Đổi thay trên quê hương Xuân Lộc
Sau 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt, sáng 21-4-1975, chiến dịch giải phóng Xuân Lộc toàn thắng, quân ta đã mở toang 'cánh cửa thép' ở tuyến phòng thủ phía đông của địch, tạo đà cho đại quân ta giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. 45 năm sau ngày giải phóng, từ một vùng đất chằng chịt hố bom, xác pháo, Xuân Lộc đã làm nên những kỳ tích, với một diện mạo mới.
NDĐT - Sau 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt, sáng 21-4-1975, chiến dịch giải phóng Xuân Lộc toàn thắng, quân ta đã mở toang “cánh cửa thép” ở tuyến phòng thủ phía đông của địch, tạo đà cho đại quân ta giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. 45 năm sau ngày giải phóng, từ một vùng đất chằng chịt hố bom, xác pháo, Xuân Lộc đã làm nên những kỳ tích, với một diện mạo mới.
Trước năm 1975, Xuân Lộc, nay là huyện Xuân Lộc và TP Long Khánh (tỉnh Đồng Nai), được xem là “cánh cửa thép”, tuyến phòng thủ vững chắc từ xa bảo vệ Sài Gòn. Kẻ địch xác định, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn. Do đó, tại đây, chính quyền Sài Gòn đã bố trí lực lượng phòng ngự mạnh nhất với khoảng 12 nghìn quân, cùng phương tiện kỹ thuật, vũ khí hiện đại, với ý đồ biến Xuân Lộc trở thành điểm “tử thủ” bảo vệ thành trì cuối cùng của chế độ tay sai.
Đối với ta, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Thường vụ Trung ương Cục, Quân ủy Trung ương và Bộ tư lệnh Miền đã quyết định mở chiến dịch Xuân Lộc. Đúng 5 giờ 30 phút, sáng 9-4-1975, quân ta đồng loạt nổ súng tấn công vào các mục tiêu quan trọng của địch. Sau 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt, đến sáng 21-4, quân ta đã đánh tan “cánh cửa thép” của kẻ địch. Thắng lợi của Chiến dịch Xuân Lộc mở ra thời cơ chiến lược cho đại quân ta tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sau ngày đất nước thống nhất, mảnh đất Xuân Lộc phải đối mặt với biết bao khó khăn, thách thức mà chiến tranh để lại. Mặt đất chằng chịt hố bom, nhà cửa đổ nát. Không điện, không cơ sở y tế, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, quân và dân Xuân Lộc phải đối mặt với hàng loạt khó khăn.
Năm 1991, Xuân Lộc được tách thành hai đơn vị hành chính là huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh. Trong đó, huyện Xuân Lộc, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, với hơn 20% dân số thuộc diện đói nghèo. Với xuất phát điểm là một huyện thuần nông, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Xuân Lộc luôn xác định phải lấy nông nghiệp làm nền tảng. Cũng chính từ đây, Xuân Lộc đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nâng cao năng suất nhằm thực hiện mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người dân. Bộ mặt quê hương dần “thay da đổi thịt”. Nếu như năm 1991, chưa có xã nào có điện thì đến nay 15/15 xã, thị trấn đã có điện quốc gia, tỷ lệ số hộ sử dụng điện đạt 100%. Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh từ 38% lên 100% vào thời điểm hiện nay.
Liên tục trong nhiều năm tốc độ tăng trưởng của huyện luôn đạt hơn 10%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người không ngừng được nâng lên, năm 2008 là 12 triệu đồng/năm, thì đến cuối năm 2019 là hơn 63 triệu đồng/năm.
