Khơi dậy niềm tự hào và tình yêu Thủ đô

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, mới đây Báo Nhân Dân đã tổ chức Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội. Đông đảo các em học sinh đến từ các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã đến tham quan triển lãm. Đây là cơ hội để các em được tìm hiểu, mở rộng kiến thức về văn hóa lịch sử, qua đó, giúp các em thêm hiểu và thêm yêu Thủ đô, nuôi dưỡng những ước mơ đẹp ngay từ thời thơ bé.

Tìm hiểu lịch sử qua hoạt động trải nghiệm thực tế

Với Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội, các em học sinh và khách tham quan có cơ hội hòa mình vào đoàn quân kéo về Hà Nội bằng công nghệ thực tế hỗn hợp (mixed reality). Trải nghiệm này tái hiện lại 10 dấu mốc quan trọng trong tiến trình giải phóng và tiếp quản Thủ đô tháng 10/1954.

Thực tế hỗn hợp là sự kết hợp giữa thực thể thực và ảo nhằm tạo ra môi trường và hình ảnh mô phỏng mới. Các đối tượng vật lý và kỹ thuật số tương tác trong thời gian thực.

Các đồng chí lãnh đạo chụp ảnh với các em học sinh trong lễ khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội.

Các đồng chí lãnh đạo chụp ảnh với các em học sinh trong lễ khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội.

Hoạt động tái hiện Cột cờ Hà Nội không chỉ khơi gợi sự tò mò, mà còn truyền cảm hứng cho các em học sinh trong việc tìm hiểu lịch sử. Qua trải nghiệm thực tế, các em không chỉ được khám phá di tích lịch sử, mà còn cảm nhận rõ nét hơn giá trị văn hóa và tinh thần của Thủ đô, từ đó nuôi dưỡng niềm tự hào và ý thức gìn giữ truyền thống dân tộc.

Em Phan Minh Anh, học sinh lớp 6B Trường Trung học cơ sở Hoàn Kiếm chia sẻ: “Em đã từng đến Cột cờ thật và thấy Cột cờ được dựng lại này rất giống. Em cảm thấy rất tự hào và biết ơn khi được đến đây trải nghiệm”.

Đông đảo học sinh và giáo viên đến tham quan Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội.

Đông đảo học sinh và giáo viên đến tham quan Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội.

Cùng cảm xúc, em Trần Quang Anh, học sinh lớp 5E Trường Tiểu học Tràng An cũng bày tỏ niềm vui khi được tham gia hoạt động. Em chia sẻ: “Cột cờ Hà Nội rất đẹp và mang nhiều dấu ấn thời gian. Đến đây, em được hiểu thêm nhiều điều về lịch sử của Hà Nội”. Quang Anh đặc biệt thích thú với công nghệ thực tế ảo, vì đây là phương pháp tiếp cận hiện đại và hấp dẫn, giúp em khám phá lịch sử một cách sinh động.

Em Đỗ Nhã Uyên, học sinh lớp 6B Trường Trung học cơ sở Hoàn Kiếm cũng bày tỏ sự phấn khích: “Em rất vui khi được mời đến đây cùng các bạn tham gia hoạt động trải nghiệm này. Tại đây, em được tìm hiểu thêm về những di tích lịch sử như Cột cờ Hà Nội. Em rất hứng thú và muốn được trải nghiệm thêm”.

Các em học sinh thích thú được hòa mình vào đoàn quân kéo về Hà Nội bằng công nghệ thực tế hỗn hợp.

Các em học sinh thích thú được hòa mình vào đoàn quân kéo về Hà Nội bằng công nghệ thực tế hỗn hợp.

Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Sự kiện kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô là một dịp rất thú vị để cho chúng ta đưa người xem trở lại với 70 năm trước. Chúng tôi đã kết hợp với đối tác công nghệ và sử dụng kính thực tế ảo để người xem khi sử dụng kính này có thể nhìn thấy những bức hình, nghe những đoạn audio, xem những đoạn video của 70 năm trước, xem những bản đồ có thể chuyển động, và thậm chí được hòa mình vào trong những bức ảnh ở chặng cuối của chuyến tour vòng quanh Cột cờ Hà Nội, thậm chí có thể trải nghiệm khoảnh khắc chào cờ ở Cột cờ Hà Nội 70 năm trước”.

Thông qua lăng kính thực tế ảo tăng cường, khi tham quan Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội, các em học sinh có cơ hội được hòa mình vào đoàn quân kéo về Hà Nội bằng công nghệ thực tế hỗn hợp. Trải nghiệm này tái hiện lại 10 dấu mốc quan trọng trong tiến trình giải phóng và tiếp quản Thủ đô tháng 10/1954.

Cũng tại đây, những di tích lịch sử, điểm đến văn hóa nổi tiếng của Thủ đô như: Hồ Gươm, Văn Miếu, chùa Một Cột, Cột cờ Hà Nội, cầu Long Biên, Nhà hát Lớn, 5 cửa ô Hà Nội được tái hiện sinh động với những thước phim và hình ảnh dưới dạng không gian 3 chiều.

