Đổi mới sáng tạo: Chính sách nhiều nhưng trống vắng giải pháp cụ thể

Đến nay Việt Nam đã có khá nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nhưng thực thi trong thực tiễn còn hạn chế do thiếu sự đồng bộ, nhiều chủ trương lớn nhưng chưa được cụ thể hóa thành các giải pháp cụ thể...

Thiếu giải pháp cụ thể

Tại tọa đàm "Vai trò của đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp Thủ đô" ngày 1/10 tại Hà Nội, ông Nguyễn Trường Phi – Trưởng phòng Đổi mới sáng tạo, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN) cho rằng, đến nay Việt Nam đã có khá nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thực hiện các hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST).

Trong đó, DN KHCN được miễn thuế thu nhập DN trong 4 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; miễn, giảm tiền thuê đất, mặt nước; ưu đãi tín dụng theo Nghị định 13/2019/NĐ-CP.

Đặc biệt, DN công nghệ cao được miễn thuế trong vòng 4 năm; giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; hưởng mức ưu đãi cao nhất về đất đai, thuế giá trị gia tăng, xuất nhập khẩu… theo Luật Công nghệ cao (2008), Quyết định 38/2020/QĐ-TTg; Quyết định 10/2021/QĐ-TTg.

Hay theo Điều 5, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu, DN có sản phẩm ĐMST được hưởng ưu đãi trong tính giá dự thầu theo phương pháp giá thấp nhất, phương pháp giá đánh giá và phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá. Hưởng ưu đãi trong thời hạn 6 năm kể từ lần đầu được sản xuất và đủ điều kiện để đưa ra thị trường.

"Rất mừng trong Luật Thủ đô vừa rồi, DN Thủ đô cũng có cơ chế như trên. Theo đó, những DN Thủ đô có hoạt động phát triển KHCN, ĐMST theo mục tiêu Thủ đô sẽ được áp dụng chính sách như chính sách hỗ trợ đối với DN công nghệ cao. Đây là ưu thế tương đối lớn đối với các DN hoạt động tại Thủ đô có thể khai thác.

Theo đánh giá của ông Phi, Nhà nước có rất nhiều chính sách hỗ trợ DN ĐMST nhưng thực thi trong thực tiễn còn hạn chế. Một phần nguyên nhân là do thiếu sự đồng bộ cũng như có nhiều chủ trương lớn nhưng chưa được cụ thể hóa thành các giải pháp cụ thể. Do đó, chính sách đi vào cuộc sống đâu đó còn trống vắng.

Ông Nguyễn Quốc Hà - Phó giám đốc Sở KH&CN Hà Nội.

Ông Nguyễn Quốc Hà - Phó giám đốc Sở KH&CN Hà Nội.

Ông Nguyễn Quốc Hà - Phó giám đốc Sở KH&CN Hà Nội cho biết, Hà Nội đã và đang phấn đấu trở thành trung tâm ĐMST hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các viện trường là chủ thể, các DN là trung tâm.

Năm 2023, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) với 62,86 điểm. Hà Nội hiện cũng đang đứng đầu toàn quốc về số lượng DN KH&CN trên địa bàn với 168 DN trên tổng số khoảng 800 DN KH&CN của cả nước (chiếm 21%). Thành phố có hơn 1.000 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm trên 26% cả nước. Trên địa bàn thành phố có gần 300 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đem lại kết quả tích cực.

Theo ông Hà, Hà Nội đã ban hành và triển khai đồng bộ nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ DN tham gia hoạt động đổi mới công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và phát triển thị trường KH&CN; thu hút, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế.

“Đặc biệt, Luật Thủ đô sửa đổi mới được thông qua sẽ tạo đột phá, tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế quản lý khoa học và thúc đẩy hoạt động ĐMST trong viện trường và các DN”, ông Hà chia sẻ.

Đổi mới sáng tạo không còn là lựa chọn

Theo ông Nguyễn Trường Phi, hiện ĐMST không còn là sự lựa chọn, đâu đó một số ngành có tốc độ phát triển tương đối nhanh không cho DN cơ hội chờ đợi. Việc không chọn ĐMST cũng là một quyết định và chọn ĐMST cũng là một quyết định.

"Cách đây khoảng hơn 10 năm, cứ 10 điện thoại bán ra có 4 điện thoại của Nokia và không có ai có thể đoán định được Nokia là một đế chế hùng mạnh như vậy có thể phá sản hoặc thậm chí việc phá sản được coi là không tưởng.

Tuy vậy, chỉ tầm 3 năm sau khi iPhone ra mắt, CEO của Nokia nói một câu rất cay đắng, đại ý là: “Về cơ bản chúng tôi không làm gì sai nhưng chúng tôi thất bại”, ông Phi kể. Đồng thời cho rằng, sự xuất hiện của công nghệ mới, sản phẩm mới dẫn đến sự “ra đi” nhanh của những thương hiệu không chịu thay đổi và đổi mới sáng tạo.

Cũng đề cập đến ĐMST, TS Dương Thị Kim Liên - Viện trưởng Viện Hỗ trợ Đổi mới Sáng tạo Doanh nghiệp nhấn mạnh, ĐMST là chìa khóa phát triển bền vững cho doanh nghiệp Thủ đô.

"Làm thế nào để các chính sách tiếp cận được đúng với các đối tượng được thụ hưởng là điều cực kỳ quan trọng. Nhưng DN không thể chờ đợi, không thể mãi đòi hỏi Nhà nước phải tiếp cận, phải hỗ trợ. Bản thân mỗi DN phải chủ động tìm kiếm, làm thế nào để khai thác được quyền lợi của chính DN theo quy định của Nhà nước.

Chúng ta đang trong một thế giới luôn thay đổi và để tồn tại và phát triển DN cần phải không ngừng đổi mới và sáng tạo, phải làm những gì tốt hơn DN đang làm ngày hôm nay. Đổi mới không phải là lựa chọn mà là sự sống còn của DN trong thời đại số", bà Liên nhấn mạnh.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/doi-moi-sang-tao-chinh-sach-nhieu-nhung-trong-vang-giai-phap-cu-the/20241001041340279