cuộc sống”.

Tác phẩm “Một cô gái trẻ đang đan len, Chương Dương” của ông Andy Soloman. Bức tranh kể về cuộc sống trên đường phố đầy những bài học; cô bé này quá say mê đan len đến nỗi cô không để ý đến nhiếp ảnh gia Andy Soloman khi ông đến gần: “Cô đang dệt nền tảng cho tương lai của mình và từng mũi đan dạy cô sự kiên nhẫn và bền bỉ. Ở Hà Nội, đường phố không chỉ là phông nền mà còn là lớp học của cuộc sống”.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, ông Phạm Tuấn Long đã ghé triển lãm “Hà Nội một thời để nhớ” để chúc mừng ông Andy Soloman và anh Lê Bích. Ông Phạm Tuấn Long cảm thấy vinh dự và tự hào khi triển lãm được khai trương vào dịp Thủ đô giải phóng.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, ông Phạm Tuấn Long (đứng giữa) chụp hình cùng nhiếp ảnh gia Andy Soloman (bên trái) và nhiếp ảnh gia Lê Bích (bên phải)

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, ông Phạm Tuấn Long (đứng giữa) chụp hình cùng nhiếp ảnh gia Andy Soloman (bên trái) và nhiếp ảnh gia Lê Bích (bên phải)

Triển lãm “Hà Nội một thời để nhớ” mở cửa từ ngày 10/10 đến 31/10 tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cũ, số 49 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngày 12/10, nhiếp ảnh gia người Anh Andy Soloman và nhiếp ảnh gia Lê Bích sẽ giao lưu với khách tham quan.

Tú Như - Minh Quang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-mot-thoi-de-nho-duoi-goc-nhin-cua-nhiep-anh-gia-nguoi-anh-351585.html