Các em học sinh trải nghiệm kính thực tế ảo tăng cường (AR) xem hình ảnh 3D về Hà Nội.

Các em học sinh trải nghiệm kính thực tế ảo tăng cường (AR) xem hình ảnh 3D về Hà Nội.

Phương pháp học tập mới mẻ và hấp dẫn

Việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong giáo dục lịch sử đã mang đến một phương pháp học tập mới mẻ và hấp dẫn, giúp trẻ em tiếp cận kiến thức một cách sống động và trực quan. Nhờ đó, các em không chỉ hiểu sâu hơn về những sự kiện lịch sử mà còn nuôi dưỡng tình yêu và niềm tự hào với quê hương một cách tự nhiên và hiệu quả hơn.

Em Nguyễn Thị Thu Hiên, sinh viên năm 3 Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đánh giá sự kiện của Báo Nhân Dân là một cơ hội tuyệt vời để giới trẻ, đặc biệt là thanh thiếu niên Thủ đô, có thể tiếp cận lịch sử Việt Nam một cách gần gũi và sáng tạo.

“Cách tiếp cận này giúp các bạn trẻ không còn cảm thấy nhàm chán, dễ dàng tìm hiểu nhiều thông tin hơn. Em hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều sự kiện như thế này để những người trẻ như em có thể tìm hiểu về lịch sử nước nhà”, Thu Hiên chia sẻ.

Tại Triển lãm, nhiều em nhỏ tỏ ra thích thú với những trải nghiêm mới, lạ.

Tại Triển lãm, nhiều em nhỏ tỏ ra thích thú với những trải nghiêm mới, lạ.

Cô Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An cho biết, Trường đã có kế hoạch đưa các em học sinh đến với Báo Nhân Dân để tham gia hoạt động trải nghiệm cắt ghép cột cờ.

“Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, chúng tôi rất chú trọng việc giáo dục truyền thống lịch sử của Việt Nam, đặc biệt là về Thủ đô Hà Nội. Trong những ngày qua, các lớp trong trường đã tổ chức nhiều hoạt động tìm hiểu ý nghĩa của ngày 10/10 như xem tư liệu, làm dự án video trình chiếu. Chúng tôi mong muốn các em có thêm trải nghiệm để yêu, tự hào hơn về đất nước. Thông qua hoạt động trải nghiệm của Báo Nhân Dân, các em sẽ được có cơ hội ứng dụng công nghệ vào học tập và tìm hiểu”, cô Liên chia sẻ.

Được biết, Trường Tiểu học Tràng An đến trải nghiệm sự kiện của Báo Nhân Dân với 3 lớp 5E, 5G và 5H.

Qua trải nghiệm thực tế, các em không chỉ được khám phá di tích lịch sử mà còn cảm nhận rõ nét hơn giá trị văn hóa và tinh thần của Thủ đô.

Qua trải nghiệm thực tế, các em không chỉ được khám phá di tích lịch sử mà còn cảm nhận rõ nét hơn giá trị văn hóa và tinh thần của Thủ đô.

Cô Phan Thu Phương, nhân viên thư viện Trường Tiểu học Tràng An, cho biết: “Qua hoạt động này, các em sẽ hiểu hơn về Hà Nội, đặc biệt là di tích Cột cờ Hà Nội. Các em được tham gia hoạt động trải nghiệm cắt ghép cột cờ, qua đó giúp các em hiểu ý nghĩa và ghi nhớ lịch sử lâu hơn. Việc tiếp cận công nghệ như kính thực tế ảo sẽ giúp các em cảm nhận chi tiết hơn về lịch sử hình thành cũng như kiến trúc của Cột cờ”.

Chủ nhiệm lớp 5E Trường Tiểu học Nguyễn Du, cô Nguyễn Thị Phương Liên nhận định: “Chúng tôi may mắn được tham dự buổi đầu tiên tham quan và trải nghiệm những hình ảnh về Cột cờ Hà Nội được Báo Nhân Dân tái hiện lại. Hoạt động này rất ý nghĩa, nhất là trong tháng lịch sử kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô.

Các em học sinh được nhìn, nghe và cảm nhận không khí trang trọng của ngày lễ, điều này sẽ giúp các em hiểu sâu hơn về các giai đoạn lịch sử của Hà Nội. Nhà trường cũng đã lên kế hoạch đưa các em đến tham quan và trải nghiệm những địa điểm lịch sử khác. Kế hoạch dự triển lãm này tuy đột xuất, nhưng các em rất hứng thú và sẵn sàng tham gia”.

Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội sẽ mở cửa tự do đón khách tham quan đến hết ngày 13/10/2024 tại trụ sở Báo Nhân Dân, số 71 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hà Phong

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khoi-day-niem-tu-hao-va-tinh-yeu-thu-do-178920.html