Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng bộ các cấp trong tỉnh

(Tiếp theo kỳ trước)

* NGUYỄN HỒNG TRÀ
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước

BPO - Trong những năm qua, quá trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, đảng bộ các cấp trong tỉnh đã có nhận thức đúng hơn về mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, vấn đề sở hữu tư liệu sản xuất, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN… đồng thời có sự vận dụng, phát triển phù hợp hơn với thực tiễn. Tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề chúng ta chưa làm rõ được trong việc xác định sự khác biệt giữa kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản với kinh tế thị trường định hướng XHCN; giữa nhà nước pháp quyền tư sản với nhà nước pháp quyền XHCN mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang xây dựng; lý luận về một đảng duy nhất cầm quyền trong nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân; mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị…

Nhận diện nguy cơ làm xói mòn tính chính đáng của quyền lực chính trị

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, cùng với quá trình đổi mới của đất nước và các thành tựu trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đã làm cho đảng bộ các cấp, các tổ chức đảng trong tỉnh từng bước có sự chuyển biến rất lớn, tạo ra rất nhiều thách thức cho tư duy của những người nắm giữ vai trò quyền lực quan trọng trong các tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở. Từ thực trạng đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nhận định rõ, nếu các tổ chức đảng, đảng bộ trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo không nắm bắt được sự chuyển đổi nhanh chóng về hệ giá trị và các chuẩn mực trong xã hội (cơ sở của tính chính đáng) thì sẽ dẫn đến những sai lầm, giáo điều, máy móc trong lãnh đạo về mặt tư tưởng mang tính định hướng, tiên phong; đồng thời, không có sự đổi mới kịp thời nhằm kích thích sự tự do sáng tạo, tự do làm giàu... của các cá nhân trong xã hội. Đặc biệt, một số công cụ và phương thức lãnh đạo của Đảng và các tổ chức đảng, nhất là cấp cơ sở sẽ không có những chuyển biến kịp thời nhằm đáp ứng được đòi hỏi của những chuyển biến nhanh chóng trong thời đại mới, thậm chí sẽ là một rào cản rất lớn cho sự phát triển và cũng là nguyên nhân dẫn tới các suy thoái về chính trị, tư tưởng, quan liêu, tham nhũng… Đây là những điều đã được Đảng bộ tỉnh chỉ ra suốt nhiều năm nay, nhưng vẫn còn một số tổ chức đảng chưa có giải pháp hữu hiệu để kiểm soát và ngăn chặn chúng.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã thẳng thắn nhìn nhận, từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đến nay, nhờ có sự lãnh đạo quyết liệt, đúng đắn, kịp thời và những bước đột phá từ đổi mới trong tư duy, đảng bộ các cấp trong tỉnh đã có những chủ trương, chính sách quan trọng trong cả kinh tế và chính trị, vì lợi ích chung và nhờ đó thúc đẩy được sự phát triển, tạo được sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng nhân dân và trong toàn hệ thống chính trị. Tuy nhiên, hiện nay tính chính đáng trong một số quyết sách của đảng bộ và chính quyền các cấp ở một số nơi trong tỉnh vẫn đang gặp phải một số hạn chế, chất lượng và hiệu quả chưa cao. Điều này đến từ các nguyên nhân tại các thời điểm, đó là tính phản biện chưa cao; việc thể chế hóa quyết sách có quyền lực quá tập trung, nhất là ở cấp địa phương cơ sở. Từ đó, làm nảy sinh những mối nguy hiểm trong quá trình ra quyết sách, đó là sự thiếu bàn bạc dân chủ, không dựa trên nhu cầu của người dân… nảy sinh sự chuyên quyền, độc đoán cá nhân trong quá trình ra quyết sách và hậu quả là dẫn đến những quyết sách sai lầm. Cùng với đó là thiếu tính khoa học trong hoạch định các quyết sách dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của đảng bộ cơ sở khi được soạn ra, đặc biệt ở cấp xã, quyết định dựa trên ý chí chủ quan của một hoặc vài cá nhân đứng đầu, tập thể chỉ là nơi “biểu quyết” thông qua một cách hình thức…

Thời gian gần đây, nhiều văn kiện Đại hội của Đảng và đặc biệt là Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khóa XII đều khẳng định: Tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu - nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước. Nếu những vấn đề này không được khắc phục, sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào Nhà nước, làm xói mòn tính chính đáng trong cầm quyền.

Khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm

Thời gian qua, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chương trình hành động, nhiều kết luận để hoàn thiện cơ chế bảo đảm kiểm soát quyền lực trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, nhất là trong các cơ quan quản lý nhà nước, những lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm, dễ lạm dụng quyền lực. Đồng thời, thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng về công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế theo vị trí việc làm, có trọng tâm, trọng điểm gắn với nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, làm cơ sở để xác định tổng biên chế hệ thống chính trị của tỉnh giai đoạn 2026-2031.

Tỉnh ủy đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng chú trọng lựa chọn, bố trí cán bộ đủ tiêu chuẩn để bầu vào cấp ủy, chức danh lãnh đạo của các cơ quan nhà nước, MTTQVN, tổ chức chính trị - xã hội các cấp; thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ; tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý cán bộ... Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị; thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; kiên trì thực hiện “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ. Tổ chức thực hiện nghiêm kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật, góp phần bảo đảm kỷ cương, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Tăng cường tính gương mẫu, nêu gương

Để ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả những nguy cơ làm xói mòn tính chính đáng của quyền lực chính trị trong giai đoạn hiện nay, Tỉnh ủy yêu cầu đảng bộ các cấp từ tỉnh đến cơ sở tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ở các cấp, nhất là cán bộ tham mưu cấp chiến lược có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Trước mắt phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Nâng cao tính dân chủ và khoa học trong quy trình hình thành các quyết sách của Đảng và Nhà nước, phải bảo đảm cho đảng viên có và thực hiện quyền được biết tình hình, quyền tham dự, quyền lựa chọn và quyền giám sát trở thành 4 quyền cơ bản, trọng điểm của đảng viên. Khuyến khích đảng viên nói thật, nói thẳng, tăng cường ý thức chủ thể và tinh thần trách nhiệm, ý thức về sứ mệnh của đảng viên trong xây dựng Đảng. Đẩy mạnh cơ chế kiểm tra, giám sát và nghiêm trị những hành vi áp đặt, trù dập của những đảng viên có chức, có quyền đối với những đảng viên nói thẳng, nói thật. Để nâng cao tính khả thi của các quyết sách, giảm thiểu sai lầm của quyết sách, các đảng bộ cần xây dựng quy chế truy cứu trách nhiệm đối với quyết sách sai lầm; nghiên cứu thực hành nguyên tắc “sai quyết sách người đó chịu trách nhiệm”, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức mạo hiểm, quyết sách khoa học.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, không có vấn đề phân chia tách rời quyền lực chính trị giữa Đảng và chính quyền mà phải tiến đến mục tiêu là Đảng thực thi quyền lực của mình chủ yếu thông qua Nhà nước…

Tăng cường tính gương mẫu, nêu gương của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo tinh thông về chuyên môn, trong sáng về đạo đức là một yêu cầu quan trọng nhằm củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Tăng cường các thiết chế để giám sát, kiểm soát quyền lực một cách chặt chẽ đối với những cá nhân có quyền lực trong Đảng và Nhà nước. Thực hiện triệt để và nghiêm túc các quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII kết hợp với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hằng năm, có kế hoạch cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách những cán bộ được quy hoạch, nhất là cấp chiến lược để tạo ra các thế hệ lãnh đạo có đủ uy tín và tín nhiệm trước nhân dân.

Khắc phục hạn chế, yếu kém, hình thức trong đánh giá cán bộ. Hằng năm, các tổ chức đảng đánh giá cán bộ phải công tâm, toàn diện, chặt chẽ, thực chất, khách quan, nhiều chiều cùng với phẩm chất, bản lĩnh chính trị, ý thức, trách nhiệm, uy tín trong tập thể và nhân dân; phải đặc biệt chú trọng kỹ năng công tác, chất lượng, hiệu quả công việc được giao bằng sản phẩm, kết quả cụ thể. Gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Thường xuyên cảnh báo, nhắc nhở giúp cán bộ nhận diện nguy cơ, không mắc sai lầm, kịp thời khắc phục khuyết điểm; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để cấp phó, cán bộ dưới quyền trực tiếp tiêu cực, tham nhũng.

(còn nữa)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/145800/doi-moi-phuong-thuc-lanh-dao-cua-dang-bo-cac-cap-trong-tinh