Đổi thay ở vùng đất ven sông Hồng

Về xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng), đến 3 thôn Giao Ngay, Giao Tiến và Thái Bo của xã nằm ven sông Hồng, nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay của vùng đất này.

Phát huy thế mạnh của vùng đất ven sông Hồng màu mỡ, bằng phẳng, những năm gần đây, người dân các thôn Giao Ngay, Giao Tiến và Thái Bo đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển mạnh nghề trồng rau, mang lại thu nhập cao. Từ thành công đó, việc huy động xã hội hóa khi thực hiện các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở các thôn này cũng thuận lợi hơn.

Diện mạo các thôn vùng ven sông Hồng, xã Gia Phú có nhiều đổi thay.

Diện mạo các thôn vùng ven sông Hồng, xã Gia Phú có nhiều đổi thay.

Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến các thôn là màu xanh mướt của cánh đồng rau xen lẫn cà chua đỏ rực và giàn mướp đắng, bí… trĩu quả. Hai bên đường vào các thôn có nhiều nhà xây kiểu biệt thự, mái ngói đỏ tươi - hình ảnh sinh động nhất về cuộc sống no ấm của người dân ở vùng quê này. Đây cũng là minh chứng khẳng định thành công của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa.

Anh Nguyễn Đăng Dương, thôn Giao Ngay cho biết: Sự đổi thay về đời sống, bộ mặt nông thôn của vùng đất ven sông Hồng (gồm 3 thôn Giao Ngay, Giao Tiến và Thái Bo) hôm nay là nhờ người dân đã đổi mới tư duy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng hướng. Từ những diện tích trồng lúa, ngô kém hiệu quả chuyển sang sản xuất rau. Với việc chuyển đổi này, giá trị kinh tế trên cùng một diện tích đất canh tác tăng lên theo cấp số nhân và rất bền vững.

Ông Trần Văn Hữu, Bí thư Chi bộ thôn Giao Ngay cho biết: Thôn có 178 hộ thì hơn 50% hộ tham gia mô hình sản xuất rau theo hướng an toàn, với hơn 30 ha. Thu nhập bình quân của người dân trong thôn đạt gần 35 triệu đồng/năm và thôn chỉ còn 3 hộ nghèo vì có hoàn cảnh đặc biệt. Trong những năm tới, Chi bộ thôn chủ trương vận động các hộ còn lại chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng rau để nâng cao thu nhập.

Không chỉ thôn Giao Ngay, mà 2 thôn Giao Tiến và Thái Bo cũng nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa mà đời sống người dân thay đổi nhiều; việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ở các thôn này không còn nhiều khó khăn, nhất là các tiêu chí người dân phải thực hiện. Hiện tất cả hộ của 3 thôn đã có công trình vệ sinh đảm bảo yêu cầu, 70% số hộ có nhà xây kiên cố… Đặc biệt, do đời sống được nâng cao nên người dân tích cực góp công, góp của để thực hiện các tiêu chí khác trong chương trình xây dựng nông thôn mới như làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa. Chính vì vậy, năm 2017, cả 3 thôn đã được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới và người dân trong thôn đang tích cực nâng cao các tiêu chí đã đạt.

Ông Lưu Huỳnh Điểu, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phú cho biết: Các thôn Giao Ngay, Giao Tiến và Thái Bo là vùng trọng điểm nông nghiệp của xã với gần 200 hộ trồng rau màu theo hướng an toàn, tổng diện tích đất chuyên canh hơn 52 ha. Nhờ chuyển dịch kinh tế theo hướng chuyên canh sản xuất rau hàng hóa mà thu nhập trên một đơn vị đất sản xuất tăng gấp 5 - 7 lần trước đây và đa số hộ trồng rau có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, theo ông Điểu, dù đã có sự chuyển dịch sản xuất theo hướng hàng hóa nhưng chất lượng nông sản tại địa phương chưa cao, hầu hết sản phẩm rau màu của người dân là những loại truyền thống như bắp cải, cà chua, su hào, rau thơm, mướp… và chưa có những loại rau mới có giá trị kinh tế cao, chưa có thương hiệu và đăng ký nhãn mác, truy xuất nguồn gốc khiến việc tiêu thụ chưa ổn định. Chính quyền địa phương và người dân mong muốn được cơ quan chức năng của huyện và tỉnh hỗ trợ tập huấn kiến thức, kỹ thuật sản xuất rau an toàn; thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp để liên kết sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rau ở vùng trọng điểm 3 thôn thì ngoài người dân còn cần tới sự đầu tư, hỗ trợ của chính quyền các cấp và các doanh nghiệp trong triển khai các dự án khoa học - công nghệ để đưa vào trồng những loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, xây dựng hạ tầng thủy lợi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất…

Hy vọng với sự năng động của người dân và sự vào cuộc của các cấp chính quyền, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở vùng đất ven sông Hồng xã Gia Phú sẽ đạt được nhiều kết quả và là hình mẫu cho những địa phương khác có địa hình, thổ nhưỡng tương tự.

Tùng Lâm

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/doi-thay-o-vung-dat-ven-song-hong-z36n20190916085228214.htm