Trong chiến tranh, địa danh Xuân Lộc được cả nước biết đến như là “vùng đất lửa” thì giờ đây mảnh đất này lại được biết đến là địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Năm 2014, Xuân Lộc là huyện đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhân đạt chuẩn nông thôn mới. Đó là một “kỳ tích” của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Xuân Lộc. Từ những thành tựu trong xây dựng NTM, năm 2018, Xuân Lộc vinh dự được Trung ương chọn là một trong bốn huyện của cả nước thực hiện thí điểm xây dựng huyện NTM kiểu mẫu. Để có được điều này, Xuân Lộc đã có những cách làm sáng tạo trong việc huy động sức dân để cùng tham gia thực hiện. Một trong những cách làm đó là làm cho dân thấy, dân tin để nhân dân cũng chung tay và chính người dân phải là người được thụ hưởng đầu tiên.
Dẫn chúng tôi đi trên tuyến đường nhựa khang trang, Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc Trần Trung Dũng phấn khởi, cho biết: Mặc dù là địa bàn vùng sâu, vùng xa, nhưng đến nay các tuyến đường giao thông trên địa bàn đều đã được rải nhựa và bê-tông hóa. Có được kết quả này, người dân đã tích cực đóng góp 30% kinh phí để cùng nhà nước xây dựng. Ngoài ra, tại những tuyến đường nông thôn, người dân đã đầu tư gắn đèn chiếu sáng và trồng hoa trang trí, góp phần tạo cảnh quan nông thôn sạch đẹp, văn minh. “Mỗi hộ đóng góp 250 nghìn đồng lúc đầu để làm trụ đèn chiếu sáng, hằng tháng dành hai ngày công dọn vệ sinh và 15 nghìn để trả tiền điện. Số tiền chẳng đáng là bao, nhưng đổi lại, người dân chúng tôi được sống trong một môi trường sạch đẹp và an toàn”, bà Trần Thị Khuyên, người dân ấp 3, xã Xuân Bắc chia sẻ.
Một trong những dấu ấn đậm nét trong quá trình xây dựng NTM ở Xuân Lộc là sự đồng lòng, chung tay của người dân với cấp ủy, chính quyền. Trong gần 10 năm xây dựng NTM, tổng nguồn vốn đầu tư của Xuân Lộc là hơn 23 nghìn tỷ đồng, thì nhân dân đóng góp chiếm hơn 90%. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng ở vùng nông thôn ngày càng đồng bộ, góp phần giúp sản xuất nông nghiệp hình thành các vùng chuyên canh có khả năng xuất khẩu, đạt giá trị cao.
Hiện nay, Xuân Lộc đã có 21 sản phẩm nông nghiệp được cấp nhãn hiệu hàng hóa, 10 chuỗi liên kết sản xuất trên các loại cây trồng; 27 mô hình sản xuất nông nghiệp sạch tiêu biểu và 590 mô hình sản xuất nông nghiệp có thu nhập từ 300 triệu đồng đến một tỷ đồng/ha/năm.
Tại hầu hết các xã đều có mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Năm 2017, Công ty TNHH trang trại Việt đã đầu tư hàng chục tỷ đồng, xây dựng 15 nhà màng sản xuất rau sạch ở xã Xuân Trường. Đến nay, các sản phẩm, như: cà chua, dưa lưới, xà lách đều đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, cung cấp vào các bếp ăn cao cấp tại TP Hồ Chí Minh với giá cao gấp từ năm đến bảy lần so với giá bình thường. “Từ thành công bước đầu, doanh nghiệp chúng tôi sẽ tiếp tục nâng quy mô lên 50 nhà màng. Qua đó, cung cấp mỗi năm khoảng 500 tấn sản phẩm cho thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu sang Nhật Bản”, Giám đốc Công ty Trần Quang Tính chia sẻ.
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Viên Hồng Tiến, mục tiêu của huyện đến năm 2025 đạt huyện NTM kiểu mẫu. Để thực hiện được điều này, một trong những khâu đột phá được xác định trong thời gian tới là đẩy mạnh sản xuất theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững để người dân có thêm cơ hội vươn lên làm giàu. Trong đó, chú trọng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm sạch, an toàn và xây dựng thương hiệu hàng hóa, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, gắn với phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn.